Tiếp cận luật thời công nghệ 4.0

Nhiều năm nay, gia đình bà Trần Ngọc Hạnh (ngụ xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh, TPHCM) gồm 14 nhân khẩu chung sống chật chội trong căn nhà cấp 4 gồm 1 trệt 1 gác lửng. Nhà nằm trong khu quy hoạch nên dù gia đình đã “nở nồi” thêm nhiều thành viên cũng không thể xây thêm tầng hay sửa sang… 

Cách đây mấy tháng, cháu bà Hạnh nói rằng thành phố đã có quy định mới về cấp phép xây dựng tạm; và mở trang fanpage “Trung tâm tư vấn pháp luật Hội Luật gia quận 7” trên Facebook cho bà xem bài viết giới thiệu những điểm chính của Quyết định số 26/2017/QĐ-UBND do UBND TPHCM ban hành về cấp phép xây dựng trên địa bàn TPHCM. Đối chiếu các quy định, bà thấy nhà mình thuộc diện được cấp giấy phép xây dựng có thời hạn nên liên hệ UBND huyện nộp hồ sơ. Từ đó, lâu lâu bà lại nhờ con cháu mở trang fanpage này để xem bài viết mới trên trang.

Tiếp cận luật thời công nghệ 4.0 ảnh 1 Ông Lê Hồng Lâm trả lời tin nhắn gửi đến fanpage “Trung tâm tư vấn pháp luật Hội Luật gia quận 7”
Tiện lợi, tiết kiệm 

Bà Hạnh là một trong số nhiều người dân tiếp cận các quy định mới của pháp luật qua trang fanpage “Trung tâm tư vấn pháp luật Hội Luật gia quận 7”. Ra đời vào tháng 2-2014, định kỳ hàng tháng, trên fanpage có những bài viết giới thiệu tóm tắt những quy định, văn bản pháp luật mới có hiệu lực liên quan trực tiếp đến đời sống người dân hay hoạt động của tổ chức, doanh nghiệp (ví dụ như cảnh sát giao thông chỉ được dừng xe trong những trường hợp nào, tăng giá khám bệnh bảo hiểm y tế, chương trình giáo dục phổ thông mới, quy định mới về bảo hiểm xã hội...); hoặc bài chuyên đề về những vấn đề pháp luật người dân cần lưu ý (chẳng hạn các hành vi vi phạm Luật An ninh mạng). Người dân có thắc mắc về quy định của pháp luật, gửi tin nhắn đặt câu hỏi cũng sẽ được quản trị viên của trang trả lời.

Ông Lê Hồng Lâm, Chủ tịch Hội Luật gia quận 7, chia sẻ: “Việc khai thác và sử dụng mạng xã hội thành kênh tuyên truyền, phổ biến pháp luật tiếp cận được nhiều người, không tốn chi phí và phù hợp với xu thế cách mạng công nghệ 4.0. Ngoài những điểm mới của quy định pháp luật, chúng tôi còn dần dần tuyên truyền đến người dân về vệ sinh an toàn thực phẩm, ý thức bảo vệ môi trường sống... Hiện nay trang fanpage nói trên có hơn 2.000 người thích và hơn 2.000 người theo dõi”.

Tương tự, các trang fanpage “Thông tin cần biết” (của Phòng Tư pháp quận Tân Phú), “Hội Luật gia quận Tân Phú”, “Phòng Tư pháp quận Gò Vấp”... cũng đăng nhiều bài viết hữu ích giới thiệu hoặc chia sẻ các quy định mới của pháp luật. Tuy mới hoạt động thời gian ngắn, những trang này thu hút hàng ngàn người quan tâm, chọn chế độ theo dõi trang để nhận thông báo mỗi khi trang có bài viết mới.  

Hình thức sáng tạo, phản hồi tích cực 

Hiệu quả phổ biến pháp luật của trang fanpage “Trung tâm tư vấn pháp luật Hội Luật gia quận 7” đến người dân thể hiện qua con số 300 - 400 lượt người tiếp cận và khoảng 100 lượt tương tác mỗi tháng, cũng như những lời đánh giá của người xem.

Chủ tài khoản Facebook “Hoa Hoang” viết: “Khi có nhu cầu tôi sẽ tìm đến bạn. Bạn đã nằm trong danh sách của tôi và tôi sẽ nói về bạn cho tất cả bạn bè của tôi”; chủ tài khoản Facebook “Thủy Nguyễn” bày tỏ: “Tôi rất thích”; chủ tài khoản Facebook “Sử Tuyết Anh” viết: “Hay, cung cấp nhiều thông tin về pháp luật cho mọi người”; chủ tài khoản Facebook “Song Hy Le” nhận xét: “Trong điều kiện hệ thống pháp luật còn nhiều bất cập, đang từng bước hoàn thiện như hiện nay thì vai trò của trung tâm tư vấn pháp luật tại địa phương thật sự cần thiết cho mọi ngưòi, nhất là với người dân lao động, dân nghèo”... Những fanpage “Thông tin cần biết”, “Hội Luật gia quận Tân Phú”, “Phòng Tư pháp quận Gò Vấp” cũng đều nhận được đánh giá tích cực và nhiều lượt chia sẻ.

Hội Luật gia quận 7 mở rộng hình thức phổ biến pháp luật bằng cách cung cấp các văn bản pháp luật mới ban hành qua email cho hơn 3.700 doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn quận. Trong mail có cả ý kiến tư vấn của hội về những việc doanh nghiệp cần làm, qua đó giúp doanh nghiệp sớm thích nghi khi những quy định mới có hiệu lực.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TPHCM, đánh giá: “Ở Việt Nam hiện nay có rất nhiều người sử dụng mạng xã hội, vì vậy việc tuyên truyền pháp luật qua Facebook là cách làm sáng tạo và rất hiệu quả. Chỉ với máy vi tính, điện thoại di động hoặc máy tính bảng có kết nối Internet, giờ đây người dân có thể vào mạng xã hội để tìm hiểu các quy định của luật”.

Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, điều quan trọng là bài viết trên Facebook giới thiệu những điểm mới của luật cần ngắn gọn, dễ hiểu, không khô cứng thì người dân mới “thấm”. Bên cạnh đó, do các fanpage có nhiều người vào xem nên khả năng sẽ có những bình luận sai lệch, đả phá các luật đã được Quốc hội thông qua. Vì vậy trên các fanpage tuyên truyền pháp luật không chỉ tuyên truyền một chiều mà cần có kênh phản biện những ý kiến không đúng, phân tích những điểm phi logic, sai sự thật của bình luận mang tính xuyên tạc.

Tin cùng chuyên mục