Mô hình hợp tác xã chợ kiểu mới

Tiểu thương có thể tham gia quản lý

Sau nhiều năm triển khai, đến nay mô hình hợp tác xã (HTX) quản lý chợ trên địa bàn TPHCM đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, để tiểu thương trở thành xã viên các HTX theo đúng mục tiêu đặt ra và mời gọi thêm nhiều doanh nghiệp (DN) tham gia quản lý chợ thì cần nhiều cơ chế chính sách mới.

Luồng gió mới

TPHCM hiện có 239 chợ, gồm 3 chợ đầu mối, 14 chợ loại I, 52 chợ loại II và 170 chợ loại III. Trong công tác đấu thầu kinh doanh, khai thác và quản lý chợ, đến nay TP đã tiến hành xã hội hóa đầu tư, khai thác và quản lý đối với 66/239 chợ, chiếm 27,6%.

Trong số đó có 26 chợ do HTX và DN đầu tư xây dựng, sửa chữa; 40 chợ đấu thầu theo Quyết định 216 của UBND TPHCM về ban hành quy chế đấu thầu kinh doanh khai thác và quản lý chợ loại II và III.

Trong công tác phát triển các HTX quản lý chợ, bà Lê Thị Hoàng Yến, Chủ tịch Liên minh HTX TPHCM, cho biết, tính đến tháng 8-2019, TP có 20 HTX hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh, khai thác và quản lý chợ.

Các HTX đang tham gia quản lý 35 chợ loại II và III thông qua phương thức đấu thầu, chỉ định thầu và khuyến khích HTX đầu tư xây dựng chợ.

Phần lớn HTX chợ trên địa bàn TP hoạt động theo mô hình HTX tạo việc làm, giải quyết nhu cầu việc làm cho các cá nhân. Thu nhập của các HTX được phân phối theo công sức lao động đóng góp của thành viên (được thể hiện bằng tỷ lệ tiền lương của từng thành viên trên tổng tiền lương của tất cả thành viên).

Mặt khác, HTX quản lý chợ ra đời đã giải quyết đa phần các hạn chế của hệ thống chợ hiện nay trên địa bàn TP.

Theo nhận định của UBND quận 3, việc chuyển đổi từ ban quản lý (BQL) chợ sang mô hình HTX chợ, đồng nghĩa với cách tổ chức sắp xếp các hộ kinh doanh phù hợp với từng ngành hàng và trật tự văn minh hơn, nâng cao ý thức đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và phòng chống cháy nổ.

Điều quan trọng là giảm bớt gánh nặng ngân sách của quận, do không phải trả lương cho cán bộ, cũng như bổ sung vốn để xây dựng và nâng cấp chợ.

Tiểu thương có thể tham gia quản lý ảnh 1 Mua bán tại chợ Bùi Phát (phường 12, quận 3). Ảnh: CAO THĂNG

Điển hình như trường hợp chợ Bùi Phát (phường 12, quận 3), đây là một chợ nhỏ, nằm sâu trong khu dân cư. Mỗi năm quận phải bố trí khoảng 200 triệu đồng để lo tiền lương cho bộ máy BQL. Nhưng từ ngày BQL chuyển đổi sang mô hình HTX đã giải quyết được nhiều vấn đề, trong đó có gánh nặng ngân sách và các khoản chi phí để tu bổ, sửa chữa chợ.

Mặt khác, ngăn chặn được tình trạng cho vay nặng lãi nhờ HĐQT HTX tổ chức các hình thức vay vốn phù hợp với khả năng của hộ kinh doanh, thông qua hoạt động tín dụng nội bộ của HTX.

Ngoài ra, HTX hỗ trợ thành viên về tổ chức các hoạt động khuyến mãi, hội chợ, quảng cáo để tăng doanh thu, nâng cao hiệu quả kinh doanh.

Cần thêm cơ chế chính sách hữu hiệu

Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, cần mạnh dạn áp dụng mô hình HTX quản lý chợ kiểu mới. So với mô hình đang triển khai, TP nên mạnh dạn thí điểm tổ chức các HTX quản lý chợ mà ở đó mỗi tiểu thương sẽ là 1 xã viên.

Các xã viên - tiểu thương góp vốn vào HTX quản lý chợ bằng chính tài sản là sạp chợ, đóng các loại thuế, phí theo quy định của nhà nước và để duy trì hoạt động cũng như trích quỹ tái đầu tư sửa chữa nâng cấp chợ.

Chính những tiểu thương - xã viên này khi giữ vai trò làm chủ sẽ phát huy tốt hơn trách nhiệm bảo vệ, củng cố “ngôi nhà” của mình và ra sức đóng góp, nâng sức cạnh tranh của chợ.

Nhà nước không cần trực tiếp quản lý mà chỉ làm nhiệm vụ cho thuê mặt bằng, như cách làm tại các trung tâm thương mại, siêu thị. Mọi hoạt động quản lý, cân đối thu chi, đầu tư nâng cấp hay lời lỗ ở chợ sẽ do những người chủ - thương nhân cùng gánh vác.

Cũng theo ông Hòa, ưu điểm lớn nhất của cách làm này là tạo ra không gian mới cho chợ hoạt động, thay đổi tư duy quản lý - kinh doanh chợ và trao quyền tự chủ cho tiểu thương.

