Thượng viện Nga phê chuẩn triển khai quân đến Crimea

Theo RT, Thượng viện Nga đã thông qua đề xuất của Tổng thống Vladimir Putin triển khai lực lượng vũ trang Nga tại nước Cộng hòa tự trị Crimea của Ukraine. Quyết định trên có hiệu lực ngay lập tức. Trước đó, cả Thượng viện và Hạ viện Nga đều đã lên tiếng kêu gọi Tổng thống Putin cần can thiệp mạnh mẽ cả về quân sự để bảo vệ người dân ở Cộng hòa tự trị Crimea. Tổng thống tạm quyền của Ukraine Oleksander Turchinov cũng gấp rút triệu tập các nhân viên an ninh cấp cao để nhóm họp.
Thượng viện Nga phê chuẩn triển khai quân đến Crimea

Theo RT, Thượng viện Nga đã thông qua đề xuất của Tổng thống Vladimir Putin triển khai lực lượng vũ trang Nga tại nước Cộng hòa tự trị Crimea của Ukraine. Quyết định trên có hiệu lực ngay lập tức. Trước đó, cả Thượng viện và Hạ viện Nga đều đã lên tiếng kêu gọi Tổng thống Putin cần can thiệp mạnh mẽ cả về quân sự để bảo vệ người dân ở Cộng hòa tự trị Crimea. Tổng thống tạm quyền của Ukraine Oleksander Turchinov cũng gấp rút triệu tập các nhân viên an ninh cấp cao để nhóm họp.

        Điểm nóng Crimea

Thái độ quyết đoán của Tổng thống Putin được xem là lời hồi đáp nhất quán với việc trước đó, điện Kremlin khẳng định Nga sẽ không phớt lờ lời kêu gọi của Crimea. Trước đó, ông Sergei Aksenov (lãnh đạo đảng thống nhất Nga), Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng mới của Cộng hòa tự trị Crimea đã đề nghị Tổng thống Nga Putin giúp đảm bảo hòa bình và ổn định tại vùng lãnh thổ Crimea.

Trước đó, Nga đã từ chối tiến hành đàm phán với Ukraine về việc bảo trợ cho một thỏa thuận theo đó đảm bảo sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.

Hãng tin Itar-Tass cho biết, những người ủng hộ Nga đã tụ tập tại các tòa nhà ở trung tâm Kharkov và giương cờ Nga cùng cờ Ukraine ở khu vực Quảng trường Tự do. Khoảng 20.000 người tham gia biểu tình phản đối chính quyền Ukraine mới được thành lập. Biểu tình đã biến thành bạo lực khi khoảng 300 người biểu tình xông vào các tòa nhà chính quyền và dùng gạch đá, chai lọ... xô xát với nhau.

Ở các thành phố như Melitopol, Yevpatoria và Mariupo cũng xuất hiện cờ Nga. Theo RT, tại Donetsk cũng có hàng ngàn người biểu tình ủng hộ ông Yanukovych.

Nga và Mỹ mâu thuẫn đối với bất ổn chính trị ở Ukraine.

Nga và Mỹ mâu thuẫn đối với bất ổn chính trị ở Ukraine.

Trước những diễn biến phức tạp này, Cộng hòa tự trị Crimea ngày 1-3 thông báo chọn ngày 30-3 để tiến hành cuộc trưng cầu dân ý nhằm quyết định liệu cư dân bán đảo này có muốn quyền tự trị lớn hơn hay không. Trước đó, Crimea chọn ngày 25-5 để trưng cầu dân ý, trùng với ngày bầu cử tổng thống sớm của Ukraine.

Theo RT, tổng lãnh sự của Nga ở thủ phủ Simferopol của Crimea đã được chỉ đạo thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết để cấp hộ chiếu cho các cựu cảnh sát thuộc đội đặc nhiệm Berkut chống bạo động Ukraine.

Bộ Ngoại giao Mỹ, Anh đã khuyến cáo công dân của họ hoãn các hoạt động đi lại không cần thiết tới Ukraine, đặc biệt là Crimea, Donetsk và Kharkov.

        Mỹ dọa tẩy chay G-8

Một nguồn tin từ điện Kremlin cho biết chính quyền Tổng thống Putin sẵn sàng giúp đỡ và đáp ứng yêu cầu của Crimea để bảo đảm hòa bình tại khu vực này. Trong khi đó, Đại sứ Nga tại LHQ Vitaly Churkin khẳng định bất cứ chuyển động quân sự nào của Nga ở Crimea đều tuân theo thỏa thuận hiện hành giữa Mátxcơva và Kiev về việc triển khai các tài sản quân sự ở Ukraine.

Theo Reuters, đại sứ Ukraine ở LHQ Yuriy Sergeyev nhấn mạnh rằng Ukraine có thể tự giải quyết vấn đề, bảo vệ người dân của mình. Đây được xem là lời phản hồi cứng rắn trước việc Nga đưa lực lượng quân sự vào Ukraine. Tổng thống Mỹ Barack Obama nói rằng Nga sẽ phải trả giá cho bất cứ hành động can thiệp quân sự nào của Nga tại Ukraine.

Một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết Tổng thống Obama có thể sẽ không tham dự cuộc họp của các nước nhóm G-8 tại Sochi vào tháng 6 tới nếu Nga đưa quân vào Ukraine.

Ngoại trưởng Anh William Hague khẳng định ông sẽ có chuyến thăm tới Kiev vào ngày 2-3. Ông William Hague cho biết đã điện đàm với Tổng thống lâm thời của Ukraine Oleksandr Turchynov và sẽ thảo luận với chính phủ mới của nước này trong chuyến thăm tới đây. Sau đó, vào ngày 3-3, ông William Hague sẽ đến Washington để thảo luận với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng như lãnh đạo của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) về việc hợp tác hỗ trợ tài chính cho Ukraine cũng như tham vấn với lãnh đạo trong chính phủ mới của nước này.

NHƯ QUỲNH (tổng hợp)

>> Cộng hoà tự trị Crimea có chính phủ mới 

Tin cùng chuyên mục