Tiên phong, dẫn đầu

Chỉ trong 3 tháng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có 2 cuộc làm việc với TPHCM, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ đối với sự phát triển của thành phố có gần 10 triệu dân. Cuộc làm việc ngày 12-1-2019 tập trung vào kết quả thực hiện các cơ chế đặc thù đối với thành phố, còn cuộc làm việc ngày 12-4 vừa qua, về tình hình kinh tế - xã hội và cơ chế đặc thù để xây dựng quy trình thí điểm rút ngắn thời gian thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn.

Với những điều kiện thuận lợi và tập trung trong công tác chỉ đạo, điều hành, cùng với sự nỗ lực của các ngành, các cấp và các tầng lớp nhân dân, quý 1-2019, kinh tế TPHCM tiếp tục tăng trưởng tích cực, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 7,64%, tương đương cùng kỳ. Cơ cấu kinh tế thành phố tiếp tục tăng dần tỷ trọng các ngành dịch vụ chất lượng cao, giá trị gia tăng lớn, trong đó khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng 63,1%, khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm tỷ trọng 21,5%, khu vực nông nghiệp chiếm tỷ trọng 0,6%. Thu ngân sách ước đạt 98.365 tỷ đồng, tăng 7,18% so cùng kỳ, đạt 24,65% dự toán. Đầu tư nước ngoài đứng thứ hai cả nước với nhiều dự án có chất lượng. Năng suất lao động bình quân của TPHCM gấp gần 3 lần cả nước. An ninh trật tự, an toàn xã hội cơ bản được giữ vững...

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao TPHCM đạt nhiều kết quả tích cực trong quý 1-2019, thành phố đã có tinh thần tiên phong, dẫn đầu cả nước trong nhiều lĩnh vực, trong đó có phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao, thu hút nhân tài trong và ngoài nước; tích cực triển khai nhiều giải pháp trong đó có Nghị quyết 54 của Quốc hội và các Nghị quyết của Chính phủ; đi đầu về ứng dụng công nghệ và nâng cao năng suất lao động. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng đã chỉ ra một số tồn tại, bất cập như: dịch vụ du lịch chưa đạt kết quả cao; thu hút FDI cao nhưng chưa tương xứng với tiềm năng; đầu tư nước ngoài vào công nghiệp chế biến chế tạo còn khiêm tốn; còn tiềm ẩn nguy cơ phức tạp về xã hội... Thủ tướng cũng cho rằng, cải cách hành chính, tính minh bạch còn chưa mang lại hiệu quả cao, còn “sức ì” trong bộ máy nhà nước khiến người dân, doanh nghiệp chưa thực sự hài lòng. Bên cạnh đó, TPHCM chưa cho thấy sức bật mới, vai trò trung tâm trong vùng miền Tây và miền Đông Nam bộ.

Thủ tướng đề nghị trong thời gian tới TPHCM cần tăng cường giám sát, đôn đốc việc thực hiện 7 chương trình đột phá, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Tiếp tục khơi dậy và phát huy hơn nữa truyền thống, tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Triển khai quyết liệt, hiệu quả Nghị quyết 54 của Quốc hội, Nghị quyết 48 của Chính phủ, các kết luận của Trung ương để tiếp tục bứt phá, đóng góp 23%-25% GDP và 27%-28% tổng thu ngân sách cả nước. Trong công tác chỉ đạo, cùng với kinh tế, quốc phòng, an ninh, TPHCM cần đi đầu trong một số vấn đề về xã hội, môi trường. Đối với các kiến nghị của TPHCM, người đứng đầu Chính phủ cơ bản thống nhất, đồng thời giao cho các bộ ngành cùng thành phố tập trung tổ chức thực hiện có kết quả. Riêng những đề xuất có tính đặc thù mà quy định pháp luật chưa quy định đầy đủ, TPHCM cần xây dựng đề án trình Trung ương, Chính phủ xem xét, quyết định để triển khai.

 “TPHCM phải tìm cách tháo gỡ các điểm nghẽn để phát triển, để có thể so sánh với các thành phố khác trong khu vực châu Á” - Thủ tướng chỉ rõ và nêu yêu cầu TPHCM phải là địa phương đi trước trong cuộc cách mạng 4.0, xây dựng thành phố thông minh, đô thị sáng tạo, cải cách hành chính hiệu quả, nâng cao năng lực cạnh tranh. TPHCM phải tiếp tục là một trong những đầu tàu quan trọng của cả nước, trung tâm lớn và hiện đại về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học công nghệ của đất nước và khu vực ASEAN. 

Những yêu cầu, mong muốn nêu trên của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt ra tầm nhìn phát triển của TPHCM, và đây cũng chính là trách nhiệm của TPHCM đối với Đảng, Nhà nước, nhân dân cả nước, là yêu cầu của cuộc sống, của sự phát triển.

Tin cùng chuyên mục