Tìm hướng phát triển du lịch TP Đà Nẵng

Chiều nay 14-10, tại Trung tâm hội nghị Ariyana (Đà Nẵng), UBND TP Đà Nẵng tổ chức Hội nghị Đầu tư Du lịch Đà Nẵng nhằm quảng bá tiềm năng, lợi thế, kêu gọi đầu tư vào TP Đà Nẵng, đề xuất giải pháp để nâng cao khả năng cạnh tranh, hợp tác phát triển du lịch thành phố.
Hội nghị Đầu tư Du lịch Đà Nẵng nhằm quảng bá tiềm năng, lợi thế, kêu gọi đầu tư vào TP Đà Nẵng
Hội nghị Đầu tư Du lịch Đà Nẵng nhằm quảng bá tiềm năng, lợi thế, kêu gọi đầu tư vào TP Đà Nẵng
Tại hội nghị, các chuyên gia, nhà quản lý, nhà đầu tư,...trao đổi, bàn bạc nhiều vấn đề đang được quan tâm và tìm giải pháp thực hiện như: triển vọng đầu tư hạ tầng du lịch Đà Nẵng so với các thành phố du lịch nổi tiếng trong khu vực và trên thế giới; tổ hợp dịch vụ du lịch giải trí quốc tế, đầu tư bất động sản du lịch tại Đà Nẵng và miền Trung Việt Nam; công tác đầu tư xây dựng phát triển sản phẩm du lịch; công tác liên kết, phối hợp giữa ngành du lịch với ngành hàng không trong phát triển du lịch Đà Nẵng...
Bên cạnh đó, còn có những ý kiến góp ý xây dựng để nâng cao khả năng cạnh tranh và tạo ra môi trường đầu tư thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư tại Đà Nẵng và công tác cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi và điều kiện cho doanh nghiệp và cộng đồng phát triển du lịch.
Đà Nẵng ngày càng có nhiều điểm đến, dịch vụ du lịch hấp dẫn du khách 
Từ kết quả hội nghị này, các nhà quản lý và lãnh đạo thành phố sẽ có các chương trình, kế hoạch cụ thể để hỗ trợ các nhà đầu tư, xúc tiến quảng bá hình ảnh, xây dựng sản phẩm du lịch nhằm phát triển du lịch thành phố Đà Nẵng. Đặc biệt là tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư trong nước và quốc tế để thu hút thêm nguồn lực và công nghệ.
Phát biểu tại hội nghị, ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết, Đà Nẵng có nhiều tiềm năng và điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch. Với lợi thế về cảng biển và sân bay quốc tế, cửa ngõ đi/đến các di sản thế giới ở miền Trung, cùng với nguồn tài nguyên du lịch phong phú và đa dạng, các bãi tắm đẹp, hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ cho du lịch khá đồng bộ, môi trường du lịch được đảm bảo, có cơ chế chính sách ưu đãi thu hút đầu tư, Đà Nẵng đã và đang trở thành điểm đến an toàn và thân thiện của du khách.
Tìm hướng phát triển du lịch TP Đà Nẵng ảnh 2 Đà Nẵng ngày càng có nhiều khu du lịch đẳng cấp quốc tế 
Theo ông Hồ Kỳ Minh, Đà Nẵng tổ chức Hộinghị Xúc tiến Đầu tư Du lịch lần này nhằm tìm ra các giải pháp để nâng cao khả năng cạnh tranh của du lịch thành phố Đà Nẵng; xúc tiến thu hút đầu tư, hợp tác phát triển du lịch thành phố; quảng bá và khai thác thế mạnh của du lịch thành phố Đà Nẵng là du lịch biển, nghỉ dưỡng biển và du lịch công vụ.
Đây là hội nghị chuyên đề được tổ chức trong khuôn khổ Diễn đàn Đầu tư Đà Nẵng, hướng tới sự kiện Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 được tổ chức tại thành phố Đà Nẵng.
Hội nghị lần này cũng là cơ hội để các doanh nghiệp du lịch trong nước cùng các tổ chức, doanh nghiệp du lịch quốc tế được gặp gỡ tại thành phố Đà Nẵng. Thông qua sự kiện này, các doanh nghiệp du lịch có thể giới thiệu các sản phẩm và dịch vụ du lịch đến các đối tác tiềm năng từ khắp nơi trên thế giới tham gia sự kiện.
Tìm hướng phát triển du lịch TP Đà Nẵng ảnh 3 Nhiều sản phẩm du lịch đẳng cấp quốc tế có mặt tại Đà Nẵng 
Ông Ngô Quang Vinh, Giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng cho biết, trong những năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp lãnh đạo, sự hỗ trợ của các sở ngành, nỗ lực của các doanh nghiệp du lịch, ngành du lịch Đà Nẵng đã có những bước phát triển nhanh, trở thành một trong những ngành kinh tế quan trọng đóng góp vào sự phát triển của thành phố Đà Nẵng.
Du lịch phát triển đã góp phần làm thay đổi diện mạo đô thị, tạo thêm nhiều việc làm, cải thiện môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Tốc độ tăng trưởng về khách du lịch bình quân hàng năm giai đoạn 2011-2015 là 20,1%, trong đó khách quốc tế tăng bình quân 25,4%, khách nội địa tăng bình quân 18,5%. Tổng thu du lịch giai đoạn 2011-2015 tăng bình quân đạt 30,7%.

