Thực phẩm hữu cơ thu hút khách hàng

Nhu cầu sử dụng thực phẩm hữu cơ (organic) của người tiêu dùng ngày càng tăng. Ghi nhận vài năm trở lại đây, hàng loạt cửa hàng chuyên kinh doanh thịt heo thảo mộc, trái cây tươi, rau củ các loại, chăn nuôi theo phương pháp hữu cơ xuất hiện dày đặc.

Thay vì tập trung các điểm bán ở những quận trung tâm TP, nhiều thương hiệu đã mở thêm các điểm cung cấp hàng hóa tại khu vực vùng ven, ngoại thành…

Hóa đơn tiền triệu

Cuối tuần, chị Nguyễn Thị Lan Thanh (ngụ đường Bà Hạt, quận 10, TPHCM) nhẩm tính hóa đơn nửa ký khoai sọ, 3 lạng rau dền, 2 ký gạo trắng, 1 ký thịt heo thảo mộc đã có giá hơn 1 triệu đồng.

“Nhà có con nhỏ, nên tôi mua hàng nuôi trồng theo phương pháp hữu cơ để đảm bảo bữa ăn dinh dưỡng cho bé, nhưng giá mắc quá! Mỗi tháng, riêng tiền rau củ, thịt cá, trái cây cho 3 người dùng đã lên tới 7 triệu đồng. Chưa kể, các loại sữa tươi mà bé uống cũng là sữa hữu cơ, nên hóa đơn tiền mỗi tháng cả chục triệu đồng. Trong khi nếu mua các loại thức ăn bình thường cùng loại trong siêu thị, mỗi tháng tôi có thể giảm được 5 - 6 triệu đồng”, chị Lan Thanh trải lòng.

Trăn trở trên không riêng gì chị Lan Thanh mà rất nhiều “bà mẹ bỉm sữa” khác cũng đang gặp phải vì mối quan tâm tìm nguồn thực phẩm sạch, mà hàng hữu cơ được ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp chuyên kinh doanh mặt hàng hữu cơ thông tin, số lượng khách mua hàng vẫn tăng, với doanh thu khá tốt.

Thực phẩm hữu cơ thu hút khách hàng ảnh 1 Khách hàng mua trái cây tại siêu thị trên địa bàn TPHCM

Chị Lê Thị Diễm, nhân viên một cửa hàng chuyên cung cấp thực phẩm hữu cơ trên đường Hoàng Văn Thụ, cho hay các mặt hàng nhập khẩu như mật ong, tinh bột nghệ, dầu quả bơ, táo… luôn đông khách. Nhiều nhất là các mẹ bầu, phụ huynh có con nhỏ.

“Danh sách khách hàng thân thiết nhiều năm qua thường xoay quanh các gia đình có con nhỏ, người lớn tuổi. Các doanh nghiệp cung ứng hàng đều là những tên tuổi lớn trên thế giới. Riêng trong nước, chúng tôi có một số trang trại sản xuất theo quy trình hữu cơ để cho ra các mặt hàng đảm bảo tiêu chuẩn”, chị Diễm thông tin.

Được biết, giá anh đào (cherry) Mỹ dao động từ 600.000 - 800.000 đồng/kg, dầu quả bơ 588.000 đồng/473ml, Siro 200.000 đồng/330gr… Thậm chí, nhiều gia đình còn đặt mua cả nước xả vải, nước rửa chén đủ loại nguồn gốc hữu cơ từ các nước phát triển.

Cảnh giác hàng tráo nhãn mác

Ông Phan Văn Thành, chủ doanh nghiệp chuyên nhập khẩu và phân phối trái cây hữu cơ tại quận 3 (TPHCM), phân tích các doanh nghiệp nước ngoài yêu cầu tiêu chuẩn rất cao đối với các nhà phân phối trong nước, đồng thời quản lý cực kỳ nghiêm ngặt.

Do vậy, mặt hàng hữu cơ của các thương hiệu nổi tiếng được phân phối chính thức theo con đường nhập khẩu về nước không nhiều. Phân khúc thị trường này cũng khá kén khách, mặc dù lượng khách hàng tiêu dùng chọn thực phẩm hữu cơ liên tục gia tăng thời gian gần đây. Một số cửa hàng nhỏ lẻ chọn phương thức “hàng xách tay”, thay vì nhập khẩu chính ngạch bằng container… nên giá bán vô chừng.

Riêng các doanh nghiệp sản xuất muốn đạt chứng nhận hữu cơ đáp ứng tiêu chuẩn châu Âu, Nhật Bản… phải tuân thủ một quy trình đánh giá cực kỳ nghiêm ngặt. Nhiều doanh nghiệp chưa được cấp chứng nhận hữu cơ đã “lập lờ” bằng cách nói với khách hàng rằng hàng hóa được sản xuất theo quy trình hữu cơ. Điều này đồng nghĩa với việc người tiêu dùng mua sản phẩm kiểu hên - xui.

Dẫn chứng về câu chuyện hàng hữu cơ bị tráo nhãn mác, chị Phí Thanh Thúy (đường Quang Trung, quận Gò Vấp) bức xúc: “Nhân dịp sinh nhật đứa cháu gái 5 tuổi, tôi có mua tặng bé gói quà trái cây hữu cơ giá 2 triệu đồng, gồm: cherry Mỹ, táo Nhật Bản, nho Úc. Cửa hàng được người quen giới thiệu, kinh doanh online và có bán trực tiếp trên đường Quang Trung. Thế nhưng, sau khi mua hàng về, kiểm tra kỹ dưới lớp quà gói mới phát hiện miếng dán dòng chữ tiếng Anh đè lên tiếng Trung Quốc. Thắc mắc hàng bị tráo nhãn mác, tôi gọi tới cửa hàng và được nhân viên cho biết chắc có sự nhầm lẫn gì đó và hứa đổi sản phẩm khác".

"Sau sự cố này, tôi không yên tâm chút nào về các mặt hàng hữu cơ buôn bán trên mạng. Bởi người bán cũng chỉ nói miệng chứ không cung cấp thông tin chi tiết, tem nhãn, xuất xứ sản phẩm”, chị Thanh Thúy lo lắng.

Hiện nay, chính vì nhu cầu khách hàng gia tăng liên tục, trong khi điều kiện sản xuất nông nghiệp hữu cơ trong nước còn manh mún, nên giá bán sản phẩm thường cao ngất ngưởng.

Việc cạnh tranh không lành mạnh, trà trộn hàng thường và bán giá hàng hữu cơ cũng không hiếm gặp. Nên người tiêu dùng cần cẩn trọng để mua đúng hàng hóa, đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm… 

Tin cùng chuyên mục