Thương nhớ anh Ba Cung

Kỷ vật của người lính Cụ Hồ
Thương nhớ anh Ba Cung

Sau Tết Tân Mão, đang công tác tại Hà Nội, tôi nghe tin anh Ba Cung (Thiếu tướng Phùng Đình Ấm) ốm rất nặng. Vào TPHCM, chưa kịp đến thăm anh, đã nghe tin anh trút hơi thở cuối cùng vào lúc 2 giờ 00 ngày 16-2-2011 (tức 14 tháng Giêng năm Tân Mão). Tôi vội vàng cùng đồng đội chạy đến Nhà Tang lễ Bộ Quốc phòng tại số 5 đường Phạm Ngũ Lão, quận Gò Vấp để nhìn mặt anh lần cuối. Trong bộ quân phục cấp tướng còn mới, anh Ba nằm đó, gương mặt đầy đặn, thanh thản, mắt nhắm nghiền như đang ngủ. Người thân trong gia đình, bạn bè, đồng đội quây quần bên anh. Dường như trong số ấy có cả những cô gái, chàng trai, già làng vừa từ trên những cánh rừng Trường Sơn đại ngàn và bà con các dân tộc trên đất nước Chùa Tháp về viếng anh.

Thủ tướng Vương quốc Campuchia Xăm Đech Hun Sen và Thiếu tướng Phùng Đình Ấm trong buổi lễ trao tặng Huân chương Tự do.

Thủ tướng Vương quốc Campuchia Xăm Đech Hun Sen và Thiếu tướng Phùng Đình Ấm trong buổi lễ trao tặng Huân chương Tự do.

Kỷ vật của người lính Cụ Hồ

Tôi gặp anh Ba Cung lần đầu cách đây gần 35 năm. Ngày ấy tôi vừa từ Sư đoàn 5 về công tác tại Báo Quân khu 7. Chưa gặp mặt lần nào nhưng chúng tôi đã đọc các bài viết của nhau trên báo. Lại nữa, biết tôi đã có thời kỳ sống và chiến đấu trên đất bạn Chùa Tháp, nói được dăm ba tiếng Campuchia, nên anh Ba vui vẻ, thân tình lắm. Tôi không ngờ suốt 35 năm sau đó, chúng tôi luôn gắn bó với nhau.

Tôi nhớ cách đây không lâu, tuy người không được khỏe, anh Ba vẫn chống gậy đến tìm tôi ở tòa soạn. Anh báo tin mừng, vừa được Thủ tướng Vương quốc Campuchia Xăm Đech Hun Sen trao tặng Huân chương Tự do - huân chương cao quý nhất của nhà nước Campuchia vì những đóng góp của anh cùng bộ đội tình nguyện Việt Nam trong 3 lần sát cánh với nhân dân Campuchia chống Pháp, chống Mỹ và bè lũ Pôn Pốt.

Là đứa trẻ mồ côi trên đất Vạn Phú (Bình Định), năm 16 tuổi, cậu bé Phùng Đình Ấm đã hòa theo dòng người cướp chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám tại quê nhà - làng Dương Liễu. 2 năm sau đó, anh Ba nhập ngũ làm lính Cụ Hồ và gần như hết cả tuổi thanh xuân, anh dành cho đồng bào các dân tộc Tây Nguyên và đất nước Chùa Tháp.

Sau này anh viết cuốn sách Ba lần gắn bó đất nước Chùa Tháp kể lại những kỷ niệm về một thời sống, chiến đấu trên đất bạn được chính Thủ tướng Vương quốc Campuchia viết lời giới thiệu và dịch. Anh Ba đã thực sự là người con của nhân dân Campuchia anh em. Đối với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, anh Ba có tình cảm đặc biệt. Anh chính là một trong những người lính Cụ Hồ mang ánh sáng cách mạng đến cho đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.

Tôi nhớ, hồi còn công tác tại Quân khu 7, có lần anh Ba bí mật cho tôi xem một kỷ vật. Anh Ba kể rằng, năm 1959, trước khi trở lại miền Nam chiến đấu, anh được gặp Bác Hồ. Trước đó, anh đã ra chợ Đồng Xuân (Hà Nội) mua cuốn sổ để ghi lời dạy của Bác. Anh còn tìm được tấm ảnh của Bác bằng vải lụa. Những năm kháng chiến gian khổ, anh đưa ảnh Bác Hồ và truyền đạt những lời Bác dạy cho đồng bào Tây Nguyên.

