Thực hiện truy xuất nguồn gốc thịt heo: Chế tài hành vi đeo vòng nhận diện để đối phó

Thực hiện chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến, ngày 31-7 tới đây, TPHCM sẽ triển khai việc truy xuất toàn bộ nguồn thịt heo cung ứng trên thị trường TP.
 Thịt heo bán tại chợ đầu mối Hóc Môn . Ảnh: CAO THĂNG
Thịt heo bán tại chợ đầu mối Hóc Môn . Ảnh: CAO THĂNG
Phóng viên Báo SGGP đã trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó giám đốc Sở Công thương, về những vấn đề đặt ra trong quá trình thực hiện truy xuất.
TPHCM đã gửi văn bản đến các tỉnh, thông báo về thời điểm chính thức áp dụng truy xuất đầy đủ nguồn gốc thịt heo. Đến nay, lãnh đạo các tỉnh lân cận có nguồn cung thịt heo lớn cho thị trường TPHCM đều ủng hộ và chỉ đạo các cơ quan chức năng tích cực phối hợp thực hiện. Đặc biệt, tỉnh Long An - địa phương có nhiều cơ sở giết mổ gia súc và cung cấp một lượng lớn thịt heo cho TP - đã có kế hoạch chi tiết của cơ quan thú y hỗ trợ công tác truy xuất thông tin tại địa phương.
- PHÓNG VIÊN: Đâu là khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện, thưa ông? 
- Ông NGUYỄN NGỌC HÒA: Theo tôi, khó khăn lớn nhất trong việc triển khai Đề án Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo là đã tác động đến một chuỗi rộng, có quá nhiều chủ thể, cơ quan tham gia. Trong đó, một số lượng rất lớn các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, cơ sở giết mổ, thương lái, thương nhân và tiểu thương có tập quán, thói quen chăn nuôi, sản xuất, kinh doanh thủ công hình thành rất lâu, đã ăn sâu vào cách nghĩ, cách làm, nên ngại thay đổi, chưa nhìn thấy lợi ích lâu dài và bền vững từ việc chuẩn hóa lại quy trình sản xuất. Do vậy, đa số chưa tự giác, có tâm lý chờ đợi xem TP quyết liệt đến mức độ nào, thậm chí một số còn vì quyền lợi cá nhân mà né tránh trách nhiệm tham gia. 
Ngoài ra, quy trình của đề án được xây dựng rất chặt chẽ, đòi hỏi các chủ thể tham gia phải đồng bộ và thông tin truy xuất phải kết nối liên tục thành chuỗi. Trong trường hợp 1 chủ thể không tham gia kích hoạt hoặc việc kích hoạt thực hiện có sai sót cũng sẽ làm thông tin bị gián đoạn, dẫn đến thông tin truy xuất cuối cùng không thực hiện được. 
- Theo công văn gửi đến 2 chợ đầu mối Bình Điền và Hóc Môn, từ 20-7-2017, Ban quản lý đề án đã khóa tài khoản (mã code) tạm cấp cho thương lái đăng ký tham gia đề án. Nhưng thực tế, thương nhân tại các chợ cho biết, việc đeo vòng nhận diện vẫn do thương lái thực hiện. Chúng ta xử lý vấn đề này như thế nào? 
- Sau khi khóa tài khoản tạm cấp cho các thương lái đăng ký tham gia đề án, việc đeo và kích hoạt vòng nhận diện phải được thực hiện bằng tài khoản cấp riêng cho trang trại, cơ sở chăn nuôi, với đầy đủ thông tin về tên trang trại, thời gian, địa điểm xuất bán, số lượng heo xuất bán... Trường hợp chỉ đeo vòng nhận diện để đối phó, không thực hiện kích hoạt, là không hợp lệ và sẽ không được các cơ quan quản lý xác nhận (từ sau thời điểm đêm 30, sáng 31-7). 
Đối với các thương nhân không đeo vòng nhận diện cho heo hoặc có đeo nhưng không thực hiện việc kích hoạt, sẽ có chế tài xử lý. Tuy nhiên, để tránh việc đối phó, chúng tôi tạm chưa công bố giải pháp. 
- Với chợ bán lẻ, việc dán tem truy xuất sẽ triển khai như thế nào? Việc dán tem có được xem là nhiệm vụ bắt buộc của tiểu thương hay không?
- Với các chợ bán lẻ, Ban quản lý đề án đã triển khai việc dán tem truy xuất tại 146 gian hàng của Vissan (ở 23 chợ truyền thống). Việc dán tem là nhiệm vụ bắt buộc của tiểu thương bán lẻ, để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Tuy nhiên, do khối lượng công việc chuẩn bị quá nhiều, chúng tôi sẽ ưu tiên tập trung tổ chức triển khai tại 2 chợ đầu mối, sau đó tiếp tục triển khai đến các chợ bán lẻ.
- Như ông từng nói, nếu TPHCM triển khai đề án tại 2 chợ đầu mối và các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi thì tỷ lệ thịt heo được truy xuất đạt khoảng 95%. Chúng ta sẽ làm gì với 5% lượng thịt heo nằm ngoài đề án? 
- Trên thực tế, 2 chợ đầu mối cung ứng khoảng 80% lượng thịt heo cho thị trường TP, hệ thống phân phối hiện đại là các chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng chuyên doanh thực phẩm cung ứng từ 15% - 18% thị phần, có khoảng 2% tiêu thụ trực tiếp tại các khu vực nông thôn, ngoại thành hoặc đưa vào các cơ sở chế biến. Lượng thịt heo nằm ngoài đề án sẽ được thị trường điều tiết loại dần do sản phẩm không có thông tin về nguồn gốc, không có tem truy xuất, không đảm bảo chất lượng và người tiêu dùng sẽ không lựa chọn.
Đối với thịt heo, TPHCM mới chỉ thực hiện giai đoạn 1 của đề án, tức truy xuất nguồn gốc heo ở giai đoạn từ cổng trang trại đến người tiêu dùng. Các cơ quan chức năng của TP đang chuẩn bị phương án, để tiến tới triển khai giai đoạn 2 - thực hiện truy xuất ngay từ con giống, quá trình chăn nuôi - vào năm 2018.

Tin cùng chuyên mục