Tiến sĩ Phạm Hồng Danh: Trong toán có thơ

Nhà giáo Phạm Hồng Danh ở tuổi 60 mới bảo vệ xong luận án tiến sĩ toán. Phải chăng cuộc đời của ông quá nhiều mơ mộng nên làm cái gì cũng chậm, trong khi học trò của ông đã là tiến sĩ lâu lắm rồi.
Tiến sĩ Phạm Hồng Danh: Trong toán có thơ ảnh 1 Nhà thơ Phạm Hồng Danh
Phạm Hồng Danh hiện là Trưởng bộ môn Toán Cơ bản của Đại học Kinh tế TPHCM. Nhưng nhiều người còn biết ông là Giám đốc Trung tâm Luyện thi Vĩnh Viễn và là chủ một trường tư thục tên Vĩnh Viễn ở quận Tân Phú. Người như thế là người thành đạt ít nhất về vật chất nhưng thành đạt hơn với tư cách một người thầy khi trong mấy chục năm làm thầy giáo của hàng chục ngàn học trò. Sự giàu có của người thầy không có bạc tiền nào so sánh được.
Học trò của nhà giáo Phạm Hồng Danh, nhất là sinh viên ở Đại học Kinh tế TPHCM, không bao giờ biết rằng ông thầy của mình từng “ăn bờ ngủ bụi” để vượt qua nghịch cảnh.
Khi mới chân ướt chân ráo từ quê Nha Trang vào Sài Gòn, có nhiều đêm ông phải ngủ qua đêm dưới chân tượng Trần Nguyên Hãn trước chợ Bến Thành do không có tiền thuê phòng trọ và nếu có tiền cũng không biết thuê phòng trọ ở đâu. Trong những đêm “màn trời chiếu đất” như thế, may mắn là trời Sài Gòn không mưa…
Hiện nay, có rất nhiều sinh viên hay cử nhân ra trường phải làm thêm những việc không đúng với chuyên ngành đào tạo, như phục vụ bàn hay chạy xe ôm Grab, Uber… Nhưng từ rất lâu, khi Trung tâm Luyện thi Vĩnh Viễn còn nhận vạn người mỗi khóa, nhà giáo Phạm Hồng Danh luôn tặng mỗi học sinh tập truyện Tuyệt vọng và Bất tử của ông. Tập truyện này có lời giới thiệu của Nguyên Bí thư Thành đoàn TPHCM Nguyễn Hoàng Năng và lời bạt của nhà văn Đoàn Thạch Biền.
Mỗi khi tặng tập truyện Tuyệt vọng và Bất tử cho học trò, nhà giáo Phạm Hồng Danh luôn nói đôi chút về cuộc đời của ông trải qua không ít thăng trầm. Chính vì thế, Phạm Hồng Danh hay nói vui với học trò khi tặng họ sách: Nếu thi rớt đại học cũng không có gì “tuyệt vọng”, biết đâu đấy lại là cơ hội để chúng ta làm chuyện khác “bất tử” hơn.
Tuyệt vọng và Bất tử được in nối bản rất nhiều lần chỉ để tặng học sinh, sinh viên mỗi mùa thi đại học. Đấy cũng là cách ông muốn chia sẻ những suy nghĩ được thể hiện thành câu chữ với bạn đọc và cũng là học trò của ông ở một bài học khác ngoài những con số toán học. Với gần 30 năm đứng trên bục giảng và tặng sách, số lượng người đọc Phạm Hồng Danh không ít.
Nếu gặp ngoài đời, ít ai nghĩ Phạm Hồng Danh là một nhà giáo thành đạt khi bề ngoài ông rất gần gũi với số đông cần lao từ cách ăn mặc đến cách nói chuyện. Thế nhưng, khi nhà thơ Lê Minh Quốc cho biết, tượng Giáo sư Trần Đại Nghĩa do nhà điêu khắc Tôn Sanh tạc bị bỏ rơi ở một quán nhậu bình dân, phó thác cho nắng mưa; Phạm Hồng Danh liền tìm tới, mua đem về đặt trang trọng trong trường Vĩnh Viễn của ông. Phạm Hồng Danh nói: “Tôi là nhà giáo nên rước tượng nhà giáo Trần Đại Nghĩa ở vỉa hè về vị trí trang trọng hơn cũng là việc nên làm”.
Các nhà toán học, lại dạy ở Đại học Kinh tế, dễ khiến thiên hạ nghĩ rằng họ là người tính toán rất chi li. Phạm Hồng Danh cũng là người tính toán nhưng tính để giải các công thức toán chứ không phải tính để có lợi nhuận đơn thuần. Vào năm 2013 ấy, Phạm Hồng Danh rước tượng Giáo sư Trần Đại Nghĩa về khuôn viên trường học của ông, khiến nhà thơ Lê Minh Quốc thốt lên: “Danh chơi được quá!”.
Phạm Hồng Danh có tính toán không? Xin thưa là có! Những gì ông tính toán cũng hồn nhiên như bản tính của ông vậy. Nhà văn Đoàn Thạch Biền cho biết Phạm Hồng Danh rất hay mua vé số. Nhiều lần uống cà phê chung, đến lúc tính tiền ông móc túi ra toàn vé số. Sau mới biết, Phạm Hồng Danh hay mua vé số vì ông vận dụng môn xác suất thống kê, ông nhẩm tính xem số nào sẽ xổ trong chiều nay dù những số ông mua đa phần… trật lất.
Những khi mua vé số trật so tính xác suất chưa đúng, Phạm Hồng Danh làm thơ như để tự an ủi mình: “Có người cố tình lầm lẫn lá là hoa/ Nên hạnh phúc vì đời nhiều hoa quá” hay “Chuyện đời thường vẫn thường bất trắc/ Điều trớ trêu nghĩ cũng thường thôi”. Với Phạm Hồng Danh, trong toán luôn có thơ và ngược lại, như nghề giáo mà ông theo đuổi thể hiện qua một bài thơ viết năm 1985: Nhà giáo là người nói suốt đời nhưng lại là Người suốt đời tập nói: “Tôi hiểu gì sau bao năm cầm phấn/ Còn lại gì từ dòng chữ tôi ghi/ Gánh trên vai quê hương nhiều lận đận/ Từ nơi này tôi tiễn các em đi/ Chưa nói hết những điều trong ý nghĩ/ Để lòng mình bao ấm ức mang theo/ Ôm khát vọng cùng đi tìm chân lý/ Hạnh phúc tôi đôi mắt ấy trong veo/ Chưa hiểu hết bảng đen cùng phấn trắng/ Dẫu tuổi đời cứ chồng chất trên vai/ Tôi vẫn sống với niềm vui thầm lặng/ Rơi âm thầm như bụi phấn ban mai/ Trái tim tôi bao lần tự hỏi/ Nỗi niềm nào đành giấu kín thôi em/ Cứ như thể suốt đời tôi tập nói/ Trước học trò và phấn trắng bảng đen”.

Tin cùng chuyên mục