Thuốc bình ổn được phân phối tại 4.016 điểm bán

Theo báo cáo của Sở Y tế TPHCM, kết quả thực hiện Chương trình bình ổn các mặt hàng dược phẩm thiết yếu năm 2016-2017 đã đạt được những kết quả rất khả quan. 
Sản xuất thuốc tại Công ty Roussel Việt Nam
Sản xuất thuốc tại Công ty Roussel Việt Nam
Lượng thuốc bình ổn tăng mạnh về chủng loại, các điểm bán không ngừng được mở rộng đến nhiều đối tượng kinh doanh và tiêu dùng. 

80% số nhà thuốc tham gia phân phối thuốc bình ổn 

Thuốc thiết yếu phục vụ bình ổn thị trường trên địa bàn TPHCM năm 2016-2017 gồm 21 nhóm thuốc sản xuất trong nước, với 176 hoạt chất, 563 mặt hàng thuốc điều trị các bệnh thường gặp ở nhiều người, các bệnh mãn tính, có nhu cầu sử dụng nhiều. Danh mục thuốc bình ổn tăng 12 mặt hàng so với năm 2015-2016, được xây dựng dựa trên nhu cầu thuốc thiết yếu của người dân TP và căn cứ vào ý kiến đóng góp của các cơ sở điều trị, các doanh nghiệp (DN) tham gia bình ổn thuốc. Năm 2016 có 14 DN dược đăng ký tham gia chương trình bình ổn.

Sở Y tế đã công bố bổ sung (đợt 11 năm 2016) 164 điểm bán thuốc bình ổn, trong đó có 154 nhà thuốc tư nhân và 10 nhà thuốc, đại lý thuốc của DN, nâng tổng số điểm bán thuốc bình ổn lên 4.016 nhà thuốc. Trong đó có 3.252 nhà thuốc tư nhân, 120 nhà thuốc bệnh viện và 643 nhà thuốc và đại lý thuốc DN. Giá bán thuốc bình ổn thấp hơn giá thị trường ít nhất 5% - 10%, do đơn vị tham gia chương trình xây dựng, đăng ký với Sở Y tế, được Sở Tài chính phê duyệt và giữ ổn định đến cuối chương trình. 

Doanh số thuốc bình ổn tiếp tục tăng theo từng tháng. Tổng doanh số bán thuốc bình ổn năm 2016-2017 đạt hơn 78,2 tỷ đồng. Tại các nhà thuốc bệnh viện, doanh thu bán thuốc bình ổn chiếm khoảng 30% tổng doanh thu của chương trình trên toàn TP.

Ông Trần Văn Mười, phụ trách Chương trình bình ổn các mặt hàng dược phẩm Sở Y tế TPHCM, nhận định trong năm 2016-2017, các DN tham gia chương trình đã thực hiện tốt các quy định về kế hoạch sản xuất, dự trữ nguồn hàng, cung ứng đầy đủ thuốc bình ổn có chất lượng cho thị trường và bán đúng giá được phê duyệt. Tại các điểm bán thuốc đã thực hiện việc bán thuốc bình ổn không cao hơn giá niêm yết. Nhiều nhà thuốc bệnh viện bán thuốc bình ổn với giá thấp hơn giá bán quy định khoảng 5%, tạo điều kiện cho người bệnh yên tâm sử dụng thuốc với giá cả tốt nhất. Nhờ vậy, các nhóm thuốc bình ổn tiếp tục chi phối thị trường, tạo tác động lan tỏa, góp phần làm giá nhiều mặt hàng thuốc tương tự thuốc bình ổn giữ ổn định, kìm hãm tốc độ tăng giá của thuốc nội trên địa bàn TP. Số lượng nhà thuốc tự nguyện đăng ký tham gia bán thuốc bình ổn ngày càng tăng. Số điểm bán thuốc bình ổn đã chiếm khoảng 80% số điểm bán thuốc lẻ toàn TP.

