Tiếp sau việc đặc xá

4.180 phạm nhân đang chấp hành án phạt tù có đủ điều kiện, 186 người đang được hoãn chấp hành án phạt tù và 18 người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù có đủ điều kiện vừa được hưởng đặc xá năm 2016. Đặc xá là chính sách khoan hồng, nhân đạo đối với những người phạm tội, khuyến khích họ hối cải, rèn luyện trở thành người có ích cho xã hội. Trong số những phạm nhân được đặc xá, có những người đã từng phạm tội về ma túy, giết người, hiếp dâm, trộm cướp tài sản, xâm phạm về trật tự quản lý kinh tế... trong quá trình cải tạo đã chấp hành tốt các nội quy, quy định đối với phạm nhân. Đó là kết quả của quá trình giáo dục, cải tạo phạm nhân, thể hiện sự phối hợp chặt chẽ giữa trại giam, gia đình, các cơ quan có liên quan và toàn xã hội trong việc thực hiện chính sách hình sự của Đảng và Nhà nước Việt Nam.

Theo dõi thông tin về công tác điều tra phá án, chúng ta có thể thấy để điều tra bắt giữ và xử lý pháp luật một tội phạm là việc rất gian truân, thậm chí gian nguy, các cơ quan bảo vệ pháp luật phải mất rất nhiều công sức. Có dư luận lo ngại qua đợt đặc xá sẽ có những phần tử bất hảo được tha tù, có thể thành hiểm họa cho cộng đồng, ảnh hưởng tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Nhưng thực tế quá trình xét đặc xá năm 2016 đã được đảm bảo công khai, minh bạch, thực hiện chặt chẽ, thận trọng, công bằng, chính xác và đảm bảo dân chủ theo quy định của pháp luật, đúng đối tượng và đúng điều kiện đã được quy định. Vấn đề còn phải lo nghĩ và hành động là làm thế nào để những người được khoan hồng trở về với gia đình có thể nhanh chóng tái hòa nhập cộng đồng khi phía trước vẫn còn nhiều thách thức, khó khăn.

Điều đó không đơn giản khi thực tế trong xã hội đang có nhiều người lao động nghèo lương thiện phải kiếm sống gian khó, huống chi là những người nhiều năm sống trong trại giam, mới được đặc xá, không có tay nghề và còn nhiều mặc cảm. Một số trại giam đã rất có trách nhiệm khi chu đáo tổ chức cho những người được đặc xá học lớp chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng. Qua đó, trang bị những kiến thức cơ bản về quyền và nghĩa vụ của người chấp hành xong án phạt tù; giáo dục kỹ năng sống và một số nội dung cơ bản của Luật Cư trú, Luật Giao thông đường bộ; tư vấn, hướng nghiệp. Đó là cách làm tận tâm, cần thiết và nên nhân rộng.

Để bảo đảm an ninh trật tự xã hội và tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của công dân, các biện pháp nâng hiệu quả tấn công trấn áp, truy quét, phát hiện, xử lý nghiêm minh các loại tội phạm vẫn là chưa đủ. Còn cần các biện pháp lành mạnh hóa xã hội, tạo ra khả năng miễn nhiễm với cái xấu, cái ác, không còn những kẽ hở pháp luật cho cái ác lộng hành. Trong đó, việc thực hiện chính sách đặc xá là một biện pháp rất nhân bản, vừa giáo dục cho các phạm nhân đang cải tạo tại các trại giam ý thức hướng thiện quyết tâm làm lại cuộc đời, vừa chăm chút giành lại từng con người đã từng sa ngã, từng phạm pháp, giúp họ hoàn lương.

Để đấu tranh đẩy lùi cái ác, phải đặc biệt quan tâm làm sống lại những giá trị đạo đức truyền thống, giáo dục lòng nhân, ý thức hướng thiện và xây dựng quan hệ tình người trong cuộc sống. Hiểu đúng về chính sách đặc xá như vậy, chính quyền, công an và nhân dân các địa phương nên thực sự xóa bỏ kỳ thị đối với người được đặc xá tha tù; sâu sát với gia đình có người vừa được đặc xá để giúp đỡ, nhắc nhở những người được đặc xá nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, tích cực tìm kiếm công ăn việc làm, lao động chân chính.

HUỲNH THANH LUÂN

Tin cùng chuyên mục