Tiến tới một ASEAN không rào cản

Sáng 23-6 tại Bangkok, Thái Lan, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các nhà lãnh đạo ASEAN đã tham dự lễ khai mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 34 do Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha, Chủ tịch ASEAN 2019, chủ trì.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các nhà lãnh đạo ASEAN tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 34. Ảnh: TTXVN
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các nhà lãnh đạo ASEAN tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 34. Ảnh: TTXVN

Tăng cường ổn định nội khối

Phát biểu tại lễ khai mạc, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha đã ôn lại lịch sử hình thành và phát triển của ASEAN: Bangkok là nơi ký Tuyên bố khai sinh ASEAN, một hiệp hội khiêm tốn với 5 thành viên ban đầu để dần phát triển thành một cộng đồng 10 nước thành viên sống trong hòa bình, ổn định, hợp tác với người dân ở vị trí trung tâm. Trong suốt quá trình phát triển, ASEAN đã chứng tỏ là một nhân tố quan trọng chủ yếu giúp các nước thành viên phục hồi nhanh chóng, vượt qua nhiều thách thức như khủng hoảng tài chính, thiên tai, bão lũ... để đến hôm nay, ASEAN là khu vực hòa bình, không có xung đột, tôn trọng lẫn nhau, đồng thời một ASEAN vững mạnh và đoàn kết là nhân tố chủ đạo trong ổn định và phát triển ở khu vực. 

Với chủ đề “Tăng cường quan hệ đối tác vì sự bền vững”, ASEAN thể hiện ước mơ tiến tới một cộng đồng bền vững trên cả 3 trụ cột, hướng tới người dân, lấy người dân làm trung tâm và không để ai bị bỏ lại phía sau; duy trì hòa bình, ổn định và hướng tới tương lai; tranh thủ các cơ hội do Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) mang lại thúc đẩy kinh tế số, tăng trưởng xanh; tăng cường quan hệ với các đối tác nhằm phát triển bền vững và giành vị thế toàn cầu cao hơn cho ASEAN; thúc đẩy kết nối trong mọi lĩnh vực, tiến tới một ASEAN không rào cản. Thông điệp chính gửi đi là mong ước xây dựng một ASEAN bền vững mọi mặt từ an ninh, kinh tế, an ninh con người... với khái niệm “vạn vật bền vững” (Sustainable of Things - SOT). Trên cơ sở đó, Thái Lan bày tỏ sẽ tiếp tục kế thừa công việc của các nhiệm kỳ chủ tịch trước đồng thời thúc đẩy các sáng kiến cụ thể như ứng phó tốt hơn với các thách thức về an ninh mạng với việc thành lập Trung tâm an ninh mạng ASEAN - Nhật Bản; đấu tranh chống tội phạm xuyên quốc gia, tăng cường quản lý biên giới; thúc đẩy kinh tế số, ứng dụng thành tựu của CMCN 4.0 hỗ trợ các doanh nghiệp vừa nhỏ và siêu nhỏ và thúc đẩy giao lưu nhân dân và chọn năm 2019 là Năm Văn hóa ASEAN, hợp tác chống rác thải biển, xây dựng các thành phố hiện đại ASEAN thông qua Mạng lưới các thành phố thông minh ASEAN (ASCN)...

Tại lễ khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cùng các nhà lãnh đạo ASEAN bấm nút khai trương Kho vệ tinh ASEAN đặt tại tỉnh Chai-nat, Thái Lan trong khuôn khổ hệ thống hậu cần ASEAN ứng phó với thảm họa thiên tai nhằm triển khai nhanh chóng các nhu yếu phẩm cứu trợ đến các vùng chịu thảm họa.

Chiều cùng ngày, tại thủ đô Bangkok, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-o-cha đã chủ trì họp báo quốc tế thông báo kết quả của hội nghị. Thủ tướng Thái Lan cho biết, tại hội nghị lần này, các lãnh đạo cấp cao ASEAN đã thông qua một số văn kiện quan trọng nhằm xây dựng một khu vực hòa bình, ổn định và mang lại lợi ích cho người dân ASEAN. Ngoài việc ủng hộ các sáng kiến và hoạt động của Thái Lan trong cương vị chủ tịch nhằm tăng cường ổn định cho ASEAN trên tất cả các lĩnh vực, hội nghị đã thông qua một số văn kiện quan trọng nhằm xây dựng một khu vực hòa bình, ổn định và mang lại lợi ích cho người dân ASEAN.

