Tăng trưởng không phải là tất cả

Trong một cuộc họp mới đây của các doanh nghiệp ngành dệt may, nhiều doanh nghiệp cho biết sắp tới để xuất khẩu hàng hóa không dễ dàng. Khi Việt Nam gia nhập WTO, chấp nhận một cuộc chơi lớn, thì hàng hóa xuất khẩu của các doanh nghiệp, nhất là ngành dệt may đang đối mặt với nhiều thách thức. Trong đó, yếu tố trách nhiệm xã hội có vai trò rất lớn. Yếu tố xã hội không chỉ là sản xuất không gây ô nhiễm môi trường mà còn là chính sách đối với người công nhân, như chăm lo đến điều kiện sản xuất tốt nhất cho công nhân, chính sách lương thưởng, thái độ đối với sản phẩm làm ra…

 Do vậy, để thực hiện các cam kết này, các doanh nghiệp phải tập trung đầu tư cải thiện môi trường làm việc, nâng cấp thiết bị và đầu tư hệ thống xử lý môi trường để giảm thiểu ô nhiễm. Nhiều doanh nghiệp trước đây chỉ nghĩ, ngành nhuộm và hoàn tất mới gây ô nhiễm môi trường và cần đầu tư hệ thống xử lý môi trường. Thế nhưng, điều kiện hội nhập kinh tế thế giới không chỉ có vậy, ngành may đang gây ô nhiễm môi trường mà các doanh nghiệp cần xử lý.

Đơn giản như là việc tập trung nhiều lao động trên một diện tích hẹp nên mật độ người sinh hoạt cao, phải có hệ thống xử lý cả nước thải sinh hoạt, chứ không đơn thuần là nước thải công nghiệp như thường hiểu trước đây. Vì vậy, các doanh nghiệp phải đầu tư hệ thống xử lý nước thải này. Tương tự nhiều ngành khác, các điều kiện cũng ngày một khắt khe.

 Nhiều doanh nghiệp cho biết, như thế thì chi phí sẽ tăng cao dẫn đến tăng giá thành, doanh nghiệp khó cạnh tranh. Thế nhưng không thực hiện đúng các điều kiện đặt ra, nhà nhập khẩu nước ngoài có thể từ chối hàng hóa đến từ các doanh nghiệp này của Việt Nam.

Trong áp lực doanh nghiệp đang tìm mọi cách tối đa hóa lợi nhuận thì đây quả là một bài toán khó. Thế nhưng, nhiều ý kiến cho rằng, đã chấp nhận cuộc chơi, các doanh nghiệp cần phải nghiêm túc thực hiện các biện pháp để đáp ứng theo yêu cầu, như cam kết đã đưa ra. Quá trình này, về lâu dài thì chỉ có lợi, góp phần xây dựng thương hiệu doanh nghiệp có uy tín trên toàn cầu. Đồng thời, với thái độ trách nhiệm xã hội nghiêm túc, doanh nghiệp sẽ tạo cho nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững. Cuộc chơi sẽ không còn ý nghĩa khi kinh tế có thể phát triển nhưng môi trường sống ô nhiễm nghiêm trọng, chất lượng sống của người dân xuống cấp, mà sau này không có giá nào trả được. Vì vậy, khởi đầu của cuộc chơi hội nhập, yêu cầu thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp có thể khó khăn ban đầu, nhưng về lâu dài sẽ mang lại nhiều lợi ích cho cả doanh nghiệp và đất nước. Đó là điều mà doanh nghiệp cần cân nhắc và thực hiện ngay.

VĂN THIÊN LỘC

Tin cùng chuyên mục