Thực phẩm thời công nghệ

Với những người sành ăn hoặc chí ít là biết ẩm thực thì tiêu chuẩn của một tô phở Bắc, bún bò Huế, bún nước lèo Sóc Trăng... rất khắt khe. Đặc biệt ở khâu chế biến nước dùng hay còn gọi nước lèo. Đầu bếp, thường là chủ quán, là người trực tiếp chọn nguyên liệu và chế biến qua rất nhiều khâu với những ngón nghề công phu, thậm chí có những bí quyết gia truyền... để có được một tô bún hoặc phở ngon đến tay người thưởng thức. Kiểu ẩm thực đó ngày nay được xem là xa xỉ và chỉ những người sành ẩm thực lắm mới tìm được những quán ăn vẫn còn giữ được cách nấu truyền thống.

Ngày nay, thời người ta hay gọi là thời của khoa học công nghệ, hầu hết mọi thứ đều có sự can thiệp của khoa học nhằm giúp người tiêu dùng dễ dàng hơn trong chế biến thực phẩm. Chỉ vài ngàn đồng mua một gói hương liệu bò, bất cứ ai cũng có thể nấu một nồi nước dùng đậm đà hương bò mà với những người bình thường, nồi nước dùng này không khác mấy so với nồi nước dùng được chế biến công phu như trước kia.

Lợi thì có lợi, với rất nhiều gia đình, thời gian vợ chồng dành cho công việc khá nhiều, nên chẳng mấy nhà có nhiều thời gian dành cho việc bếp núc chuẩn bị bữa ăn gia đình. Cả nhà ra quán ăn tối được không ít gia đình xem là phương án tối ưu. Với những gia đình chọn phương án nấu bữa tối tại nhà, do thời gian hạn hẹp nên việc tìm chọn từng nguyên liệu, chế biến tỉ mỉ công phu xem ra khó thực hiện... và thế là các hương liệu, phụ gia, gia vị lên ngôi. Muốn nướng thịt ư, không cần tiêu, hành, tỏi, ớt, giấm... chỉ cần một gói gia vị ướp thịt nướng. Muốn một nồi bún bò ư, chỉ cần 30 giây để mở gói hương liệu bún bò đổ vào nồi nước sôi là xong. Quả là tiện dụng.

Hại thì... chưa ai thấy. Đến nay vẫn chưa có thống kê nào về những cái hại của các loại phụ gia thực phẩm, hương liệu... Nhưng có một điều chắc chắn là hiếm người tiêu dùng nào biết những phụ gia, hương liệu ấy được tổng hợp như thế nào.

Ở hầu hết các chợ và rất nhiều các tiệm tạp hóa, người tiêu dùng đều có thể mua được các loại hương liệu, phụ gia... chế biến thực phẩm. Mua sỉ thì ra chợ Bình Tây, chợ Kim Biên, loại nào, số lượng bao nhiêu cũng có. Thích loại có nguồn gốc xuất xứ, có hạn sử dụng hay loại đóng trong can, trong bao không nhãn hiệu, nguồn gốc, hạn sử dụng... cỡ nào cũng có với tiêu chí “tiền nào của nấy”.

Người mua do cần, người bán để phục vụ người mua, nhà sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường... tất cả đều theo quy luật cung cầu của thị trường và vấn đề còn lại là nhà quản lý.

Ai cấp phép sản xuất, sản xuất theo tiêu chuẩn nào, đáp ứng được các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm hay không, bao nhiêu phần trăm hàng đang tiêu thụ trên thị trường là hàng nhái, hàng giả, hàng nhập lậu... Hàng loạt vấn đề đã và đang được đặt ra và dường như chưa có cơ quan quản lý nhà nước nào trả lời một cách rõ ràng được.

Rốt cuộc, chỉ người tiêu dùng lãnh đủ nếu họ không biết cách tự bảo vệ. Nhưng bảo vệ mình thế nào giữa ma trận hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng được bày bán tràn lan... và câu trả lời lại là hãy tự tìm hiểu để tự bảo vệ!

Sài Gòn Giải Phóng Thứ Bảy

Tin cùng chuyên mục