Tiềm năng di sản tư liệu

Sáng 11-8, tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia 2 (TPHCM) đã diễn ra cuộc hội thảo với chủ đề “Tài liệu phông phủ Thống đốc Nam kỳ - Tiềm năng di sản tư liệu”. Đã có 35 tham luận của các nhà nghiên cứu, cán bộ quản lý, chuyên viên lưu trữ… được trình bày góp phần đánh giá về giá trị của tài liệu, đồng thời hoàn thiện cơ sở khoa học nhằm đề cử phông tư liệu vào danh mục Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới của UNESCO.

Tài liệu phủ Thống đốc Nam kỳ (1858 - 1945)

Sáng 11-8, tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia 2 (TPHCM) đã diễn ra cuộc hội thảo với chủ đề “Tài liệu phông phủ Thống đốc Nam kỳ - Tiềm năng di sản tư liệu”. Đã có 35 tham luận của các nhà nghiên cứu, cán bộ quản lý, chuyên viên lưu trữ… được trình bày góp phần đánh giá về giá trị của tài liệu, đồng thời hoàn thiện cơ sở khoa học nhằm đề cử phông tư liệu vào danh mục Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới của UNESCO.

Những đóng góp từ tài liệu lưu trữ

TS Trần Thị Nhung thuộc Viện Hàn lâm KHXH tại TPHCM nhớ lại, khi nghiên cứu về lịch sử Đường số 9 từ Quảng Trị sang Savanakhet (Lào), chị gặp vấn đề về tư liệu do con đường này được xây từ đầu thế kỷ 20. Thế nhưng, tại kho lưu trữ, khi tiếp xúc với Tài liệu phông phủ Thống đốc Nam kỳ, chị bất ngờ phát hiện khá nhiều tư liệu về con đường, đặc biệt trong đó thậm chí có cả bản vẽ chi tiết, tường trình các loại vật liệu xây dựng, giá cả, báo cáo quá trình thực hiện… của đồn Lao Bảo, một đồn nhỏ trên đường. Tư liệu này đã góp phần không nhỏ cho công trình nghiên cứu làm rõ những vấn đề lịch sử xung quanh con đường này. Trong một công trình khác, khi nghiên cứu về quãng thời gian nhà cách mạng Trần Văn Giàu bị giam giữ tại nhà tù Tà Lài (1940 - 1941), do hồi ký của GS Trần Văn Giàu chỉ nhắc sơ sài đến nhà tù này theo góc độ một tù nhân nên tác giả phải đi tìm tài liệu chi tiết về nơi đây. Và tại phông phủ Thống đốc Nam kỳ, nhà nghiên cứu đã tìm thấy một loạt tài liệu liên quan như báo cáo số lượng tù nhân, kinh phí hoạt động, văn bản thành lập, giải thể, chuyển tù… Từ đó góp phần làm sáng tỏ về một giai đoạn còn ít được biết đến của GS Trần Văn Giàu.

PGS-TS Tạ Thị Thúy thuộc Viện Sử học nêu ra một trường hợp, trước đây khi nhắc đến cuộc cải cách lớn ở Việt Nam thời kỳ 1930 - 1935 người ta thường chỉ nhắc tới vai trò của vua Bảo Đại, do tài liệu khi đó chỉ cho phép nhìn nhận như thế. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu của PGS-TS Tạ Thị Thúy khi tiếp cận với phông phủ Thống đốc Nam kỳ đã tìm thấy một tài liệu dày 47 trang về chương trình cải cách do Toàn quyền Pierre Pasquier đề xướng vào đầu năm 1931. Tới năm 1932, vua Bảo Đại mới về nước và điều này chứng minh rằng cuộc cải cách thuần túy là do người Pháp xây dựng và Bảo Đại chỉ là người thi hành.

Các nhà nghiên cứu khác cũng đã chỉ ra một giá trị lớn của phông phủ Thống đốc Nam kỳ, đó là việc góp phần làm sáng tỏ các sự kiện, mốc thời gian của Nam kỳ khởi nghĩa. Tại phông phủ Thống đốc Nam kỳ, có rất nhiều báo cáo, công văn, văn bản của các địa phương, các cơ quan thuộc chính quyền Nam kỳ khi đó ghi nhận, trao đổi, xử lý về các hoạt động của cuộc khởi nghĩa Nam kỳ.

Chỉ có ở Việt Nam

Bà Ngô Thị Hiểu, cán bộ Trung tâm Lưu trữ quốc gia 2 cho biết, tuy hiện nay trung tâm lưu giữ rất nhiều phông tài liệu thời Pháp nhưng phông phủ Thống đốc Nam kỳ có thể xem là phông đầy đủ và toàn vẹn nhất. Đây đồng thời cũng là phông tài liệu lớn nhất và quan trọng nhất trong số 26 phông tài liệu thời kỳ Pháp thuộc do trung tâm bảo quản. Ngoài ra, đây cũng là phông duy nhất trong số các tài liệu thời Pháp mà chỉ có ở Việt Nam, không có ở các quốc gia khác.

Phông phủ Thống đốc Nam kỳ là khối tài liệu hành chính gốc, sản sinh trong suốt quá trình hoạt động của bộ máy chính quyền thuộc địa của Pháp tại Nam kỳ từ năm 1858 cho đến 1945, kéo dài 87 năm. Phông gần như hoàn toàn bằng tiếng Pháp, được bảo quản tương đối hoàn chỉnh về mặt tư liệu với khoảng 2.435,5m kệ tài liệu với hơn 73.000 hồ sơ bao gồm tài liệu giấy, ảnh, bản đồ… Những năm trước đây, vì nhiều lý do, phông phủ Thống đốc Nam kỳ bị pha tạp cùng nhiều tài liệu lịch sử khác hay bị phân tán rải rác ở nhiều bộ tài liệu trong kho lưu trữ. Hiện nay, đã có khoảng 570m tài liệu với 13.000 hồ sơ được chỉnh lý, số còn lại đang trong quá trình tiếp tục thực hiện.

Nội dung của phông phủ Thống đốc Nam kỳ rất đa dạng, không chỉ là các tài liệu chính trị mà còn bao gồm an ninh, quân sự, ngoại giao, kinh tế, văn hóa, tôn giáo, y tế, xã hội… Tất cả thể hiện rõ chính sách cai trị và khai thác thuộc địa của Pháp ở Nam kỳ nói riêng và Đông Dương nói chung. Đồng thời từ khối tài liệu này, còn phản ánh cả tinh thần đấu tranh anh dũng và kiên cường của nhân dân ta khi đó.

Với một khối lượng đồ sộ về nội dung, với một tầm bao quát rộng lớn về một thời kỳ lịch sử quan trọng của đất nước, phông phủ Thống đốc Nam kỳ là một nguồn tài liệu không thể thiếu được với các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước. Cùng với việc hoàn tất các hoạt động chỉnh lý tài liệu, sắp tới đây phông phủ Thống đốc Nam kỳ sẽ còn được tiến hành số hóa nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các nhà nghiên cứu tiếp cận bộ tài liệu quý này.

TƯỜNG VY

Tin cùng chuyên mục