Câu chuyện chủ nhật

Tích tiểu thành đại

Cách đây hơn 10 năm, vào khoảng cuối năm 2007, đầu năm 2008, một cơ trưởng lái máy bay Airbus 320 của Vietnam Airlines kể rằng ông ngạc nhiên thật sự khi nhìn thấy những tấm biển quảng cáo phim “Dòng máu anh hùng” của Việt Nam xuất hiện tại sân bay quốc tế Bắc Kinh. Điều ông bất ngờ xen lẫn tò mò là không biết làm sao phim Việt nổi tiếng “buồn như chấy cắn, toàn thoại, thoại lê thê, vô nghĩa” lại có thể chiếu được và chiếu tốt tại các rạp chiếu phim Trung Quốc. Chỉ có thể thẽ thọt đáp lời ông rằng cuộc đời không gì là không thể nếu ta có đam mê, quyết tâm theo đuổi đam mê. Bộ phim này có lẽ là bộ phim hành động, võ thuật đầu tiên của Việt Nam được giới thiệu như một sản phẩm phim ảnh thời mở cửa, có đầy đủ yếu tố cấu thành của một nền công nghiệp phim ảnh, từ ý tưởng sáng tạo, cơ sở hạ tầng đến công nghệ sản xuất.

Rất tiếc là tại Việt Nam, “Dòng máu anh hùng” đã không thu được kết quả khả quan, chỉ thu được phân nửa số tiền đầu tư quảng cáo 20 tỷ đồng. Điều đó cũng xảy ra với hàng loạt phim tiếp theo của dòng phim hành động made in Việt Nam, như: “Bẫy rồng” - đầu tư gần 20 tỷ đồng, thu về 12 tỷ đồng; “Huyền thoại bất tử” với 12 tỷ đồng đầu tư, được chiếu vào dịp Tết và đoạt vô số giải thưởng của điện ảnh nước nhà, thế nhưng thật đáng buồn là phim lỗ nặng trên sân nhà, tới mức một khán giả đến mua vé xem phim phải ngậm ngùi đi về vì phòng chiếu… chưa đủ 4 người nên rạp trả lại tiền vé.

Người nản lòng thì chuyển qua làm các phim dễ dãi, kinh phí thấp như tấu hài, tình cảm, yêu đương tay hai, tay ba… vì “làm phim hành động cầm chắc lỗ nặng”, song người đó không phải là Ngô Thanh Vân. Từ khi tỏa sáng trong “Dòng máu anh hùng” với biệt danh “đả nữ”, cô gái quê gốc Trà Vinh đã kiên định theo đuổi con đường đã chọn, làm đủ vai trò, từ diễn viên, đạo diễn, nhà sản xuất đến cả phục dịch hậu cần và đã phần nào thành công trong các sản phẩm như: “Tấm Cám: chuyện chưa kể”, “Cô Ba Sài Gòn”…, để rồi trở thành một minh tinh Việt được thế giới chú ý. Cô được mời đóng vai nhỏ phản diện trong “Ngọa hổ tàng long - 2” và đỉnh điểm là phim bom tấn “ Star wars: The last Jedi” của Hollywood, tuy chỉ xuất hiện 30 giây rồi… chết, song đó cũng đã là vinh dự cho một diễn viên của một nền điện ảnh gần như không có tên trên bản đồ thế giới, ngoại trừ một số phim về chiến tranh cách nay đã hơn nửa thế kỷ.