Các nhà lãnh đạo đã nêu bật tầm quan trọng trong việc tăng cường sức mạnh của kinh tế khu vực. Trên tinh thần đó, nhất trí thúc đẩy hoàn thành đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) vào cuối năm nay, điều sẽ giúp ASEAN kiểm soát được sự thay đổi và bất ổn trong khu vực, đặc biệt là những ảnh hưởng từ căng thẳng thương mại giữa các đối tác thương mại quan trọng của ASEAN.

ASEAN đã nhất trí tập trung vào vấn đề rác thải biển, yếu tố ảnh hưởng tiêu cực tới sức khoẻ, môi trường sống của người dân cũng như tài nguyên và sinh vật biển. Hội nghị cũng đã thông qua “Tuyên bố Bangkok về chống rác thải biển tại khu vực ASEAN”, cho thấy cam kết của ASEAN nhằm giải quyết vấn đề rác thải biển.

Cũng tại buổi họp báo, Thủ tướng Prayuth Chan-o-cha cho biết, các nhà lãnh đạo đã ủng hộ ý tưởng ASEAN cùng đăng cai giải bóng đá thế giới (World Cup) vào năm 2034, đồng thời cho biết, Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 35 và các hội nghị cấp cao liên quan sẽ diễn ra vào tháng 11 năm nay.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith (trái) và Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen. Ảnh: TTXVN

Hoan nghênh đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao 

Chiều 23-6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và phu nhân cùng đoàn cấp cao Việt Nam đã đến thăm Đại sứ quán Việt Nam tại Bangkok, trao đổi với cán bộ, nhân viên đại sứ quán, đại diện bà con kiều bào đang sinh sống, làm việc, học tập và kinh doanh trên khắp các tỉnh, thành phố ở Thái Lan.

Sau khi nghe Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan báo cáo và đại diện bà con cộng đồng bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thông báo tới bà con Việt kiều những thành tựu về kinh tế, chính trị nổi bật của đất nước. Đánh giá về mối quan hệ Việt Nam - Thái Lan, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, hai nước đang ở giai đoạn tốt nhất trong lịch sử quan hệ, quan hệ giữa các cấp, đặc biệt giữa hai Thủ tướng là hết sức sâu sắc. Trong cuộc gặp song phương với Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 34, những kiến nghị của hai nước đều được hai bên quan tâm xử lý và cả hai đã thống nhất sẽ tổ chức họp nội các chung vào cuối năm nay.

Thủ tướng biểu dương nỗ lực của tập thể lãnh đạo, cán bộ, nhân viên Sứ quán Việt Nam tại Thái Lan trong thời gian qua, đồng thời đề nghị đại sứ quán chú trọng hơn nữa công tác cộng đồng, công tác lãnh sự để mỗi người Việt Nam ở Thái Lan đều nhận được sự quan tâm, chăm sóc của sứ quán. Thủ tướng nhấn mạnh, mỗi người Việt Nam cần trở thành cầu nối để thu hút người Thái Lan đến Việt Nam du lịch, đầu tư, làm ăn, đồng thời là đầu mối để đưa hàng hóa Việt Nam đến Thái Lan.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp lãnh đạo một số tập đoàn lớn của Thái Lan đang có các hoạt động đầu tư vào Việt Nam. Tại cuộc tiếp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh các tập đoàn như Thaibev, Amata và Tập đoàn Xi măng Thái Lan đã có đầu tư lớn vào Việt Nam; đồng thời đề nghị các tập đoàn này mở rộng đầu tư vào Việt Nam ở các lĩnh vực công nghệ cao và thân thiện với môi trường.

Sau chuyến thăm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và phu nhân cùng Đoàn cấp cao Việt Nam đã tới sân bay quốc tế Don Muong, rời thủ đô Bangkok, Vương quốc Thái Lan, lên đường về nước, kết thúc tốt đẹp chuyến tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 34.

Tại thủ đô Bangkok, Thái Lan, trong khuôn khổ chuyến tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 34, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc làm việc với Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith và Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hunsen. Ba Thủ tướng nhất trí hợp tác trong khuôn khổ tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam, Tiểu vùng Mekong, sớm xây dựng Kế hoạch tổng thể kết nối ba nền kinh tế, nhấn mạnh tầm quan trọng thu hút các nguồn lực tài chính, kỹ thuật cho các dự án tiểu vùng. Ba Thủ tướng cũng nhất trí tăng cường hợp tác gìn giữ an ninh khu vực biên giới, thúc đẩy thương mại, đầu tư, kết nối vùng biên, khẳng định quyết tâm xây dựng khu vực biên giới 3 nước hòa bình, hữu nghị và phát triển.

Tin cùng chuyên mục