Để đạt được kết quả nêu trên, chương trình đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên của Thành ủy, UBND TP và sự hỗ trợ, phối hợp của các sở, ban, ngành liên quan. Chương trình đã được triển khai hiệu quả dựa trên những kinh nghiệm sau 5 năm thực hiện bình ổn thuốc. Thuốc bình ổn đã đáp ứng phần nào nhu cầu của người bệnh. Giá thuốc bình ổn thấp và ổn định. Thuốc bình ổn có chất lượng, hiệu quả điều trị tốt, được người bệnh quan tâm. Mặt khác, các cấp ủy đảng đã chỉ đạo ban giám đốc các bệnh viện nâng cao nhận thức của thầy thuốc trong việc kê đơn sử dụng thuốc bình ổn cho bệnh nhân. Nhiều bệnh viện đã có các giải pháp tích cực khuyến khích các bác sĩ kê đơn thuốc bình ổn. 

Còn nhiều hạn chế cần khắc phục

Bên cạnh những kết quả tích cực, chương trình vẫn gặp không ít khó khăn. Đó là một số nhà thuốc trên địa bàn dân cư còn chưa chủ động lấy đầy đủ thuốc bình ổn và giới thiệu cho người dân sử dụng. Doanh số bán được còn thấp so với nhu cầu thuốc nội. Một số bác sĩ điều trị cũng chưa thật sự quan tâm đến việc kê đơn thuốc bình ổn trong điều trị.

Công tác phối hợp của các cơ quan chức năng trong việc truyền thông, quảng bá, tuyên truyền về chương trình bình ổn thuốc cho người dân TP chưa kịp thời, liên tục và rộng rãi. Tâm lý chung, các DN muốn tiết kiệm chi phí trong các hoạt động quảng cáo nhằm xây dựng hình ảnh sản phẩm và thương hiệu DN. Hiện nay, một số DN dược tham gia chương trình bình ổn ngay từ những ngày đầu chương trình (năm 2011), nay đã được sở hữu và điều hành bởi các DN nước ngoài nên họ không mặn mà thực hiện chương trình. 

Theo Sở Y tế TPHCM, hiện sở đang phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, các DN dược tăng cường công tác quảng bá, tuyên truyền về chương trình bình ổn thuốc thông qua các phương tiện truyền thông, báo chí, bản tin điện tử, hội nghị, hội thảo giới thiệu thuốc, các buổi tập huấn hành nghề cho thầy thuốc và người dân TP hiểu sâu sắc hơn về chương trình. Mặt khác, sở đẩy mạnh công tác thanh kiểm tra việc phân phối và bán thuốc bình ổn của các DN và các điểm bán thuốc, đặc biệt công tác kiểm tra của phòng y tế phải tiến hành thường xuyên, liên tục. Hàng năm Sở Y tế đã và đang chủ động tìm kiếm các DN dược trong nước tham gia cung ứng các mặt hàng thuốc bình ổn để tạo ổn định cho chương trình. Đồng thời, nâng cao năng lực của các DN tham gia chương trình, động viên DN tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, đổi mới công nghệ bào chế, nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng chủng loại thuốc, phong phú về mẫu mã, phát triển mạnh hệ thống phân phối, giao hàng, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm đáp ứng nhu cầu dùng thuốc của người dân trên địa bàn TP.

Sở Y tế TP sẽ kết hợp với các bệnh viện tăng cường chỉ đạo, nhắc nhở các bác sĩ điều trị trong việc kê đơn thuốc sản xuất trong nước, thuốc bình ổn cho bệnh nhân điều trị nội trú và ngoại trú, duy trì việc đưa nội dung kê đơn sử dụng thuốc nội vào công tác thi đua, khen thưởng của các bệnh viện. Tiếp tục triển khai Đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam” của Bộ Y tế và Chương trình “Thuốc Việt cho người Việt” của Sở Y tế cho đội ngũ thầy thuốc nhằm tạo điều kiện cho các DN dược phẩm trong nước nói chung và DN tham gia bình ổn thị trường ngày càng phát triển.

Tin cùng chuyên mục