Thương vụ mua bán giữa Grab và Uber: Liệu Việt Nam có mất nợ thuế?

Việc Grab mua lại Uber ở thị trường Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, khiến nhiều người lo ngại khi Uber còn đang nợ thuế 53 tỷ đồng tại Việt Nam - vụ kiện đang được tòa án thụ lý.
Hành khách đi xe Uber. Ảnh: THÀNH TRÍ
Hành khách đi xe Uber. Ảnh: THÀNH TRÍ

Liệu trong thương vụ mua bán này có chuyển giao cả số nợ của Uber? Nếu không, trụ sở của Uber ở Hà Lan, sau này tòa án quyết Uber phải nộp số thuế trên mà Uber không còn hoạt động tại Việt Nam thì làm sao cưỡng chế nợ thuế? Rồi việc mua bán - sáp nhập đó không diễn ra tại Việt Nam, vậy Việt Nam có thu được thuế thu nhập doanh nghiệp khi doanh nghiệp đó hoạt động trên thị trường trong nước?...

Mua bán - sáp nhập, phải tính luôn phần nợ

Đó là khẳng định của lãnh đạo Bộ Tài chính về số thuế và tiền chậm nộp gần 57 tỷ đồng mà Uber nợ Cục Thuế TPHCM (đang được TAND TPHCM thụ lý). “Khi doanh nghiệp sáp nhập thì các doanh nghiệp mới phải thừa kế, lãnh trách nhiệm của các doanh nghiệp trước đó”, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai khẳng định. Do vậy, Grab phải trả nợ thay Uber nếu sau này tòa án buộc Uber phải nộp số thuế trên. 

Tuy nhiên, hiện nay Bộ Tài chính, Bộ Công thương vẫn chưa nhận được báo cáo của Grab về việc mua lại mảng kinh doanh của Uber tại khu vực Đông Nam Á. Trong khi đó, theo quy định, nếu mua bán doanh nghiệp có thị phần 30% - 50% phải có báo cáo tới Bộ Công thương. Nên nếu thị phần của 2 doanh nghiệp Uber và Grab sáp nhập trên 50% thì sẽ vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, việc này phải chờ sau khi nhận được báo cáo, Bộ Công thương sẽ có cơ sở đánh giá mức độ việc sáp nhập có được phép hay không. Khi nhận được báo cáo, Cục Quản lý cạnh tranh sẽ có ý kiến chính thức về việc này. Còn trường hợp Bộ Công thương không nhận được báo cáo, cũng sẽ có biện pháp áp dụng theo quy định của pháp luật.

Được biết, hiện nay Grab và Uber đang hoạt động ở 8 quốc gia Đông Nam Á. Chắc chắn, không chỉ Việt Nam mà sẽ có một số quốc gia ngăn chặn việc sáp nhập này vì có dấu hiệu vi phạm luật cạnh tranh. Chỉ khi nào Uber và Grab đề xuất được giải pháp, nếu không với mức chiếm lĩnh trên 50% thị phần tại mỗi quốc gia là vi phạm luật cạnh tranh, việc sáp nhập sẽ bị ngăn chặn.

Việt Nam có thu được thuế chuyển nhượng?

Vừa qua, các khách hàng của Uber đã nhận được tin nhắn từ tổng đài Uber thông báo Uber ngừng hoạt động từ ngày 8-4. Và doanh nghiệp này cũng thông báo trên mạng cho các lái xe của Grab, Uber việc sáp nhập được áp dụng từ ngày 8-4. Trong khi, các cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam chưa được thông báo này.

Như nhận định pháp luật trên, khi chuyển giao Grab phải có trách nhiệm gánh những khoản nợ của Uber; do vậy, Cục trưởng Cục Thuế TPHCM Trần Ngọc Tâm đã kịp thời gửi thông báo đến Công ty TNHH Grabtaxi để nhắc về số nợ thuế 51,9 tỷ đồng và tiền chậm nộp 4,9 tỷ đồng mà Uber chưa thanh toán nợ. Văn bản số 2391/CT-KT2 ngày 29-3-2018 của Cục Thuế TPHCM ghi rõ: “…Để tránh rủi ro có thể xảy ra khi thực hiện giao dịch này, Cục Thuế TPHCM xin thông báo với Công ty TNHH Grab Việt Nam những khoản nợ thuế và tiền chậm nộp còn được ghi nhận đến ngày 28-12-2018 của Uber B.V - Mã số thuế Việt Nam 0313994053, là gần 57 tỷ đồng. Nhân tiện, để làm rõ hơn trách nhiệm thuế của các bên mua và bán mảng kinh doanh trên theo pháp luật Việt Nam, đề nghị Công ty TNHH Grab Việt Nam cung cấp các tài liệu liên quan trực tiếp đến hoạt động đã được đề cập cho cơ quan quản lý thuế trước ngày 4-4-2018”.

Ngoài ra, một vấn đề khác mà nhiều người đặt ra là nếu việc mua bán, sáp nhập công ty hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam, nhưng hợp đồng mua bán diễn ra ở nước ngoài thì liệu Viêt Nam có thu được thuế thu nhập doanh nghiệp trên phần lợi nhuận mà Uber được hưởng sau khi bán thị phần của mình ở Việt Nam? Như trước đây, số tiền thuế thu nhập doanh nghiệp mà Metro Việt Nam sang nhượng lại cho một công ty của Thái Lan, thì Metro đã nộp một khoản không nhỏ cho Chính phủ Việt Nam. Vậy việc sang nhượng giữa Uber và Grab có vi phạm luật cạnh tranh và nhà nước có thu được thuế hay không là những vấn đề mà dư luận đang chờ làm rõ.

Tin cùng chuyên mục