Buông lỏng quản lý tiền chất gây nghiện?

Sự đột biến đáng ngờ
Buông lỏng quản lý tiền chất gây nghiện?

Dư luận đang lo lắng trước hiện tượng có sự gia tăng đột biến số lượng nhập khẩu nguyên liệu tiền chất Pseudoephedrin HCL, một trong những thành phần sản xuất ra các loại thuốc trị cảm cúm, cũng là tiền chất tổng hợp ma túy. Từ đó đang đặt ra vấn đề liệu có buông lỏng quản lý?

Một số loại thuốc có chứa tiền chất Pseudoephedrine HCL.

Một số loại thuốc có chứa tiền chất Pseudoephedrine HCL.

Sự đột biến đáng ngờ

Là thành phần cơ bản để sản xuất ra các loại thuốc trị bệnh cảm cúm, Pseudoephedrin HCL được nhập khẩu từ nhiều năm qua. Hiện cả nước có ít nhất 45 công ty đã được Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cấp phép nhập khẩu, mua nguyên liệu Pseudoephedrin HCL. Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm 2011, số lượng nhập khẩu, mua nguyên liệu Pseudoephedrin HCL có sự gia tăng đột biến. Trong đó, một số công ty dược phẩm được ghi nhận có mua nguyên liệu với số lượng lớn như Công ty cổ phần Dược phẩm BV Pharma (Công ty BV Pharma), Công ty Dược phẩm Thai Nakorn, Công ty cổ phần Dược phẩm Pharbaco, Công ty cổ phần Dược phẩm Savi, và Công ty Dược phẩm OPV. Năm 2010, Công ty BV Pharma được cấp phép mua 1.100kg Pseudoephedrin HCL, sử dụng hết 776kg và còn tồn kho là 323kg. Thế nhưng, 6 tháng đầu năm 2011, số lượng nhập khẩu và mua nguyên liệu của Công ty BV Pharma đã có sự thay đổi lớn.

Tại biên bản kiểm tra ngày 13-7-2011 của Cục Quản lý dược cho thấy công ty này đã mua trong nước 3.555kg nguyên liệu Pseudoephedrin HCL và trực tiếp nhập khẩu 500kg. Tổng lượng nguyên liệu Pseudoephedrin HCL đã nhập kho phục vụ sản xuất thuốc tại Công ty BV Pharma từ tháng 12-2010 đến 30-6-2011 là 4.055kg. Từ đó, Công ty BV Pharma đã sản xuất 2 mặt hàng thuốc thành phẩm dạng phối hợp có chứa Pseudoephedrin HCl là Activenose và Biviflu Night. Đồng thời gia công sản xuất thuốc Tripofed cũng có chứa Pseudoephedrin HCL tại Công ty cổ phần Dược phẩm Trung ương 1 - Pharbaco.

Trong 6 tháng đầu năm 2011, Công ty BV Pharma sản xuất 66.533.000 viên Activenose, gia công sản xuất 13.155.300 viên Tripofed. Cả 3 loại thuốc trên, Công ty BV Pharma bán cho 5 công ty: Công ty TNHH Dược phẩm Như Ý (quận 10, TPHCM), Công ty TNHH Dược phẩm Việt Thái (quận 8, TPHCM), Công ty cổ phần Thương mại và dược phẩm Việt Nam, Công ty TNHH MTV Dược phẩm Vimedimex và Công ty Dược phẩm Đông Hải. Trong đó, Công ty TNHH Dược phẩm Việt Thái mua số lượng nhiều nhất với hơn 40 triệu viên.

Tương tự, Công ty Dược phẩm Thai Nakorn được mua 3.000kg nguyên liệu Pseudoephedrin HCl năm 2010 thì 6 tháng đầu năm 2011 là 1.700kg, Công ty cổ phần Dược phẩm Savi mua 524 kg năm 2010 thì 6 tháng đầu năm 2011 tăng lên 1.481 kg… Điều đáng nói, theo quy định tại Thông tư 11/2010/TT-BYT về quản lý thuốc hướng thần và tiền chất thì khi dự trù nguyên liệu hướng thần, tiền chất vượt quá 50% số lượng dùng năm trước phải có báo cáo diễn giải, phải kiểm tra chặt chẽ hồ sơ và căn cứ nhu cầu hợp lý của từng đơn vị. Nhưng thực tế với sự đột biến nhập khẩu, mua nguyên liệu Pseudoephedrin HCl gấp đôi năm 2010 như vậy, các công ty dược đã diễn giải thích hợp? Hơn nữa, thuốc chứa Pseudoephedrin HCl đóng gói mỗi lọ 200 viên, 250 viên, 500 viên và 1.000 viên bán cho các công ty phân phối, trong khi những loại thuốc trên thuộc diện không kê đơn, tạo cơ hội cho các đối tượng tội phạm thu gom số lượng lớn để chiết xuất tiền chất Pseudoephedrin HCl tổng hợp ma túy.

