Tiến đến tự chủ đại học: Yếu tố tiên quyết, lập hội đồng trường

Thứ trưởng Bùi Văn Ga khẳng định, nếu không thực hiện tự chủ thực sự sẽ kìm hãm sự phát triển, đó là lý do phải sửa đổi Luật GDĐH.
Tự chủ là thuộc tính của GDĐH. Nghị quyết 14/2005 của Chính phủ đã chỉ rõ việc trao quyền tự chủ cho các cơ sở GDĐH phải gắn liền với sự hình thành hội đồng trường và xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản.
Chính phủ dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Giáo dục đại học (GDĐH) vào năm 2018. Hiệp hội Các trường ĐH-CĐ Việt Nam cũng như nhiều trường ĐH cũng đã lên tiếng góp ý để sửa đổi luật này, trong đó nhấn mạnh đến việc phải thực hiện tự chủ ĐH một cách thực sự.
Phải là hội đồng quyền lực 
Theo TS Lê Viết Khuyến, Hiệp hội Các trường ĐH-CĐ Việt Nam, tự chủ là thuộc tính của GDĐH. Nghị quyết 14/2005 của Chính phủ đã chỉ rõ việc trao quyền tự chủ cho các cơ sở GDĐH phải gắn liền với sự hình thành hội đồng trường và xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản.
Tuy nhiên, đến nay việc xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản gần như chưa triển khai được, khiến hội đồng trường cho dù có cũng không thể phát huy được vai trò của mình và điều đó tất nhiên kéo theo việc không thể trao quyền tự chủ thực sự cho các cơ sở GDĐH. 
Tiến đến tự chủ đại học: Yếu tố tiên quyết, lập hội đồng trường ảnh 1 Sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội trong ngày lễ tốt nghiệp
Quan niệm về hội đồng trường chưa rõ ràng, chính xác, nên đến nay nhiều trường vẫn chưa thành lập hội đồng trường.
Theo TS Lê Viết Khuyến, Luật GDĐH hiện hành không chỉ rõ hội đồng trường có thành phần chủ yếu là thành viên trong trường (đại diện cho quyền làm chủ của tập thể nhà trường) hay các thành viên ngoài trường (đại diện cho quyền làm chủ của cộng đồng xã hội); hội đồng quản trị của các trường tư có thành phần chủ yếu là các cổ đông (đại diện cho quyền lợi của các nhà đầu tư), hay có thành phần rộng rãi hơn nhiều để đại diện cho cả xã hội; hiệu trưởng có được đồng thời là chủ tịch hội đồng trường hay không...
Tất cả những điều đó có ảnh hưởng lớn đến vai trò của hội đồng trường với tư cách là tổ chức quyền lực cao nhất trong trường, khiến hội đồng trường hiện nay vẫn chưa thực hiện đúng chức năng của mình. 
Nhiều ý kiến cho rằng, hội đồng trường hiện nay mới chỉ là hội đồng tư vấn chứ không phải là hội đồng quyền lực. Muốn tự chủ ĐH thì hội đồng trường phải có quyền giám sát hoạt động ban lãnh đạo nhà trường, phải được ra những quyết định quan trọng. Đó là lý do mà Hiệp hội Các trường ĐH-CĐ Việt Nam đề xuất hội đồng trường được quyền lựa chọn hoặc phế truất hiệu trưởng.
Giáo sư Trần Hữu Nghị, Hiệu trưởng ĐH dân lập Hải Phòng, đề nghị hội đồng trường ở các trường công lập cần phải do cán bộ giảng viên nhà trường bầu theo phổ thông đầu phiếu, có quyền hạn cao nhất. Muốn thế luật cần làm rõ vai trò, quyền hạn của hội đồng trường trong mối tương quan với cơ quan chủ quản, với đảng ủy nhà trường. 
Trao quyền tự chủ toàn diện 
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, khi Luật GDĐH 2012 ra đời và nhấn mạnh đến thuộc tính tự chủ ĐH, ai cũng có niềm tin các trường ĐH sẽ được trao quyền tự chủ rất lớn. Tuy nhiên, những ràng buộc với những quy định cụ thể của Bộ GD-ĐT thậm chí làm cho các trường gần như mất hết tự chủ.
“Quá nhiều quy định phải xin phép - cho phép, trong khi lẽ ra với cơ chế tự thủ thực sự thì các trường chỉ đăng ký, còn các cơ quan quản lý nhà nước ra quyết định công nhận”, ông Lê Viết Khuyến nêu quan điểm.
Cơ chế trao quyền tự chủ cho các cơ sở GDĐH vì thế được đánh giá là không rõ. Trao quyền tự chủ phải dựa trên kết quả giám sát, kiểm định của cộng đồng xã hội, không thể chỉ dựa vào ý kiến chủ quan của những người quản lý.
Trong dự thảo sửa đổi Luật GDĐH phải quy định quyền tự chủ cụ thể cho từng loại trường, cũng như các chế tài cần thiết tương ứng, để tránh tình trạng “xin - cho” đang phổ biến hiện nay trong quản lý GDĐH.
Theo GS Trần Hữu Nghị, tự chủ là trách nhiệm, là thuộc tính không thể tách rời của một cơ sở GDĐH. Nhà nước không thể cứ mãi “nuôi nấng”, bao bọc và chịu trách nhiệm hết cho các trường. Làm như vậy thì các trường ĐH mãi không thể lớn lên để hội nhập với GDĐH thế giới.
GS Nguyễn Trọng Hoài, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TPHCM, cũng cho rằng nên tạo ra cơ chế tự chủ toàn diện và nâng cao tính giải trình của các trường, để các trường tự chủ hơn trong việc nâng chất lượng  GDĐH. 
Thứ trưởng Bùi Văn Ga khẳng định, nếu không thực hiện tự chủ thực sự sẽ kìm hãm sự phát triển, đó là lý do phải sửa đổi Luật GDĐH. Nhưng hội đồng trường đang là vấn đề khó nhất đối với thực hiện tự chủ đại học. Giao tự chủ là giao cho tập thể hội đồng trường chứ không phải giao cho cá nhân hiệu trưởng. Hiệu trưởng chỉ là người chấp hành nghị quyết của hội đồng trường. Sửa luật lần này phải làm rõ được điều đó.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga khẳng định, tự chủ ĐH thì phải có hội đồng trường. Khi hội đồng trường chưa có uy tín thì giao quyền tự chủ sẽ bị vướng. “Giống như máy bay, muốn tự động bay mà không có hệ thống tự động kiểm soát thì không bay được và nguy hiểm”, ông Ga ví von. 
Đến nay, cả nước có 23 trường ĐH tự chủ. Tuy nhiên, việc thực hiện tự chủ này cũng có nhiều vướng mắc, nhất là vấn đề hội đồng trường. Tự chủ cao nhất là trường ĐH không còn cơ quan chủ quản, mà hội đồng trường điều hành nhà trường.
Nhưng cả nước hiện nay chỉ có Trường ĐH Dệt may là thực hiện tự chủ hoàn toàn, tức là không có cơ quan chủ quản, chỉ có hội đồng trường. Tuy nhiên, vì thế mà ĐH Dệt may cũng gặp nhiều vướng mắc trong quá trình hoạt động. Trong khi đó, kinh nghiệm của ĐH Việt - Pháp là trong suốt 5 năm qua, nhà trường thực hiện cơ chế hiệu trưởng không ở trong hội đồng trường, không có quyền biểu quyết, mà hiệu trưởng chỉ có giải trình, phản biện.

Tin cùng chuyên mục