Rau - hoa - quả Việt Nam

Cần đẩy mạnh thị trường xuất khẩu

Cần đẩy mạnh thị trường xuất khẩu

Việt Nam có điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu khá thuận lợi cho việc trồng và xuất khẩu các loại rau, hoa, quả nhưng kim ngạch xuất khẩu còn ở mức thấp. Tiềm năng này đang được tập trung khai thác theo hướng chuyên nghiệp hóa từ khâu sản xuất, thu hái và bảo quản, chế biến... để trở thành ngành xuất khẩu mũi nhọn.

Một thực tế buồn

Hiện cả nước có trên 680.000ha trồng cây ăn quả, 765.000ha trồng rau và hoa các loại, phục vụ chủ yếu cho thị trường nội địa và một phần cho xuất khẩu. Kim ngạch xuất khẩu rau-hoa-quả của Việt Nam tăng chậm, năm 2004 đạt 178 triệu USD, năm 2005 là 250 triệu USD và năm 2006 là 280 triệu USD. Rau-hoa-quả xuất khẩu chủ yếu là đóng hộp, sấy khô, một lượng nhỏ là xuất tươi và cấp đông. Thị trường chủ yếu vẫn là Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Singapore. Để đẩy mạnh xuất khẩu rau-hoa-quả, hướng đến mục tiêu đạt 1 tỷ USD vào năm 2010, Bộ Thương mại đã xây dựng xong dự thảo chương trình quốc gia về phát triển sản xuất và xuất khẩu rau-hoa-quả của Việt Nam.

Cần đẩy mạnh thị trường xuất khẩu ảnh 1

Các sản phẩm trái cây của Việt Nam sẽ được xuất khẩu mạnh trong thời gian tới. Ảnh: P.N.

Trước nay, vấn đề bảo quản sau thu hoạch, vệ sinh an toàn thực phẩm, các giải pháp thỏa đáng để phát triển sản xuất và xuất khẩu chưa được đầu tư sâu rộng nên đã hạn chế khả năng cũng như tiềm lực xuất khẩu của rau-hoa-quả Việt Nam. Rau-hoa-quả Việt Nam vẫn thường xuyên bị ép giá ở các cửa khẩu Trung Quốc do vấn đề bảo quản. Việc xây dựng trung tâm bảo quản, trung tâm giao dịch tại các cửa khẩu là hết sức cần thiết vì nó sẽ giúp doanh nghiệp xuất khẩu đảm bảo chất lượng nguồn hàng khi bị ách tắc, tránh tình trạng ép giá như với trái cây của Việt Nam trong thời gian qua.

Sản lượng rau hoa quả thu hoạch nhiều nhưng xuất khẩu chiếm tỷ lệ nhỏ. Ở Vĩnh Long, một vựa trái cây lớn ở ĐBSCL cũng chỉ mới có 10% cho xuất khẩu, 20% cung cấp cho các siêu thị trong nước, còn lại là bán cho thị trường trôi nổi. Tỉnh Bình Thuận có 7.000ha thanh long, với sản lượng khoảng 120.000 tấn/năm, nhưng chỉ xuất khẩu được khoảng 25.000 tấn. Thị trường xuất khẩu chủ yếu là Trung Quốc. Thanh long của Bình Thuận đã được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam công nhận là tài sản quốc gia. Tuy nhiên, một thực tế buồn hiện nay là Nga, Thái Lan qua Trung Quốc mua thanh long Việt Nam để xuất khẩu sang các nước khác. Đây là hệ quả của việc chúng ta chưa làm tốt thông tin thị trường, hội nhập trong phương thức thanh toán quốc tế.

Chi phí vận chuyển quá cao như hiện nay cũng là một trở ngại lớn cho doanh nghiệp xuất khẩu. Các danh nghiệp cho biết, thuê một xe lạnh 130C-150C, vận chuyển trái cây từ TPHCM đến cửa khẩu Lạng Sơn mất ít nhất 35 triệu đồng. Phí vận chuyển bằng hàng không thì quá cao. Ông Nguyễn Bá Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Hùng Thiên (Lâm Đồng), đơn vị sản xuất rau sạch phục vụ chủ yếu cho các khách sạn 5 sao và XK cho biết, giá bán sang Singapore phải rẻ mới có thể cạnh tranh với hàng từ Malaysia, vì họ chỉ cần đi vài tiếng đã tới nơi. Muốn bảo quản tốt phải vận chuyển bằng máy bay, phí lên đến 3,5 USD/kg sản phẩm, bằng tàu biển chỉ có 35 cent nhưng phải mất rất nhiều ngày. Cách duy nhất để giảm bớt chi phí là dùng phương pháp hút chân không, làm lạnh vận chuyển bằng tàu biển. Ngay cả giá cước vận chuyển máy bay trong nước cũng khá cao, phí từ Lâm Đồng đi Hà Nội, TPHCM phải mất 12.000đ/kg sản phẩm, trong khi đó, giá trị của 1 kg chỉ có 8.000 đồng.

Mở hướng xuất khẩu

Theo đề án này, Nhà nước sẽ đầu tư xây dựng các trang trại điển hình, các đơn vị điển hình, trung tâm bảo quản, đầu mối giao dịch chuyển tải, chuyển khẩu xuất khẩu rau-hoa-quả tại 3 khu vực đầu mối là TPHCM, Lâm Đồng và Lào Cai. Trong đó, sẽ đầu tư cho doanh nghiệp ở các vùng có cây trồng đặc sản như vải ở Lục Ngạn và Thanh Hà, thanh long ở Bình Thuận. Đề án đi sâu vào từng lĩnh vực, công việc cụ thể, ưu tiên các công ty TNHH đã có thị trường và uy tín trên thị trường; thuê chuyên gia tư vấn nước ngoài vào truyền đạt kinh nghiệm cho doanh nghiệp. Từ đó, sẽ mở rộng, triển khai nhân rộng ra nhiều đơn vị, trung tâm khác.

Tại buổi trao đổi với các tỉnh thành, doanh nghiệp xuất khẩu rau-hoa-quả chủ lực ở phía Nam mới đây, Thứ trưởng Bộ Thương mại Trần Đức Minh nhấn mạnh, điều quan trọng và phải thực hiện tốt đó là vấn đề tổ chức sản xuất và thu mua, ai làm? làm như thế nào? tiêu thụ ở đâu? Bộ NN-PTNN sẽ lo phần kỹ thuật sản xuất và Bộ Thương mại sẽ lo thị trường tiêu thụ cho các doanh nghiệp.

Với sự đầu tư của nhà nước, hướng đến mục tiêu lâu dài, rau-hoa-quả của Việt Nam sẽ có thêm nhiều yếu tố tích cực để thúc đẩy phát triển sản xuất và mở rộng thị trường xuất khẩu. Không chỉ đầu tư xuất khẩu các loại rau-hoa-quả tươi mà chúng ta cũng nên hướng đến thị trường hoa dùng trong chế biến thực phẩm và hương liệu. Đây là thị trường mà nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang hướng đến tại Việt Nam. 

MỸ HẠNH

Tin cùng chuyên mục