Thúc bách hoàn thiện hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL: Rà soát, ưu tiên đầu tư các dự án trọng điểm

 Vì sao thời gian qua Tây Nam bộ ít được đầu tư so với các vùng miền khác, đến bao giờ khu vực này mới có hệ thống giao thông hoàn thiện, Báo SGGP đã có cuộc phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Nhật xung quanh vấn đề này.
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Nhật
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Nhật

Những bất cập của hạ tầng giao thông khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã được Báo SGGP mổ xẻ, làm rõ trong loạt bài “Thúc bách hoàn thiện hệ thống giao thông ĐBSCL” được đăng tải từ ngày 18 đến 21-3. Vì sao thời gian qua Tây Nam bộ ít được đầu tư so với các vùng miền khác, đến bao giờ khu vực này mới có hệ thống giao thông hoàn thiện, Báo SGGP đã có cuộc phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Nhật xung quanh vấn đề này.

PHÓNG VIÊN: Xin Thứ trưởng cho biết, trong những năm gần đây, nguyên tắc chọn dự án để ưu tiên đầu tư của Bộ GTVT là gì? Có phải Tây Nam bộ ít được quan tâm đầu tư so với vùng miền khác?

Thứ trưởng NGUYỄN NHẬT: Đầu tư cho hạ tầng giao thông luôn đòi hỏi vốn rất lớn. Trong bối cảnh nguồn vốn hạn hẹp, Bộ GTVT phải rà soát để ưu tiên đầu tư các dự án trọng điểm. Nguyên tắc của Bộ GTVT là phải ưu tiên đầu tư các dự án trọng điểm, đảm bảo tính kết nối của vùng, lựa chọn các dự án có tính chất then chốt để sau khi đầu tư không chỉ phát huy hiệu quả của dự án đó mà còn phát huy hiệu quả của các dự án khác có liên quan đã và đang được đầu tư. Với khu vực ĐBSCL, trong những năm vừa qua, kinh phí đầu tư cho cơ sở hạ tầng GTVT chiếm tỷ trọng khá lớn trong tổng nguồn vốn đã bố trí cho ngành GTVT.

Tuy nhiên, do xuất phát điểm về kết cấu hạ tầng của vùng thấp so với cả nước, suất đầu tư các công trình giao thông lại cao nhất cả nước (do địa chất phức tạp, chiều dày đất rất yếu, sông ngòi, kênh rạch chằng chịt dẫn đến phải đầu tư nhiều cầu…) nên phần nào kết cấu hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của vùng.

Có một thực tế mà Báo SGGP đã phản ánh trong loạt bài vừa đăng tải, đó là việc đầu tư cho giao thông ĐBSCL đang bị ngắt khúc, nhiều tuyến đường huyết mạch đang xuống cấp, đầu tư một số tuyến, đoạn rồi dừng lại do thiếu vốn. Nơi có đường thì thiếu cầu, đường làm từng đoạn nên thông chỗ này là tắc chỗ kia; quy hoạch không liên tục, thường xuyên thay đổi…, Thứ trưởng có nhận xét gì về thực trạng này?

Các lĩnh vực kết cấu hạ tầng giao thông đều đã có đầy đủ quy hoạch đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Trên cơ sở quy hoạch được duyệt, Bộ GTVT đã xây dựng nhu cầu đầu tư công giai đoạn 2016 - 2020 để báo cáo Chính phủ trình Quốc hội với tổng kinh phí 952.000 tỷ đồng (phương án này chỉ là phương án thấp nhằm đáp ứng nhu cầu tối thiểu theo quy hoạch được duyệt).

Trong đó, riêng nhu cầu đầu tư của vùng ĐBSCL là khoảng 206.772 tỷ đồng, bao gồm nguồn vốn xã hội hóa là 102.243 tỷ đồng, nguồn vốn ngân sách nhà nước là 104.529 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện nay, việc huy động xã hội hóa đầu tư gặp nhiều khó khăn do thị trường tín dụng trung và dài hạn trong nước được siết chặt; chính sách thuế, phí chưa hoàn thiện; việc quản lý và giám sát ngày càng chặt chẽ; tính hấp dẫn của các dự án đầu tư xã hội hóa chưa cao, còn chứa đựng nhiều yếu tố rủi ro. Bên cạnh đó, nguồn vốn giao Bộ GTVT chỉ mới đáp ứng khoảng 30% tổng nhu cầu (bao gồm vốn ODA, vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu chính phủ) để đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông.

