Thực hiện ủy quyền để gần dân hơn

Từ ngày 20-1-2019 đến hết ngày 30-11-2022, UBND TPHCM ủy quyền cho các sở ngành, UBND quận huyện thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn của UBND TPHCM (gồm 59 đầu việc); Chủ tịch UBND TPHCM ủy quyền cho thủ trưởng các sở ngành, chủ tịch UBND các quận huyện thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch UBND TPHCM (27 đầu việc).

Việc ủy quyền - thực hiện theo Nghị quyết 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM - được kỳ vọng sẽ mang lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp bởi các quyết định được đưa ra nhanh chóng, gần gũi, sâu sát hơn với người dân.

Thuận tiện

86 đầu việc được UBND TPHCM, Chủ tịch UBND TPHCM ủy quyền cho sở ngành, quận huyện và người đứng đầu các đơn vị, chủ tịch UBND quận huyện, trải rộng ở nhiều lĩnh vực, nhiều công việc quan trọng, tác động đến người dân.

Trong lĩnh vực đô thị - môi trường, UBND TPHCM ủy quyền cho UBND quận huyện được quyết định toàn bộ công tác thu hồi đất (đối với các trường hợp thu hồi đất quy định tại Khoản 3, Điều 66 Luật Đất đai năm 2013), phê duyệt phương án và thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. UBND quận huyện cũng quản lý và tự cân đối, sử dụng quỹ nhà, đất tái định cư trên địa bàn; chịu trách nhiệm bán nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn; quản lý và tổ chức thực hiện thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn…

Trong lĩnh vực văn hóa  - xã hội - khoa học, UBND các quận huyện được phê duyệt mức thu của trường tiên tiến theo xu thế hội nhập và quốc tế đối với trường học thuộc địa bàn quản lý…

Mục đích ủy quyền là giảm khâu trung gian, rút ngắn thời gian giải quyết công việc; các sở ngành, UBND quận huyện, giám đốc sở ngành, chủ tịch UBND quận huyện sẽ có quyết định phù hợp, gần gũi, sâu sát với người dân ở các lĩnh vực. Đây còn là một trong những giải pháp để thực hiện tinh giản biên chế, thông qua giảm khâu trung gian trong giải quyết thủ tục hành chính.

Thực hiện ủy quyền để gần dân hơn ảnh 1 Việc ủy quyền sẽ giảm thời gian, thủ tục ở một số lĩnh vực, mang lại lợi ích cho người dân và doanh nghiệp. Ảnh: VIỆT DŨNG
Ông Lê Văn Thinh, Chủ tịch UBND quận Bình Tân, cho hay để thực hiện việc nhận ủy quyền, quận đã phân công công việc cụ thể cho từng lãnh đạo, cán bộ phụ trách. Bước đầu thực hiện việc phân công khá trôi chảy. “Trước đó, nhiều việc thuộc thẩm quyền của TPHCM quyết định, song các sở ngành, quận huyện cũng làm nhiệm vụ tham mưu nên cơ bản nắm được cách giải quyết phân công công việc. Vì thế, bây giờ trách nhiệm thuộc quận quyết định thì quận cũng không lúng túng gì lắm”, ông Lê Văn Thinh chia sẻ.

Chủ tịch UBND quận Bình Tân Lê Văn Thinh cũng cho rằng, việc ủy quyền, giao việc về cơ sở là để người dân và doanh nghiệp được thuận lợi hơn. Bởi nhiều công việc trước đây phải trình UBND TPHCM quyết định, còn nay, quận có thể chủ động giải quyết, như vậy quy trình sẽ gọn và thời gian giải quyết nhanh hơn. Dù chưa xác định cụ thể người dân sẽ được “lợi” bao nhiêu ngày trong từng quy trình, thủ tục nhưng chắc chắn thủ tục, thời gian sẽ được rút ngắn.

Tại huyện Nhà Bè, ông Nguyễn Văn Lưu, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè, cho hay huyện đã sắp xếp, bố trí các nguồn lực để thực hiện hơn 30 nội dung mà cấp huyện và chủ tịch UBND huyện được ủy quyền. Lãnh đạo huyện đặc biệt chú trọng công tác bố trí nhân sự, chuyên viên ở các phòng ban, tập huấn quy trình thực hiện công việc được ủy quyền.

