Thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ

Có hiệu lực kể từ ngày 12-8-2019, Quyết định số 999/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ được kỳ vọng tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng, giữa hoạt động kinh tế chia sẻ và kinh tế truyền thống; đảm bảo quyền lợi, trách nhiệm và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia mô hình kinh tế chia sẻ; khuyến khích đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ số và phát triển nền kinh tế số.

Theo TS Nguyễn Mạnh Hải, Trưởng ban nghiên cứu các vấn đề xã hội, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM, Bộ Kế hoạch và Đầu tư), một trong những điều kiện tiên quyết để đạt được mục tiêu của đề án là công tác quản lý nhà nước cần đảm bảo cho các hoạt động kinh tế hợp pháp nói chung và các hoạt động kinh tế chia sẻ nói riêng được tự do phát triển. Và muốn vậy thì tư duy và cách thức quản lý nhà nước phải thay đổi.

Thử nhìn vào một ví dụ khá điển hình để thấy mức độ sẵn sàng thích ứng với kinh tế chia sẻ của các cơ quan quản lý nhà nước, đó là dịch vụ Grab. Trong số các mô hình kinh tế chia sẻ đang nổi lên ở Việt Nam như: dịch vụ vận tải trực tuyến Grab, Fastgo; dịch vụ chia sẻ phòng nghỉ Airbnb, Travelmob, Laxstay, cho vay ngang hàng P2P lending, chia sẻ chỗ làm, chỗ gửi xe, chia sẻ nhân lực…, thì Grab là cái tên gây nên nhiều “sóng gió” hơn cả. Sau 4 năm ròng rã với 9 phiên bản dự thảo, dự thảo mới nhất Nghị định sửa đổi Nghị định 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô do Bộ GTVT trình Chính phủ đã bỏ nội dung quy định bắt buộc gắn cố định hộp đèn trên nóc xe đối với xe ô tô chở khách dưới 9 chỗ ngồi (bao gồm xe hợp đồng, xe du lịch), nói nôm na là sẽ không bắt xe Grab và các hãng có mô hình hoạt động tương tự Grab phải đeo “mào”. Thế nhưng, đọc kỹ bản dự thảo Nghị định thì thấy “mào” đã được Bộ GTVT khéo léo thay thế bằng một “dấu hiệu nhận diện” khác: các xe hợp đồng, xe du lịch dưới 9 chỗ ngồi phải có phù hiệu “Xe hợp đồng” kích thước tối thiểu là 6 x 20cm, làm bằng vật liệu phản quang và được dán cố định phía bên phải, mặt trong kính trước của xe.

Theo các chuyên gia công nghệ, việc quản lý taxi công nghệ hoàn toàn có thể thực hiện trên nền tảng số, thông qua các hợp đồng điện tử mà không cần phù hiệu phản quang. Điểm cốt lõi khi lưu thông là phải tuân thủ luật giao thông và khi tham gia hoạt động vận tải thì phải đóng đầy đủ nghĩa vụ thuế, đảm bảo chất lượng phục vụ khách hàng. Phù hiệu phản quang không có ý nghĩa gì trong cả 3 yếu tố trên. Nếu cần thêm khung khổ để quản lý, thì  cần làm rõ: lái xe Grab là người lao động hay nhà kinh doanh; người tiêu dùng, sử dụng dịch vụ khi có vấn đề sẽ khiếu nại người lái xe hay Grab; cơ quan nào chịu trách nhiệm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, người sử dụng dịch vụ và người lao động... Bên cạnh đó, ngành tài chính cần triển khai áp dụng công nghệ mới để quản lý các hoạt động kinh doanh có doanh thu trên mạng. Các khách sạn, đơn vị lữ hành, đơn vị cung cấp dịch vụ vận tải… cũng cần có sự hợp tác tích cực, và nhận thức của doanh nghiệp, địa phương, người dân về mô hình kinh tế chia sẻ cũng phải được nâng cao.

Có thể thấy, quan điểm của đề án là ủng hộ và thích ứng với xu thế phát triển mới của mô hình kinh tế chia sẻ trong điều kiện phát triển rất nhanh của công nghệ số trên thế giới; không cần thiết phải có các chính sách riêng biệt cho hình thức kinh doanh theo mô hình kinh tế chia sẻ, do kinh tế chia sẻ không phải là một bộ phận tách rời hoặc một thành phần kinh tế riêng trong nền kinh tế. Nhưng sẽ không thừa khi nói thêm rằng, đồng thời với việc thúc đẩy phát triển kinh tế chia sẻ, các cơ quan nhà nước vẫn phải tiếp tục quan tâm tháo gỡ rào cản cho kinh tế truyền thống vốn đang chiếm tỷ trọng rất lớn, để nền kinh tế Việt Nam có thể đi lên bằng đôi chân mạnh khỏe, cân bằng.

Tin cùng chuyên mục