Thúc đẩy an ninh lương thực bền vững vì tương lai

“Hành động hôm nay, tương lai ngày mai - Cải thiện sản xuất, dinh dưỡng, môi trường và cuộc sống” là chủ đề của Ngày Lương thực thế giới 2021. Năm nay, các chuyên gia đặc biệt kêu gọi nâng cao nhận thức về nhu cầu hỗ trợ chuyển đổi sang các hệ thống lương thực thực phẩm theo hướng hiệu quả, đầy đủ, linh hoạt và bền vững hơn.
Sử dụng thiết bị bay không người lái trong sản xuất nông nghiệp tại Australia
Sử dụng thiết bị bay không người lái trong sản xuất nông nghiệp tại Australia

Kêu gọi chung tay hỗ trợ 

Sự kiện chào mừng Ngày Lương thực thế giới 2021 diễn ra vào ngày 16-10 tại trụ sở chính của Tổ chức Nông lương Liên hiệp quốc (FAO) ở Rome, Italy và nhiều quốc gia khác nhằm nhắc nhở cuộc chiến chống đói nghèo chưa kết thúc. Chủ đề của Ngày Lương thực thế giới năm nay cũng nhấn mạnh tới cơ hội để cộng đồng quốc tế chia sẻ rộng rãi về vấn đề chuyển đổi hệ thống lương thực - thực phẩm nhằm đảm bảo tất cả người dân được cung cấp, tiếp cận đủ lương thực, đảm bảo dinh dưỡng nhưng vẫn bảo vệ môi trường, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và ứng phó với biến đổi khí hậu. 

Nhân sự kiện này, Tổng Giám đốc FAO Khuất Đông Ngọc (QU Dongyu) tái khẳng định vai trò quan trọng của lương thực thực phẩm trên toàn cầu, nhất là trong giai đoạn dịch Covid-19 vẫn chưa thể kiểm soát được hoàn toàn. Ông Khuất Đông Ngọc kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới cùng chung tay hỗ trợ quá trình chuyển đổi hoạt động sản xuất lương thực, thực phẩm theo hướng bền vững hơn, hiện đại hơn. 

Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres cho rằng, cách thế giới sản xuất, tiêu thụ và lãng phí thực phẩm đang gây thiệt hại nặng nề cho Trái đất vì tạo áp lực lên tài nguyên thiên nhiên, khí hậu và môi trường tự nhiên, khiến con người thiệt hại hàng ngàn tỷ USD mỗi năm. Tuy nhiên, quyền thay đổi vẫn nằm trong tay con người và việc chuyển đổi hệ thống lương thực - thực phẩm chính là giải pháp phù hợp. 

Theo FAO, dù thế giới được đánh giá là đang có những bước phát triển vượt bậc, lượng lương thực đang được sản xuất nhiều hơn bao giờ hết nhưng số người bị mất an ninh lương thực và cần hỗ trợ khẩn cấp tăng lên mức cao nhất trong 5 năm qua, khoảng 811 triệu người vào năm 2020, có nghĩa cứ 10 người lại có hơn 1 người bị đói. Số người đói lại chủ yếu là nông dân, những người trực tiếp tham gia vào việc sản xuất lương thực. Chính vì vậy, Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Guterres từng đề nghị nhìn nhận lại cách đánh giá lương thực không chỉ đơn giản như một loại hàng hóa để trao đổi mà còn là quyền mà mỗi người đều phải có.

Thúc đẩy giải pháp bền vững 

Hệ thống lương thực - thực phẩm trên thế giới vốn đã rơi vào khủng hoảng từ trước đại dịch nay càng chịu tác động mạnh. Covid-19 đã gây ra sự gián đoạn chưa từng có trong các tương tác xã hội, ảnh hưởng đến cả việc cung và cầu lương thực, thực phẩm. Những gián đoạn đối với việc làm, thu nhập và nguồn cung cấp lương thực đã làm gia tăng và làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng hiện có. Đại dịch đã làm thụt lùi các nỗ lực chống đói nghèo thêm vài năm, thậm chí lên đến cả thập niên ở các quốc gia nghèo. Trong khi đó, giá lương thực thế giới trong tháng 9 vừa qua tiếp tục tăng tháng thứ 2 liên tiếp, lên mức cao nhất trong 10 năm qua, chủ yếu do đà tăng của giá ngũ cốc và dầu thực vật. So với cùng kỳ năm ngoái, giá lương thực đã tăng 32,8% trong tháng 9. FAO dự báo sản lượng ngũ cốc toàn cầu sẽ đạt mức kỷ lục vào năm 2021. 

Theo FAO, đây chính là thời điểm cần đẩy nhanh các giải pháp bền vững cho những thách thức lớn nhất của thế giới, từ đói nghèo, bất bình đẳng đến biến đổi khí hậu và khoảng cách giàu nghèo. Giới chuyên gia lương thực cho rằng, các nước cần đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn theo hướng hiện đại, phát triển mạnh nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nâng cao khả năng chống chịu, thích ứng của nông nghiệp với biến đổi khí hậu, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi các hệ thống lương thực - thực phẩm theo hướng xanh, ít phát thải và bền vững.

Tin cùng chuyên mục