TP Hồ Chí Minh : Nhiều giải pháp thu hút các nhà đầu tư FDI

TP Hồ Chí Minh : Nhiều giải pháp thu hút các nhà đầu tư FDI

TP Hồ Chí Minh : Nhiều giải pháp thu hút các nhà đầu tư FDI ảnh 1

Quý 1-2007, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của cả nước tăng mạnh, trong khi tại TPHCM lại thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Ông Thái Văn Rê, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM (ảnh) đã có bài viết lý giải nguyên nhân và nêu những biện pháp cụ thể để thúc đẩy thu hút đầu tư FDI trong thời gian tới. Chúng tôi trân trọng giới thiệu đến độc giả.

  • Đang có nhiều cam kết đầu tư lớn

Khủng hoảng tài chính – tiền tệ của các nước châu Á đã ảnh hưởng đến hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài của TPHCM theo chiều hướng giảm sút trong những năm cuối thế kỷ XX. Tuy nhiên từ năm 2002 đầu tư nước ngoài trên địa bàn TPHCM liên tục tăng lên.

Đặc biệt vào năm 2006, có 251 dự án được cấp phép với tổng vốn 1,52 tỷ USD, tăng gấp 2,5 lần về vốn đầu tư so với cùng kỳ. Ngoài ra, có 117 dự án tăng vốn với số vốn điều chỉnh tăng 713 triệu USD, tăng 2,1 lần về vốn đầu tư so với cùng kỳ. Như vậy năm 2006 tổng vốn đầu tư FDI kể cả tăng vốn là 2,234 tỷ USD, tăng 2,32 lần về vốn đầu tư.

Phần lớn các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài theo hình thức 100% vốn nước ngoài. Các ngành nghề đầu tư chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, gia công hàng may mặc, giày da, chế biến gỗ, sản xuất hóa chất, các dự án xây dựng khu nhà ở, các khu đô thị mới, các khu vui chơi giải trí, các dịch vụ như vận tải, giao nhận hàng hóa, các hoạt động liên quan đến bất động sản, các dịch vụ tư vấn pháp luật, kiểm toán, nghiên cứu thị trường, kiến trúc, tư vấn thiết kế... Một vài năm gần đây, đặc biệt là năm 2006 luồng vốn chuyển hướng đầu tư vào công nghệ cao, như ngành viễn thông và chế tạo chíp (ví dụ như dự án đầu tư 1 tỷ USD của Intel vào Khu Công nghệ cao năm 2006).

TP Hồ Chí Minh : Nhiều giải pháp thu hút các nhà đầu tư FDI ảnh 2

Doanh nghiệp làm thủ tục đăng ký kinh doanh tại Sở Kế hoạch-Đầu tư TPHCM. Ảnh: ĐỨC TRÍ

Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc, Mỹ, Pháp, Đức, lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc)… là những quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư lớn vào TPHCM.

TPHCM luôn phấn đấu thu hút đầu tư nước ngoài cao hơn hoặc ít nhất là bằng năm trước. Các dự án đầu tư nước ngoài của TP hiện đang hoạt động là 2.279 dự án, với tổng nguồn vốn là 14,9 tỷ USD, so với cả nước số dự án chiếm 32,24% và vốn đầu tư chiếm 23,46%.

Quý 1-2007, nguồn vốn FDI đạt 169,4 triệu USD, giảm 74,65% so với cùng kỳ. Nguyên nhân giảm chính là do quý 1-2006 có tổng vốn đầu tư 668,15 triệu USD, tăng 6,5 lần so với cùng năm trước, vì có dự án của Intel là 605 triệu USD chiếm 90,5% tổng vốn đầu tư FDI.

Tuy nhiên, TP cũng đã có những cam kết đầu tư FDI đang được triển khai. Ví dụ như dự án của Công ty GS E &C đang hoàn tất hợp đồng BT cho Dự án đường Tân Sơn Nhất – Bình Lợi – Vành Đai ngoài với số vốn 318 triệu USD; 2 dự án khác của công ty này đã nộp hồ sơ để cấp phép, với số vốn 217 triệu USD; các dự án trong Khu công nghệ cao và Khu chế xuất có tổng vốn khoảng 800 triệu USD; khu Thủ Thiêm cũng đang khẩn trương xúc tiến đầu tư với tổng vốn khoảng hơn 1 tỷ USD.

Bên cạnh đó, nếu chúng ta nỗ lực hoàn chỉnh quy hoạch 20 ô phố tại khu vực trung tâm TP thì rất nhiều dự án đầu tư với số vốn vài tỷ USD. Đang có rất nhiều đoàn các nhà đầu tư đến từ nhiều nước vào tham khảo và tìm kiếm các cơ hội đầu tư trên địa bàn TP. Có thể thấy, thời gian qua TPHCM đã có những nỗ lực cải cách hành chính, giảm bớt và đơn giản hóa các thủ tục, đã có tác động tích cực đến môi trường đầu tư.

