Tiềm năng năng lượng sạch Cần Giờ

Theo số liệu của Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam, lượng bức xạ dồi dào, trung bình khoảng 1.581kWh/m²/năm, cao nhất là 6,3kWh/m²/ngày vào tháng 2 và thấp nhất là 3,3kWh/m²/ngày vào tháng 7. Số giờ nắng trung bình trong tháng dao động từ 100 - 300 giờ. Đây là điều kiện vô cùng lý tưởng để phát triển quang điện. 
Với địa hình tiếp giáp biển, huyện Cần Giờ có nhiều tiềm năng về năng lượng tái tạo Ảnh: Khánh Lê
Với địa hình tiếp giáp biển, huyện Cần Giờ có nhiều tiềm năng về năng lượng tái tạo Ảnh: Khánh Lê
Khi Bộ Công thương lên kế hoạch đặt một trung tâm nhiệt điện ở Long An đã khiến dư luận không khỏi lo lắng về những tác động môi trường khủng khiếp có thể xảy ra. Tuy nhiên, ngay bên cạnh lò nhiệt điện tương lai lại là “lá phổi” của TPHCM - Cần Giờ, nơi đang được nhiều chuyên gia và nhà đầu tư quan tâm vì những tiềm năng to lớn để sản xuất năng lượng sạch và bền vững…

Dùng điện tại chỗ thay điện truyền tải


Theo quy hoạch phát triển điện lực TPHCM giai đoạn 2015-2020, tầm nhìn đến năm 2025 thì nhu cầu điện thương phẩm vào năm 2020 khoảng 42,5 tỷ kWh/năm và năm 2025 khoảng 52,5 tỷ kWh/năm. Còn theo quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội TPHCM đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025, tỷ lệ điện từ năng lượng mới, năng lượng tái tạo khoảng 2% - 3%.

Theo các chuyên gia về năng lượng, nhu cầu sử điện năng ở nước ta ngày càng cao, trong khi nhiên liệu hóa thạch ngày càng cạn kiệt và Việt Nam đã bắt đầu nhập khẩu than đá. Thêm vào đó, điện năng ở TPHCM vẫn chủ yếu truyền tải từ các nhà máy điện phía Bắc vào nên hao hụt lớn, trong khi thành phố có thể tự chủ phần lớn nguồn điện nếu khai thác được tiềm năng dồi dào của mình và Cần Giờ là một trong những tiềm năng đó. Với địa hình tiếp giáp 20km bờ biển chạy dài theo hướng Tây Nam - Đông Bắc, có cửa sông của các con sông lớn như Lòng Tàu, Cái Mép, Gò Gia, Thị Vải, Soài Rạp, Đồng Tranh…,  vùng đất này “quy tụ” khá nhiều nguồn năng lượng từ mặt trời, sóng, gió, thủy triều...

Nhiệt độ ở Cần Giờ tương đối cao và ổn định, trung bình khoảng 25°c -  29°c. Theo số liệu của Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam, lượng bức xạ dồi dào, trung bình khoảng 1.581kWh/m²/năm, cao nhất là 6,3kWh/m²/ngày vào tháng 2 và thấp nhất là 3,3kWh/m²/ngày vào tháng 7. Số giờ nắng trung bình trong tháng dao động từ 100 - 300 giờ. Đây là điều kiện vô cùng lý tưởng để phát triển quang điện. Tuy nhiên, quang điện tại Cần Giờ mới chỉ được khai thác và sử dụng ở Ban quản lý Rừng phòng hộ Cần Giờ và ấp đảo Thiềng Liềng do điều kiện địa lý nơi đây khó khăn, lưới điện quốc gia chưa thể phủ tới. 

