Tiếp cận thị trường mục tiêu toàn cầu

Báo cáo của một số công ty khảo sát nghiên cứu thị trường chỉ ra rằng, muốn thâm nhập thị trường cần có sự chuẩn bị từ 5 - 10 năm với những bước đi bài bản (từ tiếp cận người tiêu dùng đến có sản phẩm thử nghiệm, đánh giá hiệu quả để điều chỉnh, đáp ứng nhu cầu thị trường). 
Tuy nhiên, hiện nhiều doanh nghiệp Việt chưa bắt kịp tư duy kinh doanh theo xu hướng chung của các công ty nước ngoài. Đó là sự chuẩn bị và có chiến lược dài hạn khi quảng bá thương hiệu Việt, cũng như nắm bắt những kênh bán hàng phù hợp với thị trường thương mại tự do.
Nắm bắt chuyển động thị trường
Sự chuyển động của những thị trường tiềm năng với sức mua tăng mạnh, dân số đông và mang lại cơ hội cho doanh nghiệp không còn tập trung vào các thành phố lớn mà đã dịch chuyển sang các địa phương cấp 2 và cấp 3. Chính vì vậy, doanh nghiệp cần có chiến lược xúc tiến thương mại và tìm kiếm những thị trường đang phát triển. Hiện nay, thị trường không được nhận định theo tư duy truyền thống địa lý mà được xem xét dưới góc độ cụm đô thị hóa, khu vực kinh tế tiềm năng. Bên cạnh đó, các tập đoàn lớn, công ty đa quốc gia đã và đang có xu hướng mua hệ thống phân phối chứ không mua thương hiệu, để hướng đến mục tiêu đưa sản phẩm, dịch vụ của mình vào thị trường.
Bà Nguyễn Phi Vân, Chủ tịch HĐQT Công ty Retail & Franchise Asia (RFA), cho biết trong bối cảnh thị trường thương mại tự do, bán hàng không còn đơn thuần là bán sản phẩm mà là bán “giá trị” và từng bước tiến đến bán “dịch vụ”, tức là phải đổi mới sáng tạo ra những mô hình kinh doanh phù hợp với nhu cầu tiêu dùng toàn cầu. Trong đó, ý tưởng sáng tạo đòi hỏi đáp ứng nhu cầu của những đối tượng khách hàng tiêu dùng cụ thể trên toàn cầu, chứ không dừng lại ở địa phương. Đơn cử, nếu hàng hóa và dịch vụ nhắm vào tầng lớp khách hàng trung lưu, doanh nghiệp phải tìm hiểu đối tượng khách hàng này quan tâm đến vấn đề gì. Đặc biệt, doanh nghiệp cần nghiên cứu thị trường thông qua tung sản phẩm thử nghiệm để tìm hiểu tâm lý tiêu dùng của khách hàng dựa trên các yếu tố tiết kiệm, trải nghiệm, hình thức mua sắm…
Tiếp cận thị trường mục tiêu toàn cầu ảnh 1 Người tiêu dùng ngày càng có xu hướng mua sắm online
Ông Trần Anh Tuấn, chuyên gia thị trường, cho rằng vấn đề hiện tại của doanh nghiệp là xác định chiến lược hoạt động để chọn thị trường mục tiêu. Trong đó, kênh xúc tiến thương mại thông qua các triển lãm, hội chợ mang lại cơ hội cho doanh nghiệp điều kiện để trình bày và kiểm tra sản phẩm… Cụ thể, với thị trường hiện hữu, doanh nghiệp phải chú trọng định hướng khách hàng hiện hữu và thu hút khách hàng mới để tăng cơ hội bán hàng lần đầu tiên. Còn đối với thị trường mới, doanh nghiệp cần đẩy mạnh các hoạt động giới thiệu lợi ích sản phẩm, tham gia triển lãm, hội chợ để trưng bày và trình diễn sản phẩm, quảng bá hình ảnh công ty, xây dựng thương hiệu… 
Cũng theo ông Trần Anh Tuấn, để tăng tính hiệu quả khi tham gia xúc tiến thương mại tại các triển lãm, hội chợ, doanh nghiệp nên đánh giá nhanh thị trường. Tránh trường hợp chưa tìm hiểu rõ hay nghiên cứu đối tác mà đã ký hợp đồng độc quyền. Đặc biệt, đối với những thị trường doanh nghiệp có thể kiểm soát thì không nên ký hợp đồng độc quyền; ngược lại, chỉ nên ký hợp đồng độc quyền tại những thị trường khó tính, thử nghiệm sản phẩm.
