Tìm kiếm vẻ đẹp cho khu vực trung tâm TPHCM

Những yêu cầu chủ yếu đối với sự phát triển của khu vực trung tâm thành phố mở rộng:
Tìm kiếm vẻ đẹp cho khu vực trung tâm TPHCM
Tìm kiếm vẻ đẹp cho khu vực trung tâm TPHCM ảnh 1

Hướng nhìn từ công trường Mê Linh sang quận 2 - bên bờ Thủ Thiêm sẽ xây dựng một quảng trường mới. Ảnh: ĐỨC TRÍ

Tuần qua, Sở Quy hoạch Kiến trúc TPHCM đã tổ chức Hội thảo cung cấp thông tin cho các đơn vị tham gia cuộc thi “Ý tưởng thiết kế đô thị khu vực trung tâm hiện hữu mở rộng TPHCM”. 
 
Đã có khá nhiều thông tin cần thiết cho việc tìm kiếm một ý tưởng và làm cho ý tưởng ấy khả thi được cung cấp cho các đơn vị tham gia cuộc thi. Quy hoạch chung phát triển thành phố đến 2025; quy hoạch giao thông, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Hữu Tín cũng thông báo UBND TP xác định khu vực trung tâm của thành phố sẽ là trung tâm về tài chính, thương mại, do đó chiều cao công trình có thể tăng để thêm diện tích sử dụng và tạo đất cho cây xanh, các hộ dân ở trung tâm sẽ được tái định cư tại chỗ và không phát triển thêm dân số ở đây.

Và một điều rất quan trọng được ông Tín lưu ý: kiến trúc cảnh quan khu trung tâm hiện hữu phải hài hòa và kết nối với kiến trúc cảnh quan đô thị mới Thủ Thiêm - Một điều kiện khá rộng, đủ để trí tưởng tượng của các kiến trúc sư làm việc! Buổi chiều ngày hội thảo, Sở Quy hoạch Kiến trúc đã đưa các đơn vị đi tham quan thực tế.

Cùng động thái với Sở Quy hoạch Kiến trúc, Ban quản lý đô thị mới Thủ Thiêm cũng đang xúc tiến các thủ tục ký hợp đồng tư vấn cho việc tổ chức cuộc thi quốc tế thiết kế quảng trường và công viên dọc sông Sài Gòn với tập đoàn Sasaki (Nhật)-đơn vị đã làm quy hoạch cho đô thị mới Thủ Thiêm.

Theo kế hoạch, Sasaki sẽ tổ chức các cuộc hội thảo lấy ý kiến các chuyên gia, lập trang web lấy ý kiến mọi tầng lớp nhân dân để hoàn thiện đề bài thi thiết kế khu quảng trường. Trên cơ sở những góp ý của người dân, Sasaki sẽ làm nhiệm vụ thiết kế đề bài thi. Dự kiến thời gian này sẽ tốn khoảng 3 tháng, sau đó đề thi sẽ được công bố rộng rãi.

Theo Ban quản lý đô thị mới Thủ Thiêm, quảng trường và công viên dọc sông Sài Gòn rộng khoảng 20 ha, nằm đối diện quảng trường Mê Linh với chiều rộng khoảng 2km và sâu 40m-200m kéo đến gần khu vực dự kiến sẽ xây dựng công viên Vầng Trăng (thuộc đô thị mới Thủ Thiêm). Quảng trường này sẽ kết nối hoàn hảo với khu vực trung tâm thành phố hiện hữu bằng những phối cảnh hài hòa và bằng một số cầu vượt sông Sài Gòn dành cho người đi bộ. Cuộc thi dự kiến sẽ kéo dài trong 3 tháng.

Hai cuộc thi kiến trúc đang được khẩn trương triển khai thực hiện, chứng tỏ quyết tâm của thành phố: tìm kiếm một vẻ đẹp cho khu vực trung tâm nhằm làm cho thành phố ngày càng đẹp hơn. Theo dự kiến, sẽ có một khoản tiền không nhỏ được chi ra để thực hiện 2 cuộc thi này.

Những yêu cầu chủ yếu đối với sự phát triển của khu vực trung tâm thành phố mở rộng:
 1. Tầm nhìn đối với khu vực trung tâm thành phố.
 2. Phát triển cân bằng với Thủ Thiêm.
 3. Bảo đảm tính khả thi và thu hút đầu tư.
 4. Phát triển bền vững.
 5. Củng cố và bổ sung thêm các chức năng.
 6. Khai thác tốt cảnh quan Sông Sài Gòn.
 7. Quan tâm đến bảo tồn.
 8. Tăng cường không gian công cộng và hệ thống cây xanh.
 9. Tổ chức tốt hệ thống giao thông.
 Khu vực nghiên cứu thuộc khu vực trung tâm hiện hữu của thành phố Hồ Chí Minh, bao gồm toàn bộ các phường Nguyễn Thái Bình, Bến Thành, Bến Nghé, Phạm Ngũ Lão, Đakao (quận 1); phường 6, một phần phường 7 (quận 3); dải bờ Tây Sông Sài Gòn kéo dài từ cầu Sài Gòn đến cầu Tân Thuận (thêm một phần quận 4 và quận Bình Thạnh).
 Khu vực nghiên cứu được giới hạn bởi:
 - Phía Bắc giáp rạch Thị Nghè, đường Nguyễn Hữu Cảnh thuộc quận Bình Thạnh đến cầu Sài Gòn.
 - Phía Nam giáp đường Nguyễn Thị Minh Khai, đường Cống Quỳnh, đường Nguyễn Cư Trinh, đường Nguyễn Thái Học, cầu Ông Lãnh thuộc quận 1, đường Vĩnh Phước, đường Hoàng Diệu và đường Nguyễn Tất Thành thuộc quận 4.
 - Phía Đông giáp sông Sài Gòn.
 - Phía Tây giáp đường Đinh Tiên Hoàng, đường Võ Thị Sáu và đường Cách Mạng Tháng Tám thuộc quận 3.
 Tổng diện tích khu vực nghiên cứu 930ha, trong đó diện tích mặt nước sông Sài Gòn chiếm diện tích là 77 hecta, diện tích đất là 853ha.
 Dân số hiện hữu trong khu vực trung tâm khoảng 270.000 người, mật độ cư trú trung bình khoảng 31.600 người/km2.
 Thành phố dự kiến giới hạn quy mô dân số trong khu vực trung tâm hiện hữu mở rộng khoảng 300.000 đến 350.000 người.

 Khu vực trung tâm là nơi diễn ra các hoạt động hành chính quan trọng nhất của thành phố với trụ sở Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố tọa lạc chung trong tòa nhà kiến trúc Pháp tại số 86 đường Lê Thánh Tôn, quận 1. Ngoài ra, trong khu trung tâm còn có nhiều các công trình công sở của các cơ quan Trung ương, các sở ban ngành của thành phố, các trụ sở hành chính cấp quận và các phường.


 
                                                                                       AN NHIÊN-NGUYÊN THẢO
 

Tin cùng chuyên mục