Do vậy, một số công trình mới không được bố trí vốn để triển khai đầu tư theo kế hoạch đã đề ra; một số công trình đang triển khai dở dang không được bố trí vốn để tiếp tục hoàn thành. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng kết cấu hạ tầng giao thông khu vực còn chưa được đồng bộ, liên tục, như Báo SGGP đã nêu.

Thực trạng như vậy, nếu không có giải pháp khẩn trương hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông thì hệ lụy đối với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của ĐBSCL sẽ rất lớn. Xin ông cho biết, trong thời gian tới, Chính phủ và các bộ ngành có những giải pháp cụ thể nào cho vấn đề này?

Đầu tư xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng GTVT đang là nhu cầu cấp thiết của ĐBSCL, nhưng điều kiện nguồn lực quốc gia rất hạn hẹp, Bộ GTVT sẽ phải cân nhắc lựa chọn các công trình thực sự quan trọng, có tính chất kết nối động lực, tác động lan tỏa của khu vực ĐBSCL. Với yêu cầu như vậy, Bộ GTVT đã giao nhiệm vụ cho Tổng cục Đường bộ Việt Nam chủ trì, phối hợp với các đơn vị chuyên ngành triển khai đề án kết nối mạng giao thông các tỉnh ĐBSCL.

Đề án này sẽ thực hiện rà soát các quy hoạch đã được phê duyệt, xác định các điểm nghẽn về kết cấu hạ tầng giao thông để thống nhất với các tỉnh trong vùng. Đề án sẽ đưa ra danh mục các công trình quan trọng cấp bách làm cơ sở đề xuất danh mục ưu tiên đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Theo kế hoạch, đề án sẽ hoàn thành trong tháng 4 và sau khi được phê duyệt sẽ triển khai thực hiện ngay.

Ông có thể nói cụ thể hơn về những công trình, dự án cho khu vực ĐBSCL trong tương lai gần và kỳ vọng của Bộ GTVT về hiệu quả của các công trình?

 Sắp tới, Bộ GTVT và các địa phương sẽ hoàn thiện các dự án đang triển khai dở dang, khởi công các dự án đã được phê duyệt như: nâng cấp, mở rộng các tuyến quốc lộ 57 đoạn Mỏ Cày - Vĩnh Long, quốc lộ 30 đoạn Cao Lãnh - Hồng Ngự, quốc lộ 53 đoạn Trà Vinh - Long Toàn; tăng cường mặt đường tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp; xây dựng cầu Mỹ Thuận 2; xây dựng tuyến tránh Long Xuyên, tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ.

Bên cạnh đó, một số dự án Bộ GTVT đang hoàn thiện các thủ tục về điều chỉnh quy hoạch, chuẩn bị đầu tư và huy động nguồn lực để có thể triển khai đầu tư trong giai đoạn 2021 - 2025 là: xây dựng cầu Đại Ngãi, cầu Rạch Miễu 2, cảng biển Trần Đề; nâng cấp tuyến N2 đoạn Đức Hòa - Cao Lãnh, xây dựng tuyến cao tốc Sóc Trăng - Cần Thơ - Châu Đốc, tuyến An Hữu - Cao Lãnh, tuyến tránh TP Cà Mau; mở rộng quốc lộ 1 đoạn từ thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang đến Sóc Trăng; nâng cấp, mở rộng các tuyến quốc lộ còn nhỏ hẹp như: 53, 54, 60, 61B, 62, 91, 91C, tuyến N1 nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo (giai đoạn 2)…

Nếu cân đối đủ nguồn lực để đầu tư, nâng cấp các công trình trọng điểm nêu trên, chắc chắn sẽ thay đổi đáng kể diện mạo kết cấu hạ tầng GTVT ĐBSCL, đáp ứng cơ bản nhu cầu vận tải, lưu thông trong vùng và liên vùng để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đảm bảo an ninh - quốc phòng của khu vực.
 Xin cảm ơn ông! 

Tin cùng chuyên mục