Thuốc thu hồi vẫn… bán

Mặc cho Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) mới đây đã ban hành nhiều văn bản yêu cầu thu hồi, song nhiều loại thuốc không đạt tiêu chuẩn vẫn bày bán tràn lan ở các nhà thuốc bán lẻ. Trong khi công tác kiểm soát chất lượng thuốc vẫn đang gặp muôn vàn khó khăn thì người bệnh ngày ngày vẫn đối diện với tình trạng thuốc giả, thuốc kém chất lượng.

Thiếu đơn vị giám sát thu hồi thuốc

Cuối tháng 5-2018, Cục Quản lý dược đã có văn bản đình chỉ lưu hành trên toàn quốc viên nang cứng Neopeptine (Anpha amylase 100mg, Papain 100mg, Simethicone 30mg), số đăng ký: VN-17152-13, số lô: R17072, ngày sản xuất 20-11-2017, hạn sử dụng 19-11-2019, do Công ty Raptokos, Brett & Co., Ltd (Ấn Độ) sản xuất, Công ty cổ phần Dược phẩm Bến Tre nhập khẩu.

Thuốc này bị đình chỉ lưu hành do không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu hàm lượng. Đến nay, qua ghi nhận thực tế, tại nhiều cửa hàng thuốc trên địa bàn TPHCM vẫn thản nhiên bán cho khách hàng.

Thuốc thu hồi vẫn… bán ảnh 1 Viên nang cứng Neopeptine có số lô R17072 do Ấn Độ sản xuất đã bị cấm lưu hành nhưng vẫn bày bán tại một cửa hàng thuốc trên địa bàn quận 12 . Ảnh: THÀNH SƠN
Tại một hiệu thuốc trên đường Trần Thị Cờ (quận 12), khi phóng viên hỏi mua một vỉ Neopeptine, nhân viên hiệu thuốc không ngần ngại lấy bán và thận trọng tư vấn cách dùng. Loại thuốc bán ở đây có cùng số đăng ký, số lô, ngày sản xuất, hạn sử dụng và đơn vị nhập khẩu với loại thuốc mà Cục Quản lý dược đã đình chỉ lưu hành.

Tại một hiệu thuốc khác trên đường Thống Nhất (quận Gò Vấp), loại thuốc viên nang cứng Fenbrat 200M (Fenofibrat micronised 200mg), số đăng ký: VD-27136-17, số lô: 0118, hạn dùng 1-2-2021, do Công ty cổ phần Dược phẩm và Sinh học y tế sản xuất, vẫn được bày bán thoải mái, dù trước đó cũng bị Bộ Y tế đình chỉ lưu hành trên địa bàn TPHCM.

Khi được hỏi về những loại thuốc đã bị yêu cầu thu hồi, người bán hàng khẳng định không nhận được bất kỳ thông tin gì, việc thu hồi thuốc kém chất lượng phải do công ty phân phối thuốc thực hiện chứ nhà thuốc không có quyền thu hồi.

Theo một chuyên gia ngành dược, khi phát hiện ra thuốc kém chất lượng, ngành chức năng ra quyết định thu hồi, nhưng trên thực tế không ai chịu trách nhiệm chính để giám sát việc thu hồi khẩn cấp và thu hồi triệt để các thuốc đó. Vì thế, không quá khó hiểu khi thuốc có quyết định thu hồi vẫn ngang nhiên tồn tại ở quầy bán lẻ thuốc.

Rất nguy hiểm nếu sử dụng

Theo dược sĩ Nguyễn Văn Vĩnh, Phó Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TPHCM, thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trung bình mỗi năm trên thế giới có khoảng 200.000 người chết do thuốc giả, thuốc kém chất lượng. Nếu sử dụng thuốc giả thuốc kém chất lượng trong điều trị cho người bệnh sẽ không có hiệu lực phòng bệnh, chữa bệnh và tác dụng dược lý mong muốn.

Việc sử dụng thuốc giả, thuốc kém chất lượng còn gây ra các tác dụng phụ có hại cho người bệnh, có thể gây nguy hiểm tới tính mạng. Bên cạnh đó, khi thuốc không đảm bảo các hoạt chất như đăng ký thì còn có thể chứa các chất có tác dụng phụ gây hại sức khỏe, như gây dị ứng, nhiễm độc, kháng thuốc… 

Thống kê từ Cục Quản lý dược, hàng năm, các hệ thống kiểm nghiệm lấy khoảng 40.000 mẫu thuốc trên thị trường để giám sát chất lượng (năm 2015 đã lấy 38.627 mẫu, năm 2016 đã lấy 37.219 mẫu, năm 2017 đã lấy 36.362 mẫu).

Tỷ lệ thuốc kém chất lượng các năm gần đây khoảng 1,5% - 2% và tỷ lệ thuốc giả dưới 0,05%.

“Thực tế có nhiều người bệnh mãn tính cứ đinh ninh đã dùng thuốc đúng liều theo chỉ định của bác sĩ mà không biết đã dùng phải thuốc kém chất lượng trong thời gian dài, không những không đáp ứng tác dụng điều trị mà còn khiến cơ thể suy kiệt, bệnh tình nguy kịch hơn”, dược sĩ Nguyễn Văn Vĩnh cho hay.

Lý giải về việc thuốc kém chất lượng có chiều hướng gia tăng, nhiều chuyên gia cho rằng trước hết xuất phát từ thói quen sử dụng thuốc một cách tùy tiện của người bệnh, như mua, bán thuốc không đơn, không chỉ dẫn của bác sĩ. Cùng với đó, việc kiểm soát chất lượng nguyên liệu sản xuất đầu vào và kiểm định chất lượng sản phẩm làm ra còn nhiều hạn chế.

Trước thực tế trên, ông Đỗ Văn Đông, Phó cục trưởng Cục Quản lý dược, cho biết đã yêu cầu sở y tế các tỉnh, thành phố tăng cường công tác quản lý chất lượng thuốc cũng như chỉ đạo các cơ sở kinh doanh dược, cơ sở sử dụng thuốc tăng cường công tác quản lý, thực hiện đúng quy định hiện hành về sản xuất, kinh doanh, lưu thông phân phối, thu hồi thuốc đúng quy định.

Cụ thể, trong thời gian từ tháng 11-2018 tới tháng 1-2019, Bộ Y tế lập 3 đoàn kiểm tra liên ngành nhằm đánh giá thực trạng hoạt động cấp phép sản xuất, lưu hành, quảng cáo, giám định, chứng nhận chất lượng, chứng nhận hợp quy, hợp chuẩn đối với mặt hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền của một số cơ quan, đơn vị bị kiểm tra.

Cùng với 3 đoàn kiểm tra liên ngành cấp trung ương, Bộ Y tế cũng đề nghị địa phương lập các đoàn kiểm tra tập trung vào các nội dung trong lĩnh vực dược, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền, gồm: công tác tiếp nhận, phổ biến, triển khai các văn bản quản lý nhà nước; công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng; hoạt động cấp phép sản xuất, lưu hành, quảng cáo, giám định, chứng nhận chất lượng, chứng nhận hợp quy, hợp chuẩn và lấy mẫu, kiểm tra, đánh giá chất lượng, thu hồi sản phẩm.

Tin cùng chuyên mục