Tiểu thương chợ An Đông TPHCM kiến nghị giải quyết các vấn đề bức xúc

Sáng ngày 19-9, bà con tiểu thương chợ An Đông, quận 5, TPHCM đã đóng cửa nhiều quầy sập trong chợ và tụ tập kiến nghị Quận 5 giải quyết các vấn đề bức xúc liên quan đến những khúc mắc trong cách điều hành, quản lý chợ, chợ xuống cấp vẫn không sửa chữa...

Nhiều tiều thương ở chợ An Đông cho biết, do tình trạng xuống cấp ngày trầm trọng của chợ An Đông nên năm 2013 Ban quản lý Trung tâm thương mại dịch vụ An Đông (Ban quản lý chợ An Đông) đứng ra thu tiền cho thuê quầy sạp của các tiểu thương với mục đích sửa chữa, nâng cấp. Các tiểu thương cho biết đã vận động đóng góp hơn 217 tỷ đồng để nâng cấp chợ An Đông.

Đến năm 2015, ban quản lý của chợ mới thực hiện sửa chữa 4 nhà vệ sinh, cải tạo hệ thống điện động lực trong chợ An Đông. Tuy nhiên, việc chi tiền sửa chữa có nhiều "bí ẩn", như: chi sửa 4 nhà vệ sinh công cộng hết 2,1 tỷ đồng nhưng đưa vào sử dụng chưa lâu thì nhiều thiết bị đã hư hỏng; còn về cải tạo hệ thống điện động lực thì chỉ sửa ở tầng hầm, trệt, lầu 1 và 2, tuy nhiên hồ sơ thiết kế, thi công lại thể hiện sửa chữa cho cả khu vực chợ, bao gồm cả lầu 3 và 4.

Trưa cùng ngày, ông Phạm Quốc Huy, Chủ tịch UBND quận 5 đã có mặt tại chợ để đối thoại với người dân. Sau một thời gian nghe Chủ tịch UBND quận 5 giải thích, các tiểu thương này cảm thấy không thỏa đáng nên đã đến trụ sở UBND TPHCM để mong lãnh đạo thành phố giải quyết những bức xúc.

Trước đó, tiểu thương chợ An Đông có gửi những bức xúc đến với UBND TPHCM và phía UBND TPHCM đã chỉ đạo thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra các vấn đề gây bức xúc tại chợ.

Đến giữa tháng 5-2017 vừa qua, đoàn thanh tra đã thông báo kết quả đến các tiểu thương. Theo đó, số tiền 217 tỷ đồng thu được từ việc cho thuê quầy sạp, ban quản lý chợ đã nộp vào Kho bạc Nhà nước quận 5. Việc ban quản lý áp dụng thuế GTGT khi thu tiền cho thuê quầy sạp là chưa chấp hành đúng quy định về pháp luật thuế. Các gói thầu tư vấn và thi công sửa chữa nâng cấp chợ và nhà vệ sinh nằm trong hạn mức chỉ định thầu.

Việc thu phí vệ sinh 8 triệu đồng/ngày, chỉ định thầu khai thác nhà vệ sinh công cộng và trích nguồn thu từ phí sử dụng dịch vụ vệ sinh nộp ngân sách trong thời gian qua không công khai, minh bạch.

Trên cơ sở đó, UBND TPHCM đề nghị tạm dừng thu tiền thuê quầy sạp của tiểu thương đến hết năm 2017, xây dựng bảng giá cho thuê giai đoạn 5 năm tiếp theo (2017 - 2021) trên cơ sở phí quản lý.

Đồng thời, giao UBND quận 5 chỉ đạo các đơn vị liên quan sử dụng toàn bộ 217 tỷ đồng để tái đầu tư xây dựng "Phương án nâng cấp, sửa chữa toàn diện chợ An Đông đến năm 2021", tuân thủ quy định về pháp luật đầu tư công, đấu thầu, xây dựng, hoàn thành chậm nhất trong tháng 6-2017.

Tin cùng chuyên mục