Tìm nguồn học sinh giỏi vào đại học

Số lượng học sinh ở các trường chuyên, đặc biệt là các trường từ Thừa Thiên - Huế trở vào, đăng ký dự thi vào các trường thành viên ĐHQG TPHCM khá cao, chiếm tỷ lệ 20% - 25% học sinh của mỗi trường. Tỷ lệ trúng tuyển của học sinh các trường chuyên cũng ở mức rất cao.
Tìm nguồn học sinh giỏi vào đại học
Tuy tỷ lệ nhập học so với số lượng gọi trúng tuyển chỉ đạt xấp xỉ 50% (nói cách khác là tỷ lệ ảo còn khá cao), nhưng phương thức ưu tiên xét tuyển thẳng từ thí điểm của Đại học Quốc gia (ĐHQG) TPHCM đã tạo thêm cơ hội xét tuyển cho nhiều học sinh, tạo thêm nguồn đầu vào là các học sinh giỏi cho các trường thành viên. Và sự tiên phong này của ĐHQG TPHCM đã được nhiều trường áp dụng.
Năm 2015, với đổi mới của kỳ thi THPT quốc gia đầu tiên, ĐHQG TPHCM đã thí điểm xét tuyển thẳng 5 trường chuyên, gồm THPT Năng khiếu (thuộc ĐHQG TPHCM), THPT chuyên Quang Trung (Bình Phước), THPT chuyên Đại học Ngoại ngữ và THPT chuyên Khoa học tự nhiên (đều thuộc ĐHQG Hà Nội), THPT chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định), với chỉ tiêu không quá 5% tổng chỉ tiêu của ngành/nhóm ngành.
Từ năm 2016, ĐHQG TPHCM đã mở rộng phương thức ưu tiên xét tuyển thẳng đến 82 trường chuyên trên cả nước và các trường THPT có kết quả thi THPT quốc gia nằm trong tốp 100 của cả nước, với chỉ tiêu lên đến 15% - 20% tổng chỉ tiêu.
Qua tuyển sinh, các trường thành viên ĐHQG TPHCM thu hút được nhiều học sinh giỏi từ các địa phương trên cả nước.
Hàng năm, số lượng học sinh ở các trường chuyên, đặc biệt là các trường từ Thừa Thiên - Huế trở vào, đăng ký dự thi vào các trường thành viên ĐHQG TPHCM khá cao, chiếm tỷ lệ 20% - 25% học sinh của mỗi trường. Tỷ lệ trúng tuyển của học sinh các trường chuyên cũng ở mức rất cao.
Địa bàn địa lý vẫn là yếu tố quan trọng trong việc chọn lựa của học sinh thuộc diện đối tượng được ưu tiên xét tuyển thẳng. Có đến hơn 90% hồ sơ đăng ký xét tuyển đến từ các trường THPT từ Nghệ An trở vào.
TPHCM chiếm 40% tổng số học sinh đến nhập học theo diện ưu tiên xét tuyển thẳng. Nhưng hiệu quả rõ nhất trong ưu tiên xét tuyển thẳng chính là số học sinh trường chuyên đến từ các tỉnh thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long (vốn là địa bàn tuyển sinh của Trường Đại học Cần Thơ), đã tăng lên đáng kể so với những năm tuyển sinh trước 2014, chiếm đến 30% tổng số học sinh nhập học theo diện ưu tiên xét tuyển thẳng.
Một điểm đáng lưu ý là thí sinh đăng ký xét tuyển theo diện này trải đều gần như tất cả các ngành đào tạo, không giống như xét tuyển thẳng chỉ tập trung nhiều ở một số ngành nhất định.  
Trong kỳ tuyển sinh 2018, ĐHQG TPHCM tiếp tục dành 15% tổng chỉ tiêu của ngành/nhóm ngành để xét tuyển thẳng học sinh các trường THPT chuyên, năng khiếu của các trường đại học, tỉnh/thành trên toàn quốc và học sinh các trường THPT thuộc nhóm 100 trường có điểm trung bình thi THPT quốc gia cao nhất năm 2015, 2016, 2017.
Hiện nhiều trường đại học khác trong kỳ tuyển sinh 2018 cũng đã áp dụng phương thức ưu tiên xét tuyển thẳng học sinh các trường chuyên và các trường THPT thuộc tốp 100, tốp 200, như Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TPHCM, Trường Đại học Tài chính - Marketing, Trường Đại học Kinh tế TPHCM...
Trong năm tuyển sinh 2018, nếu tính tất cả diện tuyển thẳng đã được mở rộng thêm bao gồm các học sinh đoạt giải cuộc thi khoa học kỹ thuật quốc gia; học sinh đoạt giải quốc tế về thể dục thể thao, năng khiếu nghệ thuật, mỹ thuật; học sinh đoạt giải kỳ thi tay nghề khu vực ASEAN và thi tay nghề quốc tế, thì số lượng gần 4.000 học sinh. Đây thực sự là nguồn đầu vào khá chất lượng.
Từ năm 2013, Bộ GD-ĐT đã cho phép 10 trường đại học, cao đẳng được thí điểm xét tuyển thí sinh từ học bạ THPT, đến năm 2014 mở rộng đến 62 trường, và từ khi bắt đầu kỳ thi THPT quốc gia 2015, số trường đại học xét tuyển theo phương thức dùng học bạ THPT đã lên đến hơn 100 trường, chủ yếu là các trường đại học tư thục, các trường đại học địa phương và một số ngành, trường khó tuyển sinh. Phương thức này đã góp phần giảm áp lực của kỳ thi THPT quốc gia, khi hàng năm có trung bình khoảng 20% - 25% học sinh dự thi nhưng không đăng ký xét tuyển vào các trường đại học. Tuy nhiên, việc xét tuyển dựa chủ yếu trên học bạ THPT không tạo được nguồn học sinh giỏi cho các trường đại học, nhất là các trường có số lượng đăng ký xét tuyển hàng năm rất lớn. 

Tin cùng chuyên mục