Cuối cùng, sau hơn 10 năm theo đuổi, Ngô Thanh Vân đã có thể mỉm cười với bộ phim mới nhất là “Hai Phượng”, thắng lớn cả về doanh thu (trong tốp 3 phim Việt mọi thời kỳ) và sự lan tỏa trên thế giới. Cần nhớ rằng khi phim trình chiếu đồng thời tại Mỹ và Việt Nam, các nhà phê bình điện ảnh Mỹ vốn rất khắt khe đã chấm điểm “Hai Phượng” khá cao và cho rằng có thể mời các đạo diễn Việt Nam tham gia các dự án phim hành động tại kinh đô điện ảnh Hollywood, ngang hàng với các nhà làm phim cự phách của thế giới. Về sau này mới biết rằng, ra mắt đồng thời với “Hai Phượng” tại Mỹ còn có một bộ phim Nga là phim “T-34” (tăng T-34 nổi tiếng của Nga trong Chiến tranh thế giới thứ II) và dù được quảng bá “cấp nhà nước” với chi phí vài triệu đô, thì “T-34” cũng chỉ có doanh thu cao hơn vài lần so với phim của Ngô Thanh Vân.

Từ một bộ phim rất nhỏ như vậy, các nhà hoạch định chính sách phim ảnh của chúng ta có nhiều điều cần suy ngẫm nghiêm túc, rút ra các bài học trong quản lý nhà nước ở hiện tại và tương lai, và đầu tiên là hãy hành động, bớt đi những lời nói đao to búa lớn, nói điều ai cũng biết về “phương hướng phát triển đến năm 2030 và xa hơn nữa”, tuy cái đó cũng cần… để làm đẹp báo cáo. 

Không phải ngẫu nhiên, trong một buổi làm việc mới đây với Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đã chỉ đạo cụ thể “những việc cần làm ngay” để hình thành một nền công nghiệp văn hóa thực chất, một ngành trụ cột trong phát triển kinh tế thành phố, vì theo ông ngành này tại Hồng Công đóng góp tới 80% GDP và lẽ nào ta không làm được dù chỉ một phần nhỏ nhoi. Nhìn rộng ra, đối với các ngành thuộc lãnh vực văn hóa, chúng ta đã thực hiện bước đầu về hạch toán thu chi để sử dụng hiệu quả vốn đầu tư (tổng chi cho hoạt động văn hóa chiếm 1,8% tổng chi ngân sách nhà nước mỗi năm), tuy nhiên hiệu quả hạch toán không cao. Đơn cử như ta có 129 đơn vị biểu diễn nghệ thuật, trong đó có 12 đơn vị trực tiếp thuộc Bộ VH-TT-DL, thì mỗi năm đầu tư trung bình 100 tỷ đồng, nhưng chỉ chừng 10 tỷ đồng là đầu tư trực tiếp cho vở diễn, số còn lại đi vào “phần phụ” là chi phí bảo trì cơ sở làm việc, tiền lương bổng, chính sách… Và tựu trung, bức tranh toàn cảnh là yếu, thiếu, kém hiệu quả.
Phim “Hai Phượng” chiếu ở Mỹ kiếm được nửa triệu đô, chỉ là “muỗi” so với khoản thu mỗi năm chừng 6 tỉ đô chỉ riêng xuất khẩu của ngành công nghiệp giải trí Hàn Quốc, song đó cũng là quá mừng. Như ta hay nói là có còn hơn không, cứ đi từng bước nhỏ, tích tiểu thành đại và cũng cần có giấc mơ lớn hơn ở tầm khu vực và thế giới để có một ngày… Tất nhiên, để làm được thì phải cần triển khai ngay các dự án “trùm mền” quá lâu như dự án Nhà hát giao hưởng - nhạc vũ kịch Thủ Thiêm, Trung tâm biểu diễn ở Quận 9, Phú Thọ…, rồi công tác đào tạo nguồn nhân lực tối cần thiết, song có một điều nhỏ, rất nhỏ cần làm ngay là các cấp lãnh đạo, quản lý nhà nước trên lãnh vực văn hóa cứ mua vé xem một vở diễn hay một bộ phim nội mà không chờ…có giấy mời. Đi xem mới thấy tại sao “Hai Phượng” lại tạo kỷ lục phòng vé, xem để biết…tích tiểu thành đại của sản phẩm phim ảnh không dễ chút nào.

Tin cùng chuyên mục