“Thuốc” không đắng

Cục An ninh Thông tin truyền thông – Tổng cục An ninh II, Bộ Công an vừa phát hiện một loại hình tội phạm mới: mua bán thông tin cá nhân, doanh nghiệp.

Cục An ninh Thông tin truyền thông – Tổng cục An ninh II, Bộ Công an vừa phát hiện một loại hình tội phạm mới: mua bán thông tin cá nhân, doanh nghiệp.

Danh sách khoảng 100 giám đốc các doanh nghiệp tại tỉnh Bình Dương, 30.000 thuê bao Mobiphone trả sau tại TPHCM, 65.000 thuê bao Viettel trả sau tại Hà Nội... đã được Dương Hồng Lễ (SN 1984, tạm trú quận Tân Phú), Lê Minh Trung (SN 1983, tạm trú quận Bình Thạnh), Hứa Văn Tuấn (SN 1986, tạm trú quận 8) rao bán trên các trang web www.danhsachkhachhang.com, www.duonghongle.com, www.timkhachhang.com, www.datavip24h.comwww.datavip24h.net.

Hậu quả, rất nhiều cá nhân đã phải nhận những cuộc gọi không mong đợi hoặc tin nhắn “rác” chào mời sử dụng dịch vụ từ những doanh nghiệp, cửa hàng có được thông tin của họ.

Xét thấy các ông Lễ, Trung, Tuấn chưa nhận thức được sự nguy hiểm do hành vi của mình gây ra, thái độ khai báo thành khẩn, mức độ vi phạm chưa đến mức xử lý hình sự nên cơ quan an ninh quyết định chuyển hồ sơ cho Thanh tra Sở Thông tin - Truyền thông TPHCM xử lý hành chính. Tuy nhiên, dư luận cho rằng mức phạt 3,5 triệu đồng mà Sở Thông tin - Truyền thông áp dụng đối với ông Lễ là quá nhẹ (riêng hai ông Trung, Tuấn chưa có quyết định xử phạt).

Theo ông Nguyễn Đức Thọ, Phó Chánh Thanh tra Sở Thông tin - Truyền thông, mức phạt trên được đưa ra căn cứ theo điểm e khoản 4 Điều 6 Nghị định 63/2007/NĐ-CP ngày 10-4-2007 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Cụ thể, hành vi cung cấp thông tin cá nhân của người khác cho bên thứ ba trên môi trường mạng trái quy định của pháp luật hoặc không được sự đồng ý của người đó sẽ bị xử phạt từ 2 triệu đồng đến 5 triệu đồng. Mức phạt 3,5 triệu đồng là không sai theo quy định, nhưng “thuốc” không đắng nên không đủ mức răn đe và cảnh báo đối với những đối tượng khác có hành vi tương tự.

Trong khi đó, khoản 6 Nghị định 83/2011/NĐ-CP ngày 20-9-2011 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực viễn thông quy định mức phạt cao hơn (từ 30 triệu đồng đến 50 triệu đồng đối với hành vi mua bán hoặc trao đổi trái phép thông tin riêng của người sử dụng dịch vụ viễn thông) thì - theo thanh tra sở - chỉ áp dụng đối với bên vi phạm là doanh nghiệp viễn thông(!?).

Do vậy rất cần điều chỉnh mức xử phạt hành chính đối với hành vi mua bán thông tin cá nhân tại khoản 4 Điều 6 Nghị định 63/2007/NĐ-CP theo hướng tăng nặng hơn nữa, ít ra là ngang bằng mức phạt tại khoản 6 Nghị định 83/2011/NĐ-CP. Như thế mới có thể đảm bảo rằng, dù cho thoát khỏi bị truy cứu trách nhiệm hình sự (với mức phạt tiền lên đến 100 triệu đồng, án tù lên đến 3 năm), những đối tượng thu lợi bất chính từ việc “rao bán” người khác vẫn phải bị xử lý nghiêm khắc.

Một điều quan trọng nữa là các cơ quan quản lý Nhà nước cần có biện pháp chấn chỉnh, xử lý phần gốc của loại tội phạm này – chính là các tổ chức, doanh nghiệp nắm trong tay thông tin cá nhân của khách hàng (chẳng hạn như ngân hàng, công ty viễn thông, công ty bảo hiểm, công ty game, hệ thống siêu thị…) nhưng lại để lọt ra ngoài.

Thiếu tá Nguyễn Tuấn Việt, Phó Trưởng phòng An ninh Báo chí của Cục An ninh Thông tin truyền thông nhận định: Không tổ chức, doanh nghiệp nào cố ý bán thông tin khách hàng; nhưng do công tác quản lý nhân viên và công tác bảo mật thông tin không tốt nên mới để xảy ra tình trạng một số cá nhân lợi dụng sơ hở đem những thông tin này bán ra ngoài. Đến lúc đó, dù không cố ý thì các tổ chức, doanh nghiệp này không thể trốn tránh trách nhiệm.

ÁI CHÂN

Tin cùng chuyên mục