Tìm giải pháp nhà ở cho người thu nhập thấp

Ngày 17-9, UBND TPHCM đã tổ chức hội thảo “Giải pháp nhà ở đáp ứng gia tăng dân số 1 triệu người sau mỗi 5 năm ở TPHCM giai đoạn 2021-2035”. Hội thảo đã quy tụ các khách mời trong và ngoài nước, lãnh đạo các sở ngành, quận huyện. Đồng chí Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM, tham dự hội thảo.
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong trao đổi cùng đại biểu tại hội thảo. Ảnh: VIỆT DŨNG

Áp lực dân số gia tăng

Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong nêu thực trạng: Năm 2019, dân số TP khoảng 9 triệu người nhưng thực tế có hơn 13 triệu người đang sinh sống, làm việc, học tập, du lịch. Dân số đông nhưng sự phân bố dân cư chưa hợp lý. Tốc độ gia tăng dân số tại TPHCM nhanh, bình quân mỗi năm TP tăng khoảng 200.000 người, trung bình 5 năm tăng khoảng 1 triệu người dẫn đến những áp lực rất lớn trong công tác quản lý đô thị, đòi hỏi phải đặt ra các yêu cầu cao hơn về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đặc biệt là vấn đề về nhà ở. 

Tính đến tháng 6 năm nay, diện tích nhà ở bình quân đầu người tại TP đạt 19,9m²/người (vượt chỉ tiêu đề ra là 19,8m²/người); dự kiến đến cuối năm 2020 sẽ đạt 20,3m²/người. Tuy nhiên, theo người đứng đầu chính quyền TP, vẫn còn một bộ phận lớn người lao động, đặc biệt là người dân nhập cư, người có thu nhập thấp đang sinh sống trong điều kiện chật chội, cũ kỹ, chưa đảm bảo vệ sinh, an toàn và phần lớn không có khả năng sở hữu nhà ở, thậm chí để thuê nhà ở với mức giá phù hợp cũng là điều khó khăn. Do đó, việc tập trung xây dựng các cơ chế, giải pháp phát triển nhà ở để đảm bảo an sinh xã hội, đặc biệt là nhà ở xã hội, cho thuê nhà ở giá rẻ để đáp ứng nhu cầu rất lớn về nhà ở cho người có thu nhập thấp, người dân nhập cư là những yêu cầu lớn đặt ra cho một đô thị đặc biệt với mức độ đô thị hóa cao như TPHCM.

Đồng chí Nguyễn Thành Phong cho biết, lãnh đạo TPHCM nhận định việc đáp ứng nhu cầu về nhà ở do dân số ngày gia tăng là một nhiệm vụ quan trọng nên đã đưa các chỉ tiêu phát triển nhà ở vào hệ thống các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội chủ yếu của TP đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025. Nhiệm vụ đặt ra cho TP trong công tác phát triển nhà ở là bên cạnh việc phát triển nhà ở mới kiên cố, cần cải thiện chất lượng nhà ở bán kiên cố thành nhà ở kiên cố thông qua việc chỉnh trang đô thị, đặc biệt là chỉnh trang các khu dân cư hiện hữu.

Báo cáo của Sở Xây dựng nêu lên hiện tượng dịch chuyển dân số từ nội thành ra ngoại thành. Hiện tại đang xảy ra nghịch lý, mặc dù tốc độ tăng dân số bình quân hàng năm khá cao nhưng dân số ở các quận nội thành lại có xu hướng giảm so với năm 2009. Nguyên nhân do việc di dời, tái định cư người dân từ các dự án chỉnh trang, nâng cấp đô thị; do nhu cầu thuê nhà làm văn phòng, cửa hàng ở các quận trung tâm; do giá nhà ở các quận này tăng cao nên người dân có xu hướng chuyển ra các quận huyện nơi có giá nhà đất rẻ hơn để sinh sống. 

Khu dân cư mới tại huyện Bình Chánh, TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG


Chính phủ phải là bệ đỡ cho nhà giá rẻ

Hầu hết khách mời đến từ các nước phát triển đã tập trung làm rõ kinh nghiệm cũng như giải pháp để pháp triển nhà cho người thu nhập thấp, vì đây là thành phần thiếu nhà, dễ bị tổn thương nhất.