Tiềm năng năng lượng của Cần Giờ được nhiều nhà đầu tư “nhắm nhe” chính là phong điện. Với tốc độ gió trung bình đạt 6,5 - 7m/giây (từ độ cao 30m trở lên), TPHCM hoàn toàn có thể đầu tư các nhà máy phong điện tại huyện Cần Giờ. Trên thực tế đã có rất nhiều doanh nghiệp tiến hành khảo sát và xin chủ trương đầu tư dự án từ UBND TPHCM. Năm 2011, một số nhà khoa học Liên bang Nga đề xuất thí điểm triển khai mô hình năng lượng gió theo công nghệ mới tại vùng ven biển Cần Giờ với tên gọi YnS-V. Năm 2012, một doanh nghiệp khác cũng dự kiến đầu tư dự án năng lượng gió công suất 200MW tại Cần Giờ… Thế nhưng cho đến nay, ước mơ cũng chỉ là mơ ước vì nhiều nguyên nhân liên quan đến chính sách, thủ tục. Nhưng quan ngại được nhiều nhà đầu tư bộc bạch nhất chính là giá điện năng tái tạo quá rẻ khiến họ còn do dự bỏ vốn vào lĩnh vực này. Theo quy hoạch phát triển điện lực TPHCM, các vùng ven biển Cần Giờ như xã đảo Thạnh An, thị trấn Cần Thạnh, xã Lý Nhơn… là những nơi có điều kiện thuận lợi phát triển phong điện. Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM tính toán, nếu lắp đặt các turbine loại công suất 1,5 MW, thì hàng năm có thể phát ra lượng điện khoảng 3,5 triệu kWh. Cần Giờ có 3 vị trí có thể lắp đặt 8-10 turbine gió công suất 1,5 MW, đó là các vị trí dọc bờ biển xã Thạnh An, thị trấn Cần Thạnh và khu vực đuôi Sam tại xã Lý Nhơn.

Hoàn thiện chính sách để đánh thức” tiềm năng

Ông Nguyễn Ngọc Anh, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết ngoài gió và mặt trời, tại Cần Giờ còn có thể khai thác nhiều nguồn năng lượng khác từ biển như thủy triều, sóng, dòng hải lưu... Biên độ triều ở đây dao động từ 2,5-4m. Trước đây, nguồn điện từ thủy triều chỉ khai thác ở vùng biển có biên độ triều từ 6-7m, nhưng hiện nay công nghệ - kỹ thuật hiện đại đã cho phép khai thác điện thủy triều có biên độ 2-3m. Bên cạnh đó, vùng biển Cần Giờ có đặc tính giống ĐBSCL là lượng gió rất tốt, đặc biệt vào mùa gió chướng thì ban đêm gió to, độ cao sóng trung bình từ 1-2 m, độ cao này duy trì 2/3 thời gian trong năm. Vì vậy, có thể lợi dụng sóng biển để phát điện. Ngoài ra, dòng hải lưu mạnh ở ven biển Cần Giờ cũng có thể tận dụng phát điện. 

Theo ông Ngọc Anh, một trở ngại khác khiến các nhà đầu tư chưa dám đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo ở Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng chính là hệ thống truyền tải điện. “Theo quy định hiện hành, các chủ đầu tư phải đầu tư hệ thống truyền tải từ nhà máy đến lưới điện và điều chỉnh biến áp. Nhưng chi phí đầu tư đó quá lớn, nhiều nhà đầu tư có kỹ thuật nhưng không mạnh về vốn nên không thể kham nổi. Trong khi giá điện quá thấp và “thế thượng phong” trong quá trình ký kết hợp đồng mua bán điện hoàn toàn nằm trong tay Tổng công ty Điện lực Việt Nam nên việc đàm phán cũng rất khó khăn. Do vậy, nhà nước cần đầu tư dài hơi vào hệ thống truyền tải”, ông Ngọc Anh nói.

Dù có nhiều khó khăn nhưng ông Ngọc Anh vẫn khẳng định trong tương lai gần, Việt Nam cũng như TPHCM bắt buộc phải sử dụng điện từ năng lượng tái tạo bên cạnh điện từ nhiên liệu hóa thạch. “Hơn 10 năm trước, nói đến năng lượng sạch nhiều người vẫn nghĩ đó như điều viển vông, nhưng hiện nay xu hướng hạn chế dần khai thác năng lượng sạch từ nhiên liệu hóa thạch để chuyển sang các loại năng lượng như gió, sóng, thủy triều… đang dần phổ biến trên thế giới và Việt Nam cũng đã bắt đầu có một số “cánh đồng” gió. Chúng ta đã cam kết cùng thế giới giảm phát thải, vì thế cần nghiêm túc thực hiện cam kết ở nhiều lĩnh vực khác nhau; trong đó, lĩnh vực năng lượng là cần kíp nhất…”, ông Ngọc Anh nói .

Tin cùng chuyên mục