Tổng lượt khách đến Đà Nẵng năm 2016 đạt hơn 5,5 triệu lượt, tăng 18,4% so với năm 2015; trong đó khách quốc tế đạt 1,67 triệu lượt, tăng 32,4% so với năm 2015. Tổng thu du lịch đạt 16.082 tỷ đồng, tăng 25,4% so với năm 2015.

Dự kiến năm 2017, thành phố Đà Nẵng sẽ đón được 6,5 triệu lượt khách, trong đó có hơn 2 triệu lượt khách quốc tế.

Tính đến tháng 9-2017, tổng số cơ sở lưu trú trên địa bàn thành phố có 653 cơ sở lưu trú, với 25.756 phòng. Tổng số đơn vị kinh doanh lữ hành trên địa bàn thành phố là 313 đơn vị; thành phố có trên 3.158 hướng dẫn viên, 730 xe đạt chuẩn phục vụ du lịch.

Hiện thành phố Đà Nẵng có 83 dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch dịch vụ với tổng vốn đầu tư khoảng 7,3 tỷ USD (tương đương 153.000 tỷ đồng).

Sản phẩm du lịch thành phố ngày càng được hoàn thiện, đầu tư nâng cấp với các sản phẩm mới như: quần thể du lịch sinh thái Bà Nà - Suối Mơ, Bán đảo Sơn Trà, các khu du lịch Hòa Phú Thành, Helio, Công viên Núi Thần Tài, Công viên Châu Á...  

Công tác xúc tiến quảng bá đã được quan tâm cả ở trong nước và nước ngoài, hàng năm thành phố tổ chức các sự kiện lớn: Cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế, cuộc thi marathon quốc tế, Cuộc đua thuyền buồm quốc tế Clipper Race, Khai trương mùa du lịch biển, Đà Nẵng – Điểm hẹn mùa hè, Đại hội Thể thao bãi biển châu Á...

Công tác đảm bảo môi trường du lịch tiếp tục được giữ vững, đảm bảo về an ninh, an toàn, nhiều mô hình mới được đưa vào hoạt động hiệu quả tạo tâm lý an tâm cho du khách (Mô hình Trung tâm hỗ trợ du khách, Đội cứu hộ biển, thành lập lực lượng chống chèo kéo khách du lịch, Tổ phản ứng nhanh).