Mặt khác, khi đã trở thành những xã viên, trong trường hợp HTX có tăng giá các dịch vụ thì tiểu thương cũng dễ dàng chia sẻ, vì cuối cùng hiệu quả thu được của HTX cũng sẽ phân phối lại cho tiểu thương và đơn vị quản lý.

Đây cũng là đặc trưng cơ bản và mục tiêu cần hướng đến của HTX chợ, góp phần giải quyết vấn đề an sinh xã hội, chấm dứt tình trạng xung đột, khiếu kiện xảy ra tại một số chợ trong thời gian qua.

Bà Lê Thị Hoàng Yến cũng cho rằng, để các HTX phát triển mạnh mẽ, phát huy hiệu quả cần có sự hỗ trợ thiết thực từ TP. Cụ thể, TP cần có chủ trương khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, khai thác và quản lý chợ.

So với các chợ do tư nhân đấu thầu, khai thác thì việc chuyển đổi các hình thức quản lý chợ từ BQL hay tổ quản lý sang mô hình HTX dễ dàng hơn, vì khi đó nguồn vốn của nhà nước sẽ không mất đi.

Trường hợp HTX bị giải thể thì nguồn vốn này được giao lại cho địa phương quản lý theo quy định của pháp luật. HTX chủ động về tài chính, chợ được nâng cấp, việc đầu tư trang thiết bị phục vụ và quản lý điều hành chợ không phải phụ thuộc ngân sách nhà nước.

Ngoài ra, do tính chất chợ trên địa bàn TP còn phức tạp nên mô hình HTX chợ kiểu mới sẽ giúp công tác quản lý chợ đạt hiệu quả hơn.

Theo kiến nghị của bà Hoàng Yến, TP nên có chính sách công hỗ trợ cho HTX thông qua việc miễn, giảm tiền thuê đất (có chợ) trong thời gian nhất định; cho thuê nhà trả góp; hỗ trợ về mặt bằng hoặc bán chỉ định đất để HTX làm trụ sở hoạt động.

Về cơ chế đấu thầu, kiến nghị TP giao chợ cho HTX quản lý và khai thác trong thời gian từ 10 - 20 năm. Và để được giao quản lý chợ, HTX phải cam kết thực hiện theo đúng yêu cầu, chủ trương của Nhà nước, như vận động và kết nạp được tối thiểu 50% tiểu thương kinh doanh ở chợ làm thành viên theo lộ trình cụ thể.

Còn trên thực tế, các HTX chỉ được quản lý và khai thác từ 3 - 5 năm như hiện nay sẽ rất khó thu hút các HTX tham gia. Các chính sách về vốn có thể cho HTX được vay vốn thông qua chương trình kích cầu đầu tư, quỹ CCM, quỹ phát triển HTX, ngân hàng HTX cho vay với lãi suất ưu đãi.

Do mỗi chợ có đặc thù riêng nên TP cần xem xét, phê duyệt chủ trương, phương án triển khai mô hình HTX kiểu mới với từng chợ, đồng thời cho phép HTX thành lập đại lý thu hộ thuế hoặc ủy nhiệm cho HTX thu thuế kinh doanh trong chợ.

Ông Trần Ngọc Phát, Giám đốc HTX Thương mại - Dịch vụ Tân Kiểng (đơn vị hiện đang quản lý khá nhiều chợ), cho hay sau khi trúng thầu chợ Bùi Phát vào tháng 5-2018, HTX đã tiến hành ký quỹ và chuyển đổi bộ máy hoạt động như một DN, có kê khai báo cáo thuế và ký hợp đồng nhân sự trong BQL chợ với sự hỗ trợ tích cực từ UBND quận 3.

Đến nay sau hơn 1 năm, bộ máy đã đi vào hoạt động ổn định, HTX tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất cho chợ, nhân viên được tập huấn để chuyển cung cách làm việc từ quản lý sang phục vụ tiểu thương, đồng thời định hướng thêm cho nhân viên hoạt động ngày càng chuyên nghiệp…

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, HTX cũng đang đối mặt với hàng loạt khó khăn mà nếu không tháo gỡ sớm sẽ khó có thể tồn tại và phát triển.

Theo ông Ngọc Phát, HTX trúng thầu chợ trong tình trạng cơ sở vật chất đã xuống cấp nghiêm trọng, nếu không đầu tư thì không thể cạnh tranh với các loại hình thương mại khác.

Nhưng với thực tế thu hiện nay thì chi phí cho bộ máy sẽ không bao giờ đủ vì mức thu từ năm 2007 duy trì đến nay đã lạc hậu.

“Lương tối thiểu vào năm 2007 là 800.000 đồng/tháng, thì nay đã tăng lên tới 4.180.000 đồng/tháng. Lương tăng hàng năm nhưng chi phí vẫn giữ yên trong suốt 12 năm, chúng tôi lấy nguồn thu từ đâu ra để bù, không có thu thì làm sao có chi. Với tình hình này, các HTX cũng như các công ty quản lý chợ đang gặp khó khăn toàn cục”, ông Trần Ngọc Phát lo lắng.

Tin cùng chuyên mục