Tìm lời giải cho những bài thi điểm 0

Câu hỏi đặt ra ở đây là vì sao một kỳ thi với mục tiêu đánh giá và phân loại thí sinh nhằm phục vụ công tác tuyển sinh đầu cấp, không mang tính chất đánh đố hay tuyển chọn học sinh giỏi lại xuất hiện quá nhiều bài thi 0 điểm?

Điểm thi của hơn 87.000 thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2018-2019 tại TPHCM đã được công bố.

Thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TPHCM cho thấy, đối với các bài thi trên 5 điểm, môn Ngữ văn có 74.872 bài thi (chiếm tỷ lệ 86,31 %), môn Tiếng Anh có 43.947 bài thi (chiếm tỷ lệ 50,9%) và môn Toán có 42.101 bài thi (chiếm tỷ lệ 48,54 %). So với mùa tuyển sinh năm 2017, môn Toán có phổ điểm ít biến động trong khi 2 môn còn lại là Ngữ văn và Tiếng Anh đều có số lượng bài thi trên 5 điểm giảm mạnh.

Điều này, theo lý giải của một lãnh đạo Sở GD-ĐT TP, là do đề thi được đổi mới, tăng cường các yêu cầu vận dụng lý thuyết giải quyết vấn đề đặt ra trong thực tiễn, phạm vi tích hợp kiến thức từ các môn học khác cũng được cho là phong phú và rõ nét hơn.

Song, thống kê của Sở GD-ĐT TP cũng cho thấy có gần 300 bài thi điểm 0 (môn Ngữ văn có 9 bài thi, môn Tiếng Anh có 4 bài thi và dẫn đầu là môn Toán với 256 bài thi). Câu hỏi đặt ra ở đây là vì sao một kỳ thi với mục tiêu đánh giá và phân loại thí sinh nhằm phục vụ công tác tuyển sinh đầu cấp, không mang tính chất đánh đố hay tuyển chọn học sinh giỏi lại xuất hiện quá nhiều bài thi 0 điểm?

Nhìn lại đề thi tuyển sinh lớp 10 năm nay, ở môn Ngữ văn, thí sinh chỉ cần trả lời chính xác 1 trong số 4 ý của câu hỏi số 1 về đọc-hiểu văn bản là có thể dễ dàng có 0,5 điểm. Đáp án hướng dẫn chấm điểm môn Ngữ văn do Sở GD-ĐT công bố còn “mở lối” cho thí sinh khi ghi rõ “học sinh có thể diễn đạt theo nhiều cách khác nhau, miễn sao hợp lý”. Câu số 2 của đề thi về nghị luận xã hội chỉ yêu cầu thí sinh đảm bảo cấu trúc đầy đủ 3 phần của bài nghị luận là mở bài (nêu vấn đề) - thân bài (triển khai ý) - kết bài (kết luận vấn đề) đã được chấm 0,5 điểm. Như vậy, dù nội dung bài viết có lan man, không đúng trọng tâm, thậm chí lạc đề vẫn không đến mức bị 0 điểm.

Tương tự, ở 2 môn Tiếng Anh và Toán, dù việc ra đề được cho có nhiều đổi mới song ở mỗi môn thi đều có những câu hỏi kiểm tra kiến thức cơ bản của thí sinh. Vì vậy, việc có quá nhiều bài thi 0 điểm theo đánh giá của nhiều giáo viên không phải do mức độ khó, dễ của đề thi mà do ý thức làm bài của thí sinh, có một phần nguyên nhân do “hiệu ứng tâm lý” sau khi đọc đề thi đem lại.        

Đáng nói, sau khi Sở GD-ĐT TP công bố điểm thi, tại nhiều trường THCS đã có thí sinh nộp đơn chấm phúc khảo. Nhiều giáo viên cũng tỏ ra ngạc nhiên trước tỷ lệ khá cao học sinh đạt điểm dưới trung bình môn Toán.

Tổ trưởng Toán một trường THCS có tiếng trên địa bàn quận 3 thẳng thắn bày tỏ: “Điểm thi môn Toán nhiều năm qua luôn có kết quả thấp nhất so với 2 môn thi còn lại, cho thấy không phải năng lực học Toán của học sinh TP yếu hơn các môn thi khác mà do đề thi không bám sát năng lực và trình độ học tập của thí sinh”.

Hiệu trưởng một trường THPT ở quận 10 nêu quan điểm đề tuyển sinh dù mang “sứ mạng” phân hóa năng lực học tập của học sinh, tăng cường đưa các vấn đề thực tiễn yêu cầu học sinh giải quyết nhưng vẫn cần bám sát nội dung, chương trình các môn học. Đơn cử như ở môn Toán, ngay sau khi kết thúc giờ làm bài, đã có nhiều thí sinh bật khóc khi rời khỏi phòng thi vì đề Toán quá dài, các em gặp khó khăn trong việc đọc, hiểu văn bản do câu hỏi nào cũng vận dụng tối đa việc “liên hệ thực tế”.

Trái ngược với điểm thi tuyển sinh lớp 10 thường, ở khối lớp 10 chuyên, điểm chuẩn chuyên toán năm nay được đánh giá tăng cao đột biến. Cụ thể, so với năm 2017, điểm chuẩn chuyên toán vào Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong năm nay tăng 6 điểm, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa cũng tăng 6,5 điểm, THPT Gia Định tăng 9 điểm. Tuy nhiên, điểm chuẩn các lớp chuyên Văn lại giảm.

Cụ thể, lớp 10 chuyên văn Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong giảm từ 38 điểm xuống còn 35,5 điểm, lớp chuyên Anh giảm từ 38 điểm xuống còn 36,5 điểm.

Qua đó cho thấy, mức độ ổn định của đề thi tuyển sinh qua các năm đang thiếu sự ổn định và cũng đặt ra nhiều vấn đề để ngành GD-ĐT TPHCM xem xét lại. Bộ GD-ĐT đang chủ trương đổi mới thi cử, giảm áp lực học hành cho thí sinh nhưng với cách ra đề thi hiện tại, học sinh lớp 9 ở các trường THCS vẫn bị ép vào cuộc đua học thêm, luyện giải đề mẫu. Một mùa tuyển sinh dù được đánh giá không có đột biến nhưng vẫn tạo ra nhiều tâm lý bất an cho xã hội.

Tin cùng chuyên mục