Cách đây gần 10 năm, anh Ba đem tặng Bảo tàng Hồ Chí Minh (chi nhánh TPHCM) tấm ảnh quý giá đó. Tấm ảnh Bác Hồ bằng vải lụa ấy gắn liền kỷ niệm của anh Ba với gia đình người nông dân nghèo Tà Phưn trên đất Campuchia. Những câu chuyện về Bác mà anh Ba kể đã làm nhân dân Campuchia thêm yêu quý bộ đội Cụ Hồ. Cô con gái chủ nhà tên là Văn Ni đã nhận anh là anh trai và bà mẹ Tà Phưn đã đặt tên cho anh là Khăm Tằn. Không biết trong dòng người đến viếng anh Ba hôm nay có bà mẹ Tà Phưn và người con gái Campuchia có cái tên thật đẹp Văn Ni ấy?

Bài báo khóc Đại tướng

Những tháng gần đây, sức khỏe anh Ba sa sút nghiêm trọng. Nằm trên giường bệnh nhưng anh Ba vẫn miệt mài làm việc. Anh thường xuyên gửi cho chúng tôi những bài báo do chính anh viết. Nét chữ anh Ba còn đằng tà, ngay ngắn lắm.

Tôi nhớ khi lũ chồng lũ vào cuối năm qua ở miền Trung, nằm trên giường bệnh, anh Ba khôn nguôi nhớ đến bà con vùng thiên tai. Anh Ba viết thư nhờ chúng tôi gom hết số nhuận bút các bài đăng trên báo Sài Gòn Giải Phóng (tổng cộng 2.190.000 đồng) gửi tặng đồng bào miền Trung. Ban Chương trình - Xã hội của Báo đã cử cán bộ chuyển tận tay bà con vùng lũ món quà tình sâu, nghĩa nặng của anh Ba.

Cũng vào khoảng cuối năm ngoái, nhân dịp Đại tướng Võ Nguyên Giáp bước vào tuổi 100, anh Ba gửi về tòa soạn Báo Sài Gòn Giải Phóng nhiều bài. Anh đề nghị cho đăng trên tờ báo Đảng kiến nghị của anh cũng là kiến nghị của các tướng lĩnh, cựu chiến binh và nhân dân phong hàm Nguyên soái và phong tặng danh hiệu Anh hùng Dân tộc cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Và, một điều thật xúc động nữa, chắc là biết mình sắp đi xa không có mặt trong ngày Đại tướng quy tiên, anh Ba đã viết bài báo khóc Đại tướng.

Trước hương hồn anh Ba – Thiếu tướng Phùng Đình Ấm, tôi xin phép trích nguyên văn một đoạn bức thư này. “Kính gửi đồng chí Trần Thế Tuyển, Tổng biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng. Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam đã 100 tuổi. Tôi nghĩ ngày Đại tướng vĩnh viễn ra đi chắc không còn xa nữa. Với lòng ngưỡng mộ, thương yêu Đại tướng, tôi tự nhiên viết bài này gửi đến đồng chí Tổng biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng (tờ báo lớn của Đảng ở thành phố) để chuẩn bị trước. Đề nghị đồng chí khi nào nghe tin Võ Đại tướng từ trần, trút hơi thở cuối cùng thì biên tập và cho đăng lên báo, gọi là chút tri ân với người đã khuất...”.

Anh Ba ơi, Thủ trưởng Thiếu tướng Phùng Đình Ấm ơi, Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn còn đây, bài báo khóc Đại tướng vẫn còn đây mà anh đã ra đi về cõi vĩnh hằng.

Xin anh Ba cứ thanh thản yên nghỉ, những người lính của Bác Hồ, của Võ Đại tướng và của anh sẽ đi tiếp chặng đường mà Bác Hồ, Võ Đại tướng và các thế hệ cha anh đã đi.

Ngày thơ Tết Nguyên tiêu năm nay vắng bóng anh nhưng những câu thơ của anh trong tập Chúng tôi đánh giặc và làm thơ cứ vang lên trên Bến Nhà Rồng, nơi cách đây gần 100 năm, Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước.

Bến Nhà Rồng đêm rằm tháng Giêng Tân Mão

Trần Thế Tuyển

Tin cùng chuyên mục