Dược liệu hay củi rác?

Là một quốc gia có tiềm năng, thế mạnh lớn về dược liệu nhưng hiện nay mỗi năm Việt Nam phải nhập tới hàng chục ngàn tấn dược liệu để làm thuốc, phục vụ chữa bệnh. Đáng lo ngại hơn khi có tới 80% dược liệu nhập khẩu không rõ nguồn gốc, chất lượng không đảm bảo...
Dược liệu hay củi rác?

Là một quốc gia có tiềm năng, thế mạnh lớn về dược liệu nhưng hiện nay mỗi năm Việt Nam phải nhập tới hàng chục ngàn tấn dược liệu để làm thuốc, phục vụ chữa bệnh. Đáng lo ngại hơn khi có tới 80% dược liệu nhập khẩu không rõ nguồn gốc, chất lượng không đảm bảo...

Đây là những vấn đề rất đáng quan tâm được đặt ra tại hội thảo “Tăng cường kiểm soát nguồn gốc và chất lượng dược liệu” do Bộ Y tế tổ chức ngày 14-9 tại Hà Nội. Theo nghiên cứu của Bộ Y tế, Việt Nam hiện có tới 4.000 loài thực vật có công dụng làm thuốc được phân bố rộng khắp trên cả nước. Nếu so với khoảng 20.000 loài cây làm thuốc đã biết trên thế giới thì số loài dược liệu ở Việt Nam chiếm khoảng 20%. Đây được xem như là nguồn tài nguyên thiên nhiên vô giá, với rất nhiều công dụng hữu hiệu trong chăm sóc và bảo vệ sức khỏe, cũng như có giá trị kinh tế rất lớn.

Bốc thuốc cho bệnh nhân tại Bệnh viện Y học cổ truyền TPHCM. Ảnh: MAI HẢI


Tuy nhiên thật nghịch lý khi chúng ta đang sở hữu một “kho vàng” có giá trị rất cao về y học và kinh tế nhưng hàng năm Việt Nam phải nhập khẩu một lượng lớn dược liệu từ nước ngoài, chủ yếu là từ Trung Quốc. TS Phạm Vũ Khánh, Cục trưởng Cục Quản lý Y dược cổ truyền, thẳng thắn cho biết, mỗi năm Việt Nam dùng khoảng 60.000 - 80.000 tấn dược liệu cho sản xuất thuốc và chữa bệnh nhưng trong đó 80% số dược liệu là nhập khẩu từ Trung Quốc theo đường tiểu ngạch nên chất lượng không đảm bảo. Thống kê cho thấy, trong năm 2015, trong số gần 50.000 tấn dược liệu được nhập khẩu thì chỉ có 14.000 tấn bảo đảm chất lượng vì được nhập theo đường chính ngạch. Trong khi đó, Cục Quản lý dược cho biết, do dược liệu nhập chủ yếu qua đường tiểu ngạch và được nhập như nông sản nên khó có thể đủ tiêu chuẩn để làm thuốc chữa bệnh. Thực tế cho thấy, qua kiểm tra của cơ quan chức năng đã phát hiện rất nhiều loại dược liệu, thuốc đông y giả, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, thậm chí còn bị tẩm ướp các hóa chất bảo quản độc hại, hoặc thêm các tạp chất khác để tăng trọng lượng.

Lý giải việc dù có thế mạnh về dược liệu nhưng chúng ta lại phải đi nhập khẩu nhiều loại dược liệu không rõ nguồn gốc, chất lượng không đảm bảo, thậm chí dược liệu không hơn gì củi rác, Bộ Y tế thừa nhận hiện nay việc bảo tồn, khai thác và phát triển tiềm năng nguồn dược liệu trong nước chưa được quan tâm đúng mức và còn gặp nhiều khó khăn. Việc nuôi trồng, phát triển các vùng chuyên canh cây dược liệu vẫn ở mức nhỏ lẻ, thiếu quy mô nên tổng sản lượng dược liệu được trồng trọt hàng năm ở nước ta chỉ được khoảng 5.000 tấn, tập trung chủ yếu vào một số loại cây truyền thống như: thanh hao hoa vàng, mã đề, ngưu tất, sa nhân, đương quy, lô hội, diệp hạ châu...  Đau xót hơn, việc khai thác vô tội vạ nguồn dược liệu thiên nhiên trong nước lại chủ yếu là để xuất lậu, xuất thô với giá rẻ mạt sang biên giới để nước ngoài tinh chế thành các loại thuốc có công dụng hữu hiệu, giá trị kinh tế cao. Trong khi đó, chúng ta lại phải nhập khẩu về nhiều loại dược liệu đã bị tinh chế, hút hết tinh chất còn rất ít giá trị làm thuốc chữa bệnh. Nghịch lý này đang khiến cho thị trường dược liệu trong nước trở nên bát nháo, gây ảnh hưởng tới người bệnh. TS Nguyễn Đăng Lâm, Phó Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm thuốc trung ương thẳng thắn, với những loại dược liệu, thuốc có nguồn gốc dược liệu nếu không bảo đảm chất sẽ khiến cho người bệnh không những không chữa khỏi bệnh mà còn có thể rước thêm bệnh, “tiền mất tật mang”.

Do đó, để kiểm soát nguồn gốc và chất lượng dược liệu, cũng như phát triển bền vững và nâng cao giá trị của dược liệu Việt Nam, đòi hỏi Nhà nước, Bộ Y tế, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương phải có các chính sách ưu đãi, khuyến khích phát triển các khu bảo tồn cây thuốc quý, vùng chuyên canh dược liệu, nhất là những loại dược liệu có giá trị kinh tế cao, cũng như đẩy mạnh phát triển các cơ sở chế biến, sản xuất thuốc từ dược liệu. Mặt khác, cần ngăn chặn quyết liệt việc khai thác, tận diệt dược liệu trong thiên nhiên để xuất lậu và kiểm soát chặt chẽ chất lượng dược liệu nhập khẩu.

KHÁNH NGUYỄN

Tin cùng chuyên mục