“Cần có chương trình nhà ở cho người thu nhập thấp đa dạng trên toàn TP”, ông Yap Kioe Sheng (Thái Lan) khẳng định với bài học từ Thái Lan: để xây dựng nhà cho người thu nhập thấp phải có sự xuất hiện của Nhà nước. Nhà nước khuyến khích tư nhân thực hiện; rà soát lại chính sách và công nghệ, tìm những giải pháp mới để có nhà ở cho người thu nhập thấp. Không nhất thiết phải xây thành cụm mà có thể phân bổ ra nhiều khu vực, vừa bán vừa cho thuê nhà. Ông Yap Kioe Sheng đúc kết, mục tiêu không phải là xây dựng nhiều nhà có chất lượng mà là đáp ứng nhu cầu nhà ở của mọi người; ngoài giá rẻ, căn nhà còn phải tiện ích cho người sử dụng.

Chung quan điểm này, giáo sư Dave Adamson, Giám đốc tri thức của Compass Housing Service, khẳng định: “Chính phủ phải trợ giá cho nhà ở xã hội, đó là nền tảng”. Việc khủng hoảng nhà ở giá rẻ không chỉ diễn ra tại Việt Nam mà toàn cầu. Cho tới nay các quốc gia vẫn tiến hành xây dựng nhà ở xã hội cho các hộ gia đình, cá nhân có thu nhập thấp đến trung bình, được khởi xướng bởi Chính phủ và trợ cấp dài hạn.

Một mô hình nhà ở xã hội mà nước ta hay học tập, chính là đảo quốc Singapore. Tiến sĩ David Koh, Chủ tịch Hội đồng trung tâm hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng Việt Nam, thuật lại, chương trình nhà ở đối với Singapore là “mệnh lệnh chính trị”, nằm trong chương trình ứng cử của Thủ tướng lúc đó (năm 1959). Nhắm vào tầng lớp thu nhập trung bình và thấp, mỗi gia đình sẽ có một ngôi nhà nhưng không miễn phí, họ phải làm việc (để có) và Chính phủ cho vay. Trần thu nhập được áp dụng cho người nộp đơn mua nhà nhưng được điều chỉnh liên tục, năm 2019 ở mức 12.000 USD thu nhập hộ gia đình/tháng. Chương trình rất minh bạch và được công bố rộng rãi, mọi người phải xếp hàng để đợi tới lượt mua nhà, nhân viên nhà nước không có quyền can thiệp. Việc bố trí cư dân trong các tòa nhà sẽ không phân biệt tầng lớp giàu nghèo...

* Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan:

TPHCM có chương trình nhà ở xã hội nhưng tỷ trọng không bằng nhà ở thương mại. Hiện nay, Quỹ Phát triển nhà ở TP vốn ít, hoạt động không mạnh mẽ. Do đó, phải làm cho quỹ này đủ mạnh, hoạt động linh hoạt, có khả năng đáp ứng nhu cầu nhà ở xã hội một cách đồng bộ. Nên chăng, với những quỹ đất nhà ở xã hội 20% trong những dự án nhà ở thương mại, thay vì lấy từ dự án thì chúng ta quy ra giá trị để tập trung về Quỹ Phát triển nhà ở TP, để từ đó hình thành một quỹ lớn, có cơ chế vận hành tốt hơn để triển khai được dự án, đầu tư phát triển nhà ở xã hội?

* Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh:

TPHCM cần tiếp tục quan tâm đến công tác cải cách thủ tục hành chính; đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết trên cơ sở quy hoạch chung TP đã được phê duyệt; xây dựng kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất dành cho phát triển nhà ở; rà soát, bố trí và công bố quỹ đất cụ thể để phát triển từng loại nhà ở và đặc biệt là quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội. TP xem xét thành lập tổ công tác liên ngành để khẩn trương hướng dẫn, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đối với các dự án bất động sản đang bị ách tắc, tạm dừng...

Tin cùng chuyên mục