  • Những giải pháp trước mắt và lâu dài

Để thực hiện mục tiêu kinh tế-xã hội của TP từ năm 2006 đến 2010, TPHCM phải tận dụng cơ hội hội nhập nhằm huy động tối đa các nguồn lực trong nước và ngoài nước cho đầu tư để tiếp tục tăng trưởng và phát triển bền vững, góp phần đưa đất nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển vào năm 2010. Với nhiệm vụ được giao, Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục tham mưu cho UBND TP một số giải pháp lớn để thu hút đầu tư nước ngoài trong thời gian tới như sau:

1- TP vừa kêu gọi vốn đầu tư trong lĩnh vực hạ tầng, vừa phải đẩy nhanh tốc độ phát triển cơ sở hạ tầng mà lâu nay đã gây trở ngại cho nhà đầu tư trong sản xuất kinh doanh và xuất khẩu. Đặc biệt trong lĩnh vực cảng biển, năng lượng, các đường giao thông cao tốc vành đai kết nối các tỉnh, các tuyến metro…

2- Vấn đề cải cách hành chính, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí là một trong năm chương trình, công trình do Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ VIII đề ra phải thực hiện một cách quyết liệt, thiết thực và hiệu quả để góp phần làm trong sạch môi trường đầu tư, tiếp tục phát triển kinh tế-xã hội. Trong đó cần phải ngăn chặn và kiểm soát nạn tham nhũng, thúc đẩy nhanh công tác quy hoạch, cải cách thủ tục đất đai, thủ tục hải quan, thuế vụ, cấp giấy chứng nhận đầu tư, xóa bỏ những giấy tờ không cần thiết, nâng cao hiệu quả và tính minh bạch của dịch vụ hành chính.

3- Tiếp tục kiện toàn cơ chế “một cửa” làm đầu mối hỗ trợ nhà đầu tư trong và ngoài nước, tham mưu bổ sung chính sách khuyến khích đầu tư nhằm tăng cường thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, xây dựng chương trình công tác xúc tiến đầu tư nhằm thu hút đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực trọng điểm của TP bao gồm: công nghệ cao, công nghệ điện tử, công nghệ thông tin, các dự án phát triển hạ tầng kỹ thuật, phát triển các khu đô thị mới như Thủ Thiêm, Tây Bắc TP…

4- Triển khai thực hiện tốt Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng…; đề xuất, kiến nghị loại bỏ hoặc sửa đổi những quy định hiện hành của TP không còn phù hợp với các luật mới nhằm thực hiện nghiêm pháp luật, tạo sự thống nhất trong nội bộ viên chức nhà nước của TP về nhận thức và thực thi pháp luật, ngăn chặn sự tùy tiện nhũng nhiễu do các văn bản hướng dẫn luật còn nhiều bất cập, góp phần rút ngắn khoảng cách giữa luật và đời sống.

5- TP phải đi đầu trong việc cải cách giáo dục, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao trình độ cho người lao động và giải quyết tốt vấn đề tranh chấp lao động.

6- TP tiếp tục kiến nghị với Chính phủ có lộ trình thực hiện cụ thể việc xóa bỏ các ngành kinh doanh độc quyền và kêu gọi đầu tư vào các lĩnh vực mà hiện nay giá cả đầu vào còn cao như điện, nước, bưu chính-viễn thông, cước phí vận tải, dịch vụ bến cảng, sân bay… để hạ thấp chi phí dịch vụ tạo điều kiện nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp.

THÁI VĂN RÊ
(Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM)

Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM xin đề xuất một số chính sách riêng và đó cũng là một trong những giải pháp nhằm thu hút đầu tư nước ngoài, trong thẩm quyền của TP như sau:

- Sử dụng kinh phí của TP, cụ thể từ nguồn kinh phí xúc tiến đầu tư, để làm nghiên cứu tiền khả thi các dự án trọng điểm, các dự án chỉnh trang đô thị ở khu vực trung tâm, một số dự án trọng điểm trong khu đô thị Tây Bắc TP. Mục đích của việc này là TP có đầy đủ các thông tin cần thiết cung cấp cho nhà đầu tư khi TP quyết định đưa các dự án đi kêu gọi đầu tư.

- TP sớm thông qua quy hoạch kiến trúc 20 ô phố để công khai đưa ra kêu gọi đầu tư, quy hoạch các sân golf, quy hoạch 4 bệnh viện cửa ngõ của TP, quy hoạch khu du lịch sinh thái biển, rừng Cần Giờ, các khu đô thị Bình Quới-Thanh Đa, khu đô thị Tây Bắc…

- Tích cực tạo quỹ nhà tái định cư (đảm bảo chất lượng, nếu cần có thể kêu gọi đầu tư nước ngoài) để đẩy nhanh quá trình bồi thường, giải phóng mặt bằng cho các dự án đã được cấp và sắp được cấp phép đầu tư. (Ví dụ dự án của Keppel Land – Singapore, khu thể dục thể thao Rạch Chiếc quận 2, đã có giấy phép 3 năm nhưng chưa triển khai được vì vướng đền bù giải tỏa…).

- Hàng năm, phân bổ ngân sách TP cho các dự án cung cấp cơ sở hạ tầng như cầu, đường, điện nước, sẵn sàng tới chân hàng rào của các dự án tiềm năng, cần kêu gọi đầu tư như dự án KCN Hòa Phú – Tân Quy ở Củ Chi, Dự án công viên Safari…

- TP chỉ đạo UBND các quận huyện, các sở ngành rà soát lên danh sách các dự án đầu tư trong và ngoài nước trên địa bàn chậm triển khai; nếu cần, kiên quyết thu hồi để tạo quỹ đất cho các nhà đầu tư mới, có năng lực.

- Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo hướng hiệu quả, chuyên sâu. Sở Kế hoạch và Đầu tư đã hoàn chỉnh Dự thảo Quyết định (thay thế cho Quyết định 236) về Quy định thủ tục, trình tự và cơ chế phối hợp để giải quyết các vấn đề liên quan đến dự án đầu tư trực tiếp theo quy định của Luật Đầu tư ngày 29-11-2005 trên địa bàn; đang tham khảo ý kiến của các sở - ban – ngành, quận – huyện để hoàn chỉnh trình UBND TP ban hành ngay trong quý 2-2007.

Tin cùng chuyên mục