Theo ông Nguyễn Văn Lưu, nhiều công việc được ủy quyền sẽ giúp quá trình thực hiện nhanh, gọn hơn. Chẳng hạn, trước đây việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư do TP quyết, thì bây giờ, huyện có thể chủ động quyết định. Trong công tác nội vụ, huyện cũng được xem xét tiếp nhận công chức không qua thi tuyển; xét chuyển cán bộ, công chức cấp xã thành công chức từ cấp huyện trở lên; bổ nhiệm ngạch, chuyển ngạch công chức, viên chức… Điều này giúp huyện chủ động, thuận lợi hơn trong công tác nhân sự.

Về trở ngại trong quá trình nhận ủy quyền, ông Nguyễn Văn Lưu đánh giá, hiện chưa phát sinh khó khăn gì cụ thể. Tuy nhiên, số lượng công việc nhận ủy quyền nhiều, trong khi năm qua không được tuyển thêm công chức, nên công việc ở cấp huyện vốn đã nhiều, giờ sẽ nhiều thêm. Dự kiến, huyện thiếu khoảng 10 nhân sự. Để bù đắp sự thiếu hụt, huyện phân công lại công việc giữa các phòng ban, chuyên viên, có mô tả công việc cụ thể và có thể làm thêm giờ nhằm đảm đương tốt công việc được giao. Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè cũng mong muốn với một số công việc mới, quá trình thực hiện rất mong nhận được sự chia sẻ, hướng dẫn, hỗ trợ của các sở ngành và đơn vị liên quan.

Hướng dẫn cụ thể, giám sát chặt chẽ

Trước sự mới mẻ của việc nhận ủy quyền, Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM Trương Văn Lắm cho hay, trong 3 tháng đầu tiên kể từ ngày UBND TPHCM có quyết định về việc ủy quyền (ngày 20-10-2018), thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc UBND TPHCM có trách nhiệm chuyển giao công nghệ, phần mềm (nếu có) và tham mưu UBND TP hướng dẫn các cơ quan, đơn vị thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đã được ủy quyền.

Các đơn vị được ủy quyền được hướng dẫn rõ quy trình, thủ tục, nghiệp vụ cần thiết để thực hiện tốt các nhiệm vụ được ủy quyền; phương thức xử lý đối với các vấn đề mới phát sinh, vấn đề phức tạp, nhạy cảm.

Thực hiện ủy quyền để gần dân hơn ảnh 2 Việc ủy quyền sẽ giảm thời gian, thủ tục ở một số lĩnh vực, mang lại lợi ích cho người dân và doanh nghiệp. Ảnh: VIỆT DŨNG
Đối với những nội dung ủy quyền, dẫn tới thay đổi quy định về thủ tục hành chính liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp, Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM lưu ý thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc UBND TPHCM cần rà soát quy định pháp luật chuyên ngành liên quan có thể bị ảnh hưởng bởi nội dung ủy quyền. Đồng thời, phối hợp với Sở Nội vụ TPHCM và Văn phòng UBND TPHCM phổ biến, công khai tới cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM biết.

Xác định trách nhiệm nhận ủy quyền là khá nặng nề, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm yêu cầu các cơ quan, đơn vị được ủy quyền cần chuẩn bị nguồn nhân lực đáp ứng về yêu cầu khối lượng và chất lượng công việc được giao. Các đơn vị phải đảm bảo công việc xuyên suốt, đội ngũ công chức phải được tập huấn, bồi dưỡng đầy đủ, gắn với nhiệm vụ mới, cũng như đảm bảo sự kế thừa, hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ giữa các cấp các ngành.

Theo đồng chí Lê Thanh Liêm, việc kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả trước và sau ủy quyền cũng phải được làm thường xuyên, sát thực tế để việc ủy quyền mang lại hiệu quả.

