Tiền Giang chuyển giao 5 cá thể gấu tới Vườn Quốc gia Tam Đảo

Chiều 27-8, Tổ chức Động vật Châu Á thông tin, vào sáng cùng ngày, tổ chức cứu hộ đã thực hiện cứu hộ 5 cá thể gấu ngựa tại một trang trại tư nhân tại thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Theo ghi nhận của Tổ chức Động vật Châu Á, đây là chuyến cứu hộ gấu lớn nhất từ đầu năm tới nay ở Việt Nam. 

Tiền Giang chuyển giao 5 cá thể gấu tới Vườn Quốc gia Tam Đảo ảnh 1 Lực lượng chức năng cứu đưa các cá thể gấu về Vườn Quốc gia Tam Đảo 
Cả 5 cá thể gấu trên đều là gấu ngựa, được gắn chip đăng ký và chủ nuôi làm đơn tự nguyện chuyển giao về Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam.

Ngay khi tiếp nhận thông tin, Tổ chức Động vật Châu Á đã xúc tiến các thủ tục cần thiết với Cục Kiểm lâm - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tiền Giang cũng như gia đình chủ nuôi để đảm bảo quá trình cứu hộ được diễn ra sớm nhất. 

Tiền Giang chuyển giao 5 cá thể gấu tới Vườn Quốc gia Tam Đảo ảnh 2 Những cá thể gấu ở Tiền Giang được chuyển giao tới Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam 
Theo chủ nuôi, các cá thể này đã được nuôi từ những năm 1997, 1998. Trong đơn gửi Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tiền Giang, chủ gấu bày tỏ nguyện vọng “giao số lượng gấu trên về Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam thuộc Vườn Quốc gia Tam Đảo để có điều kiện chăm sóc tốt hơn”.
Lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tiền Giang cho biết: “Sau thời gian tuyên truyền vận động thì người dân đã có nhận thức đúng đắn và tự nguyện chuyển giao các cá thể gấu nuôi của mình tới Trung tâm cứu hộ. Với 5 cá thể gấu được chuyển giao lần này, hiện nay trên địa bàn tỉnh Tiền Giang chỉ còn 13 cá thể gấu đang được nuôi tại Trại rắn Đồng Tâm do Cục Hậu cần, Quân khu 9 quản lý. Như vậy, về cơ bản, ở Tiền Giang đã chấm dứt việc nuôi nhốt gấu lấy mật tại các cơ sở tư nhân”.

Để chuẩn bị tốt nhất cho công tác cứu hộ, đoàn công tác của Tổ chức Động vật Châu Á bao gồm các bác sĩ thú y, y tá và chuyên gia chăm sóc gấu giàu kinh nghiệm và chuyên môn đã có mặt tại trang trại trước 1 ngày để đưa ra các phương án cứu hộ sẵn sàng ứng phó với mọi trường hợp khó khăn nhất. Cả hai phương án dụ gấu sang lồng vận chuyển và gây mê khám sức khỏe cho gấu đều được đưa ra.

Tiền Giang chuyển giao 5 cá thể gấu tới Vườn Quốc gia Tam Đảo ảnh 3
Tiền Giang chuyển giao 5 cá thể gấu tới Vườn Quốc gia Tam Đảo ảnh 4 Lực lượng cứu hộ khám sức khỏe của gấu

Hôm nay, trước khi công tác cứu hộ thực sự được tiến hành, một lần nữa bác sĩ Mandala Hunter (quốc tịch Mỹ) và y tá Sarah Donald (quốc tịch Úc) khám lâm sàng gấu trong khoảng 30 phút và quyết định 4 cá thể có thể di chuyển bằng phương pháp dụ sang lồng và 1 cá thể gấu sẽ được gây mê, khám sức khỏe và đưa vào lồng vận chuyển.

Tiền Giang chuyển giao 5 cá thể gấu tới Vườn Quốc gia Tam Đảo ảnh 5 Gây mê cho gấu

Hành trình đưa gấu về mái nhà với các khu bán tự nhiên tại Tam Đảo phải vượt qua hơn 1.700km. Theo dự kiến, đoàn cứu hộ sẽ về đến Vườn Quốc gia Tam Đảo (Vĩnh Phúc) vào trưa 31-8.

Đây cũng là chuyến cứu hộ đầu tiên của Tổ chức Động vật Châu Á trong năm 2018. Thêm 5 cá thể gấu này, tổ chức này đã cứu hộ thành công 198 cá thể gấu ngựa và gấu chó. Hiện có 178 cá thể gấu đang được chăm sóc y tế, dinh dưỡng và sống trong các khu bán tự nhiên của Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam.

Tiền Giang chuyển giao 5 cá thể gấu tới Vườn Quốc gia Tam Đảo ảnh 6  Lần lượt đưa từng con gấu ra khỏi trại nuôi tư nhân
Theo Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam, chỉ trong vòng 2 tuần vừa qua, có 7 cá thể gấu đã được các chủ nuôi tự nguyện chuyển giao đến các trung tâm cứu hộ.

Trước đó, ngày 14-8, có 2 cá thể gấu của ông Trần Văn Trách tại thành phố Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên) đã được chuyển giao đến Cơ sở Bảo tồn Gấu Ninh Bình (do tổ chức FOUR PAWS quản lý).

Tính từ đầu năm 2018 đến nay, đã có 13 cá thể gấu tại 6 tỉnh, thành trên cả nước được tự nguyện chuyển giao đến các trung tâm cứu hộ. Trong đó, Ninh Bình và Cần Thơ đã thành công việc chấm dứt tình trạng nuôi nhốt gấu, đưa tổng số các địa phương không còn gấu nuôi nhốt lên 22 tỉnh, thành.

Thành công ở Thái Nguyên và Tiền Giang gần đây cho thấy sự phối hợp của các cơ quan chức năng địa phương, với các tổ chức phi Chính phủ về bảo vệ gấu đã góp phần đẩy nhanh tiến trình chấm dứt tình trạng nuôi nhốt gấu tại Việt Nam.

Bà Nguyễn Phương Dung, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên ENV, khẳng định: “Tình trạng nuôi nhốt gấu lấy mật có chấm dứt hay không phụ thuộc rất lớn vào cam kết và nỗ lực của lực lượng kiểm lâm và các cơ quan chức năng địa phương. Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác với các chi cục Kiểm lâm nhằm tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở nuôi nhốt gấu và vận động người dân chuyển giao gấu”.

Năm 2005, Việt Nam có hơn 4.300 cá thể gấu nuôi nhốt tại hàng trăm cơ sở trên cả nước. Tuy nhiên, thống kê mới nhất từ Cục Kiểm lâm, tính đến tháng 7-2018, sau gần 13 năm với những nỗ lực bền bỉ, số lượng gấu nuôi nhốt ngoài các trung tâm cứu hộ đã giảm xuống còn khoảng 780 cá thể. Năm 2005, Chính phủ Việt Nam đã cam kết nỗ lực chấm dứt nuôi nhốt gấu. Các tổ chức phi Chính phủ về bảo vệ gấu cũng đã và đang đồng hành hỗ trợ các ngành chức năng nỗ lực thúc đẩy việc chấm dứt tình trạng nuôi nhốt gấu lấy mật ở Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục