Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tạo nguồn tăng lương cho cán bộ

Chiều 23-5, Thành ủy TPHCM đã tổ chức hội nghị cán bộ chủ chốt TP, thông báo nhanh kết quả Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII). Đồng chí Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM, Chủ tịch UBND TP, chủ trì hội nghị.

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong báo cáo tại hội nghị. Ảnh: hcmcpv
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong báo cáo tại hội nghị. Ảnh: hcmcpv

Tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Thành Phong thông báo, Hội nghị Trung ương 7 thảo luận, thông qua các tờ trình, đề án về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm chiến lược. Cùng đó là đề án cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp; về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội và một số vấn đề quan trọng khác.

Về công tác cán bộ, đồng chí Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh, Hội nghị Trung ương 7 nêu rõ 5 đột phá nhằm thực hiện các nhiệm vụ giải pháp trong công tác này như: đổi mới công tác đánh giá cán bộ theo hướng xuyên suốt, đa chiều, theo tiêu chí, bằng sản phẩm, thông qua khảo sát, công khai kết quả và so sánh chức danh tương đương; thực hiện nhất quán chủ trương bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương…

Liên hệ với TPHCM, đồng chí Nguyễn Thành Phong cho biết, Sở Nội vụ cùng với Ban Tổ chức Thành ủy TP đã tham khảo kinh nghiệm đánh giá cán bộ hàng tháng ở quận Long Biên (Hà Nội), từ đó xây dựng phương pháp đánh giá cán bộ được thực chất hơn. “Trong công tác này, việc giao việc rất quan trọng. Nếu giao việc chung chung thì rất khó đánh giá đúng năng lực cán bộ. Vì vậy, chủ tịch UBND các quận - huyện cần lưu ý hơn trong tổ chức thực hiện”, đồng chí Nguyễn Thành Phong yêu cầu.

Về cải cách chính sách tiền lương, Hội nghị Trung ương 7 xác định, tiền lương phải là thu nhập chính, đảm bảo đời sống cho người lao động và gia đình họ và phải lấy năng suất lao động là cơ sở tăng lương. Cải cách chính sách tiền lương là yêu cầu khách quan nhưng phải gắn liền và thúc đẩy cải cách hành chính, đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đồng thời thực hiện tinh giản biên chế và đổi mới hệ thống tổ chức, quản lý, nâng cao chất lượng và hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. TPHCM cũng đã có kế hoạch tổ chức, sắp xếp lại bộ máy và các ban quản lý dự án của TP, quận  - huyện, ban quản lý đầu tư các dự án ODA. Hiện nay, Bộ Nội vụ đang trình Chính phủ điều chỉnh lại quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, TP trực thuộc Trung ương nên trước mắt TPHCM sẽ sắp xếp lại các ban quản lý dự án.

“Điểm mấu chốt thực hiện cải cách tiền lương là phải có nguồn thực hiện”, đồng chí Nguyễn Thành Phong phân tích và nhấn mạnh, muốn tăng lương thì phải đảm bảo tăng trưởng kinh tế.

Tin cùng chuyên mục