PGS-TS VŨ VĂN NHIÊM (Trưởng khoa Luật Hành chính - Nhà nước, Trường Đại học Luật TPHCM):

Mạnh dạn phân cấp, mở rộng ủy quyền

Đến nay, UBND TPHCM và Chủ tịch UBND TPHCM đã ủy quyền cho các sở ngành, UBND quận huyện và người đứng đầu sở ngành, chủ tịch UBND các quận huyện thực hiện một số nhiệm vụ quyền hạn của UBND TPHCM, Chủ tịch UBND TPHCM. Tuy nhiên, UBND TPHCM vẫn chưa mạnh dạn thực hiện việc phân cấp nhiệm vụ, quyền hạn cho các sở ngành và UBND quận huyện theo quy định của Điều 43 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, mà mới chỉ dừng lại ở việc ủy quyền.

Trong số 3 phương thức chuyển giao quyền của chính quyền trung ương cho chính quyền địa phương và của các cấp chính quyền địa phương cấp trên cho chính quyền cấp dưới, ủy quyền là phương thức mang tính cơ động nhất, nhưng mang tính thận trọng nhất. Trong khi đó, cơ chế phân cấp thể hiện được tính ổn định và dứt khoát cao hơn phương thức ủy quyền. Khi ủy quyền phải có văn bản ủy quyền, khi phân cấp phải được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước phân cấp. Mang tính ổn định cao nhất và dứt khoát nhất trong 3 phương thức chuyển giao quyền là phân quyền. Việc phân quyền do Quốc hội quyết định và phải được quy định trong các luật.

Từ những phân tích ở trên, tôi cho rằng TPHCM mới sử dụng phương thức thứ nhất là ủy quyền, mang tính thận trọng cao nhất chứ chưa mạnh dạn sử dụng phương thức mang tính đột phá cao hơn là phân cấp mà Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã “mở đường”. Để tận dụng một cách tốt nhất cơ chế mà Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Nghị quyết 54 cho phép, TPHCM cần nghiên cứu, mạnh dạn phân cấp cho các sở ngành và UBND các quận huyện thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn của UBND TPHCM. Đồng thời với việc phân cấp, việc ủy quyền cần được mở rộng và mạnh mẽ hơn. TPHCM cũng cần chỉ đạo, hướng dẫn, quy định cho chính quyền quận huyện phân cấp, ủy quyền cho cơ quan chuyên môn cấp này và chính quyền cấp xã phường.

Cần chú ý rằng khi thực hiện phân cấp và ủy quyền, đây sẽ là công việc không dễ dàng và gặp không ít lực cản, vì bản chất đó là hoạt động chuyển giao quyền lực từ chính quyền cấp trên xuống chính quyền cấp dưới. Vì thế, cần thường xuyên tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm từ thực tiễn thực hiện.

GS-TS PHẠM HỒNG THÁI (Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội): Phức tạp giữa ủy quyền thường xuyên và sự vụ

Trong thực tiễn, việc ủy quyền thường được thực hiện theo từng trường hợp cụ thể, nhưng trong quản lý lại xuất hiện nhiều tình huống. Song, nếu cấp trên ủy quyền cho cấp dưới thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cấp trên một cách thường xuyên để giải quyết một loại công việc nào đó, thì lại bước sang lĩnh vực “phân cấp”, “phân quyền” trong quản lý; mà phân cấp, phân quyền phải được tiến hành bằng việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Tuy nhiên, theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, thì Chủ tịch UBND không có quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đây là nghịch lý trong pháp luật Việt Nam hiện nay. Do vậy, trong thực tiễn sẽ rất phức tạp khi Chủ tịch UBND TPHCM và chủ tịch UBND các quận huyện muốn “ủy quyền” cho cấp dưới thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình một cách ổn định, lâu dài; còn ủy quyền theo vụ việc cụ thể cũng dễ dẫn đến tình huống là có khi cấp dưới không muốn được ủy quyền, nhưng cũng có tình huống “xin” được ủy quyền, vì khi ủy quyền sẽ kèm theo những điều kiện về vật chất bảo đảm cho sự ủy quyền.

                                                                                                    ĐƯỜNG LOAN (ghi)

Tin cùng chuyên mục