Hàn Quốc đang dẫn đầu về vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam

Hàn Quốc đang dẫn đầu về vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam

Kỳ họp Ủy ban Hợp tác kinh tế Việt Nam-Hàn Quốc lần thứ 9 đã đưa ra đề xuất thành lập tổ công tác đặc biệt nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam và Hàn Quốc trong quá trình triển khai các dự án đầu tư tại Việt Nam. Dự báo một làn sóng đầu tư mới từ Hàn Quốc vào Việt Nam đang trở thành hiện thực...

Dấu hiệu có một làn sóng đầu tư mới từ Hàn Quốc đã xuất hiện trước một thời gian, chứ không phải đến khi 170 doanh nghiệp đại diện cho các tập đoàn kinh tế hàng đầu của Hàn Quốc tháp tùng Bộ trưởng Bộ Công nghiệp-Thương mại và Năng lượng đến Việt Nam trong kỳ họp lần này.

Hàn Quốc đang dẫn đầu về vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam ảnh 1

Lắp ráp linh kiện tivi tại Công ty Samsung Vina. Ảnh: ĐỨC THIỆN

Ông Trần Đăng Chúc, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thiên Nam cho biết, từ đầu năm đến nay ông đã liên tục có những chuyến sang Hàn Quốc để làm việc với các đối tác về các dự án đầu tư trong ngành dệt may sẽ triển khai trong năm nay.

Từ năm ngoái, sợi dây liên kết làm ăn đã được hình thành khi Tập đoàn Teachang của Hàn Quốc muốn vào làm ăn tại Việt Nam. Một liên doanh giữa Teachang, Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex và Công ty TNHH Thiên Nam đã được thành lập tại Khu Công nghiệp Dệt May Phố Nối B (Hưng Yên) đầu năm nay. Ông Chúc được cử làm Chủ tịch HĐQT liên doanh này. Teachang là tập đoàn hàng đầu của Hàn Quốc trong ngành dệt may, đang cung cấp vải cho nhiều khách hàng trên thế giới để sản xuất sản phẩm xuất khẩu, nhiều nhất là xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ.

Teachang hiện sở hữu công nghệ nhuộm và hoàn tất vải ka-ki bông co giãn 2-4 chiều, vải nhung, vải dệt thoi... và sẽ chuyển giao những công nghệ mới nhất cho phía Việt Nam để sản xuất vải phục vụ yêu cầu xuất khẩu. Đồng thời, Teachang cũng có những khách hàng truyền thống và chuyển các khách hàng này cho liên doanh tiếp tục cung cấp vải xuất khẩu.

Sau một thời gian hoạt động ổn định, liên doanh này triển khai tiếp dự án đầu tư một nhà máy sản xuất vải Denim tại Nam Định, có công suất 30 triệu m/năm, với tổng vốn đầu tư 40 triệu USD. Theo ông Chúc, công việc chuẩn bị để khởi công xây dựng nhà máy dệt vải Denim cũng chỉ trong một thời gian ngắn nữa, vì cũng gần xong về thủ tục, mặt bằng...

Ông Chúc cũng cho biết thêm, quá trình sang Hàn Quốc, nhóm lãnh đạo Vinatex và Thiên Nam đang tiếp xúc với một số nhà đầu tư khác của Hàn Quốc để đàm phán các dự án mà họ muốn đầu tư vào Việt Nam trong lĩnh vực bất động sản, xây dựng cao ốc thương mại và dịch vụ... “Người Hàn Quốc đang muốn đến Việt Nam làm ăn vì cộng đồng người Hàn Quốc tại Việt Nam khá đông nên đã có nhiều cơ sở dịch vụ phục vụ cuộc sống tốt; lối sống và văn hóa hai dân tộc lại có nét tương đồng, dễ hòa đồng.

Thêm vào đó, người Hàn Quốc chịu khó sống xa nhà vì công việc nên họ có khuynh hướng chuyển các nhà máy sang Việt Nam cùng với gia đình để yên tâm làm ăn lâu dài”. Ông Trần Đăng Chúc nhận xét như vậy. Do giá lao động tại Hàn Quốc ngày một cao dẫn đến xu hướng chuyển dịch các ngành sử dụng nhiều lao động sang các nước lân cận, trong đó các công ty của Hàn Quốc đặc biệt chú ý tới Việt Nam.

Trong mấy năm gần đây, các doanh nghiệp Hàn Quốc vào Việt Nam làm ăn tăng đáng kể, cả về vốn và dự án. Năm 2005, Hàn Quốc đứng thứ ba (với 592,3 triệu USD) trong tổng số các nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Năm 2006, xếp hạng trong tổng số vốn thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam, Hàn Quốc đứng thứ hai. 6 tháng đầu năm nay, các doanh nghiệp Hàn Quốc đã đầu tư 166 dự án, với 733 triệu USD. Tính chung đến nay, Hàn Quốc đã có 1.458 dự án với tổng vốn đăng ký lên đến 9,3 tỷ USD, dẫn đầu trong 78 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam.

Hơn nữa, điều đáng mừng là trong số hơn 170 doanh nghiệp lần này tham gia kỳ họp lần thứ 9 của Ủy ban Hợp tác kinh tế Việt Nam-Hàn Quốc, có thể thấy tên tuổi của những tập đoàn hàng đầu Hàn Quốc trong các lĩnh vực công nghệ cao như bưu chính viễn thông, dịch vụ, bất động sản, công nghệ thông tin, năng lượng, thương mại, tài chính...

Như vậy, xu hướng đầu tư từ các doanh nghiệp Hàn Quốc đã có sự chuyển dịch từ các ngành dệt may, da giày sang các ngành công nghiệp công nghệ cao. Nhiều ý kiến của các doanh nghiệp Hàn Quốc đóng góp, thông tin thu hút đầu tư cần được đưa ra minh bạch và rõ ràng, đã được các cơ quan Chính phủ ghi nhận cũng như cam kết sẽ tạo điều kiện tốt nhất khi các nhà đầu tư Hàn Quốc vào Việt Nam làm ăn. Vấn đề còn lại nữa là Việt Nam cần chuẩn bị tốt cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực cao để tiếp nhận hiệu quả làn sóng đầu tư mới đến từ Hàn Quốc. 

VĂN MINH HOA

Tin cùng chuyên mục