Tiền mất tật mang

Thông tin về dự án hiện đại hóa thông tin tín hiệu (TTTH) Vinh - Sài Gòn thuộc tuyến đường sắt Thống Nhất có vốn đầu tư 2.423 tỷ đồng với mục tiêu nâng cao an toàn đường sắt nhưng lại trở thành nguyên nhân mất an toàn khiến dư luận hết sức bất bình.
Điều đáng nói, đây chỉ là một trong số nhiều dự án đầu tư cho đường sắt đã được thực hiện một cách tắc trách, dẫn đến lãng phí và không hiệu quả.

Dự án trên do nhà thầu Cục 6 Đường sắt Trung Quốc lắp đặt, là hệ thống điện khí tập trung liên khóa rơ le 6502 (gọi tắt là thiết bị 6502). Một trong những tính năng quan trọng nhất của thiết bị này là có thể giúp thực hiện chuyển ghi, cho tàu vào đường tránh tự động, đảm bảo an toàn chạy tàu, giảm bớt phụ thuộc vào con người. Vậy mà ngay khi được đưa vào khai thác, hệ thống này đã bộc lộ quá nhiều bất cập. Đó là mâu thuẫn với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khai thác đường sắt 2015. Ví dụ, thiết bị cho phép đón 2 tàu một lúc nhưng quy chuẩn quốc gia lại nghiêm cấm điều này. Bên cạnh đó, thiết bị mới không cho phép đoàn tàu từ 14 toa trở lên tránh nhau khiến năng lực của ngành bỗng dưng bị hạn chế. Để tiếp tục khai thác, ngành đường sắt đã can thiệp vào thiết bị để nhân viên thao tác thủ công, một số ga cũng đã được đầu tư thêm đường, kéo dài đường ga, nhưng cho tới nay, hạ tầng cũ vẫn chưa thể đồng bộ với hệ thống TTTH mới, nguy cơ tai nạn do lỗi TTTH như vụ đoàn tàu suýt tông nhau ở ga Suối Vận đêm 14-7-2017 vẫn tiềm ẩn.

Đây chỉ là 1 trong 3 dự án TTTH đường sắt gặp vấn đề tương tự. Dự án khác cũng đang sử dụng công nghệ Trung Quốc với thiết bị 6502 là tuyến Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Lạng Sơn, Hà Nội - Thái Nguyên có vốn đầu tư 2.227 tỷ đồng. Riêng dự án đoạn Hà Nội - Vinh lại dùng công nghệ của hãng Alstom (Pháp) có tổng vốn 1.084 tỷ đồng. Cả 3 dự án với tổng vốn gần 7.000 tỷ đồng này đều bộc lộ ngay những bất cập khi đưa vào khai thác do không đồng bộ. Nếu muốn khắc phục những tồn tại này, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) cần phải chi thêm hàng trăm tỷ đồng để tiếp tục cập nhật, nâng cấp các hệ thống vừa được đầu tư.

Có thể kể thêm là 3 dự án mua máy móc giai đoạn 2003-2009 với tổng giá trị hơn 408 tỷ đồng đã bị các cơ quan thanh tra phanh phui có quy mô đầu tư vượt nhu cầu sử dụng, tính năng khai thác chưa phù hợp với tình hình thực tế. Hay dự án lắp đặt các tổng đài điện thoại vượt 7 lần so với nhu cầu thực tế. Mới đây, ngành đường sắt cũng đổ gần 188 tỷ đồng vào dự án đầu tư thiết bị vệ sinh trên 821 toa tàu một cách vô ích khi không thể phát huy hiệu quả. 

Điều dư luận băn khoăn là vì sao ngành đường sắt luôn than vãn được đầu tư ít, chỉ chiếm 2%-3% tổng mức đầu tư cho ngành giao thông nhưng lại nổi tiếng vì có nhiều dự án không hiệu quả đến như vậy. Rõ ràng, Tổng công ty ĐSVN đã làm ăn tắc trách, “ném tiền qua cửa sổ” trong bối cảnh lẽ ra phải chắt chiu từng đồng vốn. Các cá nhân sai phạm sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nhưng hậu quả là ngành đường sắt phải chịu cảnh “tiền mất tật mang”, tiếp tục “giật gấu vá vai” trong thời gian dài và tụt hậu trong cuộc cạnh tranh trên thị trường.

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Ngọc Đông cho biết những dự án đầu tư không hiệu quả của ngành đường sắt, trong đó có dự án TTTH đường sắt, đã diễn ra trong một thời gian dài. Đây là hậu quả của việc phân cấp quản lý chưa rõ ràng. Trong nhiều năm liền, Tổng công ty ĐSVN được giao làm chủ đầu tư hầu hết các dự án đường sắt, cả đầu tư mới lẫn duy tu bảo dưỡng, trong khi lẽ ra doanh nghiệp này chỉ được sử dụng hạ tầng nhà nước để kinh doanh. Bộ chủ quản chỉ duyệt dự án, chủ đầu tư thực hiện nên không kiểm soát được hết các vấn đề trong quá trình đầu tư. Để khắc phục vấn đề này, gần đây, Bộ GTVT đã chuyển đầu tư về ban quản lý dự án đường sắt trực thuộc bộ. Lãnh đạo bộ cũng cho biết đã nhận được báo cáo đề xuất của Tổng công ty ĐSVN về xử lý những bất cập của các dự án TTTH, tuy nhiên, bộ chưa thể bố trí được vốn do nguồn vốn đầu tư rất hạn hẹp. Bộ GTVT sẽ làm việc với Tổng công ty ĐSVN để tìm phương án xử lý trong thời gian tới.

Tin cùng chuyên mục