Cục Quản lý dược: Tuân thủ đúng các quy định?

Trước thông tin về những “khuất tất” trong việc nhập khẩu, mua nguyên liệu Pseudoephedrin HCl và sản xuất thuốc chứa tiền chất này, ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý dược đã có công văn 11300/QLD-KD ngày 20-8 cho rằng, thuốc thành phẩm có chứa tiền chất dùng làm thuốc Pseudoephedrin HCl có hàm lượng dưới 120mg/viên và ở dạng phối hợp là thuốc không kê đơn. Điều này thực hiện đúng quy định hiện hành tại Thông tư 08/2009/TT-BYT.

Cục Quản lý dược xét duyệt dự trù nguyên liệu Pseudoephedrin HCl cho các đơn vị sản xuất thuốc trong nước theo đúng quy định của Thông tư 11/2010/TT-BYT. Theo đó, người đứng đầu cơ sở chịu trách nhiệm về số lượng thuốc hướng thần, tiền chất dự trù, và tiền chất phải phù hợp với nhu cầu sử dụng của đơn vị. Khi dự trù số lượng thuốc hướng thần và tiền chất vượt quá 50% so với số lượng sử dụng kỳ trước, các cơ sở dự trù phải nói rõ lý do. Tuy nhiên, thực tế có báo cáo dự trù và nói rõ lý do vẫn chưa được các công ty dược thông tin rõ.

Trong khi đó, theo ông Thanh, việc duyệt dự trù trong suốt thời gian qua của Cục Quản lý dược đều tuân thủ theo đúng các quy định? Vậy với sự đột biến về số lượng Pseudoephedrin HCl nhập khẩu, mua bán có phải đã được dự trù hợp lý để Cục Quản lý phê duyệt. Đây là “khuất tất” cần làm rõ?

Bên cạnh đó, việc cấp số đăng ký lưu hành thuốc thành phẩm dạng phối hợp chứa tiền chất Pseudoephedrin HCl, theo ông Thanh, cũng được thực hiện theo đúng quy định về đăng ký thuốc và ghi nhãn thuốc hiện hành. Nhưng với 116 số đăng ký thuốc có chứa Pseudoephedrin HCL cấp cho 38 công ty trong nước, và 24 số đăng ký cho thuốc nước ngoài có quá nhiều và đúng quy định. Mặt khác, có 23 số đăng ký có quy cách đóng gói dạng chai, lọ từ 200 viên đến 1.000 viên/chai thì quả là dễ dàng thu gom để chiết xuất Pseudoephedrin HCL tổng hợp ma túy.

Trao đổi với phóng viên Báo SGGP ngày 30-8, ông Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cũng cho biết, việc thông tin nguyên liệu Pseudoephedrin HCl tổng hợp ma túy là vấn đề nhạy cảm. Cục Quản lý dược đang phối hợp với các cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ các thông tin mà dư luận phản ánh. Tuy nhiên, về phía Cục Quản lý dược, liệu cục có những giải đáp nào thỏa đáng với cơ quan chức năng?

* Văn phòng Chính phủ vừa có công văn yêu cầu tăng cường quản lý, kiểm soát tiền chất, hóa chất, dược phẩm. Theo đó, Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Công thương chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể việc tăng cường kiểm soát, quản lý tiền chất, hóa chất, dược phẩm có liên quan đến ma túy, đặc biệt các tiền chất, hóa chất, dược phẩm mà tội phạm có thể lợi dụng để sản xuất methamphetamine (một chất gây nghiện).

* Bộ Y tế vừa chỉ đạo tạm dừng việc cấp phép cho nhập khẩu nguyên liệu Pseudoephedrine HCL. Bộ Y tế sẽ thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra các đơn vị liên quan đến việc sản xuất kinh doanh, phân phối, sử dụng thuốc có chứa Pseudoephedrine HCL tăng đột biến trong thời gian từ cuối năm 2010 đến nay. Bộ Y tế cũng chỉ đạo Cục Quản lý dược làm rõ việc cấp số đăng ký và nhận gia công của các doanh nghiệp liên quan đến thành phần có chứa Pseudoephedrine HCL.

Tường Lâm

Tin cùng chuyên mục