Nguồn nhân lực du lịch được từng bước bổ sung và tăng cường đã phần nào đáp ứng nhu cầu phát triển nhanh của ngành du lịch.

Thời gian qua điểm đến Đà Nẵng đã được nhiều du khách, doanh nghiệp, các tổ chức du lịch, các tạp chí, trang mạng chuyên về du lịch trên thế giới bình chọn và đánh giá cao, đặc biệt là năm 2016, thành phố Đà Nẵng nhận được giải thưởng danh giá “Điểm đến sự kiện lễ hội hàng đầu châu Á” đã góp phần định vị hình ảnh và từng bước khẳng định vị trí thương hiệu du lịch thành phố Đà Nẵng tầm quốc tế.

Tuy nhiên, theo ông Ngô Quang Vinh, hoạt động du lịch vẫn còn những khó khăn, thách thức đó là: các dự án quy hoạch điểm xây dựng cầu tàu, bến du thuyền đã có, tuy nhiên các dự án chậm triển khai, ít nhiều ảnh hưởng đến sự phát triển của du lịch đường sông; thiếu chính sách ưu đãi đầu tư phát triển các dịch vụ vui chơi giải trí, nhất là giải trí về đêm, khu mua sắm và ẩm thực quy mô lớn; nguồn nhân lực du lịch vẫn chưa đáp ứng kịp nhu cầu phát triển hiện nay; sự phát triển nhanh của hệ thống khách sạn, condotel, một số thị trường khách tăng nhanh đã có những phức tạp quá tải, không đáp ứng kịp về cơ sở hạ tầng và nhân lực, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp du lịch còn hạn chế đã phần nào ảnh hưởng đến môi trường du lịch của thành phố…

Nghị quyết số 33/NQ-TW ngày 16-10-2003 của Bộ chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã xác định: “Đầu tư phát triển du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố” và đầu năm 2017, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 08 về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, du lịch phát triển tạo nền tảng để phát triển đột phá cho ngành, thúc đẩy và tạo cơ sở cho các ngành khác phát triển; xây dựng thành phố trở thành trung tâm du lịch ven biển lớn tầm cỡ quốc gia và quốc tế.

Ngành du lịch sẽ tập trung phát triển du lịch vào chiều sâu, hình thành các sản phẩm du lịch mới, có sức cạnh tranh cao. Ưu tiên phát triển theo 3 nhóm sản phẩm chính: Nhóm sản phẩm du lịch biển, nghỉ dưỡng cao cấp; Nhóm sản phẩm du lịch mua sắm, hội nghị hội thảo (MICE); Nhóm sản phẩm du lịch văn hoá, lịch sử, sinh thái, làng quê, làng nghề, Đa dạng hóa sản phẩm du lịch bổ trợ như du lịch tâm linh, du lịch văn hóa - ẩm thực, chữa bệnh - làm đẹp, du lịch thể thao giải trí biển... Nâng cao chất lượng dịch vụ theo hướng chuyên nghiệp, đảm bảo môi trường du lịch an ninh, an toàn, sạch đẹp, thân thiện và mang tính bền vững. Đẩy mạnh việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhân lực du lịch có kỹ năng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của du khách, gắn hoạt động đào tạo của nhà trường với thực tiễn của doanh nghiệp, xã hội.

Mục tiêu đến phấn đấu đến năm 2020 đón 9 triệu – 9,5 triệu khách du lịch, trong đó 3-3,5 triệu khách quốc tế và hơn 6 triệu khách nội địa. Tốc độ tăng trưởng về lượng khách bình quân hằng năm giai đoạn 2016-2020 đạt 14-16%. Tổng thu du lịch đến năm 2020 phấn đấu tổng thu du lịch đạt 36.400 tỷ đồng, tăng bình quân hằng năm giai đoạn 2016-2020 từ 22-24%, tạo việc làm cho 85.000 lao động trực tiếp trong lĩnh vực du lịch.

Tin cùng chuyên mục