Nhận diện xu hướng mua sắm
Kết quả cuộc khảo sát Hàng Việt Nam chất lượng cao 2018 cho thấy, mua sắm online đang là xu thế mới, không chỉ trên thị trường toàn cầu mà đang phát triển mạnh mẽ tại thị trường Việt Nam. Những năm gần đây, sự ra đời của hàng loạt website thương mại điện tử như Lazada, Tiki, Shopee, Sendo, Adayroi… nên việc mua sắm online đã không còn xa lạ với người tiêu dùng Việt, đặc biệt là giới trẻ. Ngoài ra, thị trường mua sắm trực tuyến cũng sôi động hơn khi giới trẻ tham gia mua và bán hàng trên mạng xã hội ngày càng nhiều. Qua các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo đã từng bước hình thành nên thị trường mang tính tương tác cao, kết nối rộng, thuận tiện trong giao thương... dẫn đến phát triển xu hướng tiêu dùng mới - mua bán online. Do đó, mua bán online là mảnh đất màu mỡ và giàu tiềm năng để các nhà bán lẻ khai thác cũng như hứa hẹn mang đến nhiều lợi ích cho người tiêu dùng. Tương tự,
Công ty Deloitte nhận định, nếu chọn thanh toán qua điện thoại di động, người tiêu dùng có xu hướng sử dụng apps của chính nhà bán lẻ, chiếm 40%; còn lại sử dụng apps của một bên thứ 3 hoặc thanh toán trên website của nhà bán lẻ. Bên cạnh đó, người tiêu dùng thích mua sắm online vì có nhu cầu tìm kiếm những trải nghiệm mới khi mua sắm. 
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Tấn Kiến Phước, Giám đốc Công ty TNHH Dich vụ ứng dụng hỗ trợ doanh nghiệp (BSAs), qua khảo sát có thể thấy doanh nghiệp Việt Nam chưa sẵn sàng về ứng dụng công nghệ số, trong khi 5 năm tới đây sẽ là yếu tố quyết định đối với lĩnh vực bán lẻ. Đồng thời, doanh nghiệp Việt chưa chăm sóc và xây dựng hình ảnh của mình trên internet nhằm đáp ứng những đòi hỏi mới của khách hàng cũ và khách hàng tiềm năng. Vì vậy, doanh nghiệp cần số hóa toàn bộ dữ liệu lưu trữ và tạo ra hệ thống trao đổi thông tin hiệu quả để phát triển bền vững và hội nhập thị trường thương mại tự do toàn cầu nhanh chóng hơn. 
Mặt khác, tại Việt Nam cũng rất hiếm doanh nghiệp đủ năng lực thực hiện chuyển đổi số (Digital Transformation). Đây là quá trình chuyển đổi từ doanh nghiệp truyền thống trở thành doanh nghiệp số, bằng cách thay đổi phương thức điều hành, lãnh đạo, văn hóa công ty, quy trình làm việc… Điều này giúp doanh nghiệp thay đổi mô hình kinh doanh; áp dụng công nghệ (như Internet of Things, Big Data, Cloud Computing…) nhằm đổi mới cách thức làm việc với khách hàng, đối tác. Quá trình chuyển đổi số cũng sẽ thay đổi quy trình, thói quen làm việc của người lao động, từ việc phải lệ thuộc hồ sơ, giấy tờ truyền thống (hóa đơn giấy, in ấn báo cáo…) chuyển sang sử dụng hóa đơn điện tử.
Ông Liêu Hưng Tiến, Giám đốc kinh doanh Công ty Haravan, cho rằng với một thế giới mới, trong đó các cư dân số kết nối với nhau thông qua cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ và lan tỏa khắp toàn cầu, đã và đang đặt ra thách thức cũng như những đòi hỏi về đổi mới tư duy sáng tạo khâu tiếp thị, bán hàng. Đặc biệt, khi Việt Nam là thị trường lý tưởng đối với các nhà bán hàng trực tuyến nhờ vào dân số trẻ và ngày càng nhận được sự giáo dục cao mang tầm quốc tế. Hiện Việt Nam đã có khoảng 53,86 triệu người sử dụng internet và dự báo con số này sẽ đạt gần 60 triệu người sử dụng internet trong vòng 4 năm tới. Đây là điều kiện thuận lợi để thị trường Việt Nam nhanh chóng thích ứng với các xu hướng và công nghệ mới. Các doanh nghiệp số hóa cũng quan tâm tới việc thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp địa phương cùng phát triển. Trong đó, cần hỗ trợ kịp thời doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp trang bị tư duy và phương thức tiếp cận xu hướng mua sắm online. Đồng thời, giúp họ tiếp cận các công cụ tiếp thị mới để nắm bắt cơ hội cạnh tranh hiệu quả hơn trên thị trường. 

Tin cùng chuyên mục