Thương lái lừa mua bần ổi - Nông dân lãnh trái đắng

Nông dân ở một số tỉnh ven biển ĐBSCL đang rơi vào cảnh “dở khóc, dở cười” vì tin vào thương lái nước ngoài thu mua cây bần về làm thuốc với giá cao. Hàng trăm ngàn cây bần thay nhau bị đốn hạ như thời khẩn hoang phá cây dừa, hay chặt cây trâm bầu để lấy đất trồng lúa hay đào vuông nuôi tôm…
Thương lái lừa mua bần ổi - Nông dân lãnh trái đắng

Nông dân ở một số tỉnh ven biển ĐBSCL đang rơi vào cảnh “dở khóc, dở cười” vì tin vào thương lái nước ngoài thu mua cây bần về làm thuốc với giá cao. Hàng trăm ngàn cây bần thay nhau bị đốn hạ như thời khẩn hoang phá cây dừa, hay chặt cây trâm bầu để lấy đất trồng lúa hay đào vuông nuôi tôm…

Trái bần ổi.

Trái bần ổi.

  • Lời nói gió bay

Cách đây vài tháng, thông tin cây bần ổi có giá trị rất cao, bán nhanh nên người dân các xã ven biển, ven sông ở Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng đua nhau chặt cây bần. Chỉ một thời gian ngắn, có người đã thu gom hàng trăm tấn bần và hy vọng sẽ không còn sống cảnh bần hàn nữa. Vậy mà đến khi kêu bán chẳng ai chịu mua, những lời hứa ngọt ngào ngày nào giờ chua chát hơn cả bần.

Cụ thể như trường hợp bà Võ Thị Nga, (xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình, Bạc Liêu) thu mua cây bần ổi để bán lại cho thương lái. Người đặt mua là ông Nguyễn Chí Thanh (ngụ phường 7, TP Bạc Liêu). Tháng 1-2012, ông Thanh trực tiếp xuống nhà bà Nga đặt vấn đề thu mua cây bần ổi với số lượng 100 tấn, giá thỏa thuận mua lá và trái 50.000 đồng/kg; thân cành 100.000 đồng/kg. Ông Thanh đề nghị bà Nga làm đại lý thu mua, có bao nhiêu cũng mua hết. Thấy có lời, lại thêm cây bần ổi mọc đầy theo các tuyến kênh rạch chẳng ai quan tâm, giờ có giá như thế, bà Nga đồng ý. Theo đó, ông Thanh đề nghị bà Nga cố gắng thu mua trước khoảng 40 tấn (cần gấp) nếu nhiều hơn càng tốt. Hàng chuyển tới đâu sẽ thanh toán tiền tới đó.

Trong vòng 1 tháng, bà Nga huy động thêm bà con của mình, thông báo việc mua cây bần ổi rộng rãi với giá lá, trái 15.000 đồng/kg, thân cành 30.000 đồng/kg. Người dân ở các xã ven biển Vĩnh Thịnh, Vĩnh Hậu, huyện Hòa Bình, xã Long Điền Đông, Long Điền Đông A, huyện Đông Hải… ùn ùn đi chặt cây bần ổi để bán vì giá cao quá sức tưởng tượng.

Tin đồn bay xa, các huyện khác trong tỉnh, bà con cũng đua nhau chặt cây bần ổi. Rồi nhiều người cũng góp vốn đi thu mua hòng bán lại kiếm lời. Kết quả bà Nga thu mua được tổng cộng 43 tấn, với tổng số vốn khoảng 400 triệu đồng. Y hẹn, bà Nga chuyển xe tải lên cho ông Thanh khoảng 13 tấn nhưng ông Thanh trở mặt không nhận hàng nên bà Nga cùng một số người khác kéo đến nhà yêu cầu phải thanh toán tiền mua bần ổi. Vợ ông Thanh là bà Lý Thị Thiệt đưa cho bà Nga 2 lần, tổng cộng 40 triệu đồng coi như tiền vận chuyển và thuê mướn nhân công và không đưa nữa.

Rừng bần ven cửa sông ở Trà Vinh. Ảnh: B.ĐẠI - M.LONG

Rừng bần ven cửa sông ở Trà Vinh. Ảnh: B.ĐẠI - M.LONG

  • Coi chừng bần cùng!

Qua điều tra, cơ quan Công an tỉnh Bạc Liêu xác định, ông Thanh tổ chức thu mua cây bần ổi là nghe theo yêu cầu của anh rể là Phạm Tuấn Kiệt (ngụ quận 6, TPHCM). Ông Kiệt khai mình được một người tên Phan Ngọc Long, ngụ xã An Thủy, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre đặt mua cây bần ổi với số lượng lớn để chế biến thuốc điều trị bệnh và xuất khẩu ra nước ngoài. Ông Long tự giới thiệu đang làm việc tại Công ty cổ phần Quốc tế Việt Am, tại số 27A Hoàng Việt, phường 4 quận Tân Bình, TPHCM.

Việc đặt hàng mua bán giữa ông Kiệt và ông Long cũng không có hợp đồng, chỉ thông qua thỏa thuận miệng. Khi ông Kiệt đã đặt và nhờ nhiều người quen đi thu gom cây bần ổi và liên lạc thì ông Long biến mất. Đến Công ty Việt Am mới biết ông Long không phải nhân viên tại đây. Biết bị lừa, ông Kiệt đã thông báo cho ông Thanh đừng thu mua cây bần ổi nữa. Sau đó, ông Thanh thông báo lại cho bà Nga nhưng việc thu mua đã diễn ra trước đó. Hiện Công an tỉnh Bạc Liêu đã chuyển hồ sơ cho Công an TPHCM tiếp tục điều tra, làm rõ.

“Trái đắng” từ việc thu mua cây bần thật sự là bài học đắt giá cho bà con nông, vì quá cả tin nên nhiều người cứ thay nhau ôm mộng đổi đời từ cây bần. Đổi đời đâu không thấy nhưng việc tàn phá cây bần ở ven biển không chỉ đơn giản là sự mất mát về kinh tế, mà còn mất mát về môi trường và sự phát triển bền vững.

Sau cây bần sẽ là cây gì? Con gì? Bởi ngoài bần, đến mùa nghêu giống thì trên vùng biển Bạc Liêu cũng xuất hiện nhiều thương lái nước ngoài (chủ yếu là người Trung Quốc) sang thu mua, làm cho tình hình an ninh, trật tự ở khu vực này rất phức tạp, khi phần lớn những hộ cào nghêu trái phép đều là hộ nghèo.

Tại cuộc họp HĐND tỉnh Bạc Liêu lần thứ 5 vừa mới tổ chức, Đại tá Nguyễn Chi Lăng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bạc Liêu cảnh báo vấn đề này và yêu cầu người dân không nên cả tin vào các thương lái, cũng như yêu cầu các địa phương cần làm tốt hơn nữa công tác quản lý trên địa bàn. 

SONG HỶ

Tin cùng chuyên mục