Tín dụng đen đã len lỏi tới vùng cao, vùng đồng bào dân tộc

Thiếu tướng Lương Tam Quang, Chánh Văn phòng Bộ Công an cho biết, theo thống kê chưa đầy đủ, trong 4 năm qua trên toàn quốc xảy ra 7.424 vụ phạm tội liên quan tới tín dụng đen. 

Ngày 4-1, tại Hà Nội, Bộ Công an đã họp báo thông báo một số nội dung kết quả đạt được trong năm 2018 và nhiệm vụ 2019, trong đó đề cập tới một số nội dung được dư luận cả nước quan tâm, như nạn lộng hành tín dụng đen, điều tra một số vụ án nóng. Tại đây, vấn đế tín dụng đen được đề cập như một thông điệp mà ngành công an đưa ra để cảnh báo người dân. Thiếu tướng Lương Tam Quang, Chánh Văn phòng Bộ Công an cho biết, theo thống kê chưa đầy đủ, trong 4 năm qua trên toàn quốc xảy ra 7.424 vụ phạm tội liên quan tới tín dụng đen, qua điều tra của cơ quan công an có 56 vụ liên quan tới giết người, 398 vụ cố ý gây thương tích, 629 vụ cướp tài sản, 836 vụ cưỡng đoạt tài sản, gần 2.000 vụ lừa đảo. Bên cạnh đó còn có 3.581 vụ lạm dụng tín nhiệm, 165 vụ hủy hoại tài sản liên quan tới tín dụng đen.

Đang rà soát 200 băng nhóm tín dụng đen

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Nam cũng cảnh báo, nạn tín dụng đen hiện đã không đóng khung ở trong biên giới mà còn liên quan đến yếu tố bên ngoài. “Hiện nay tín dụng đen đang là vấn đề rất phức tạp không chỉ ở Hà Nội mà nhiều địa phương khác. Bên cạnh đó, loại hình này không chỉ đóng khung ở trong biên giới, mà phía Bộ đã phát hiện những chuyên án liên quan đến yếu tố bên ngoài. Nhưng vì phải làm thận trọng do liên quan đến một số nước khác”, Thứ trưởng Bùi Văn Nam khẳng định.

Tín dụng đen đã len lỏi tới vùng cao, vùng đồng bào dân tộc ảnh 1 Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Nam  cảnh báo nạn tín dụng đen đã không còn bó hẹp trong biên giới. Ảnh ĐỖ TRUNG
Cũng về vấn đề này, Thiếu tướng Lương Tam Quang thông tin, lực lượng cảnh sát hình sự của Bộ Công an hiện đang rà soát làm rõ có khoảng 200 băng nhóm hoạt động liên quan đến tín dụng đen với gần 2.000 đối tượng hoạt động liên quan đến lĩnh vực này.
“Vừa qua ở Thanh Hóa, Bắc Ninh, Đắk Lắk, công an đã đấu tranh và đưa lên các phương tiện truyền thông đại chúng. Hoạt động này diễn ra rất phức tạp đến nông thôn vùng cao đồng bào dân tộc”, Thiếu tướng Quang nhấn mạnh. Để nhận diện nạn tín dụng đen, người phát ngôn Bộ Công an cho rằng, tín dụng đen là hình thức cho vay hoặc huy động vốn với lãi suất vượt mức lãi suất cho vay được pháp luật quy định và được thực hiện bởi cá nhân nhóm người hoặc tổ chức kinh doanh tài chính thường gắn với hành vi đòi nợ chiếm đoạt tài sản trái pháp luật.

Hoạt động tín dụng đen gắn với hoạt động tội phạm có tổ chức và được núp dưới dạng các phòng họp là các cơ sở kinh doanh cầm đồ, cơ sở kinh doanh tài chính, doanh nghiệp công ty… Các đối tượng hoạt động tín dụng đen thường hoạt động núp bóng dưới các cơ sở kinh doanh đòi nợ thuê, công ty vệ sĩ, các tổ chức tín dụng hoạt động biến tướng dưới mọi hình thức như khuyến mãi hoa hồng, huy động vốn để đầu tư, ủy thác đầu tư, đầu tư trái phiếu với lãi suất cao...

Cũng theo Thiếu tướng Lương Tam Quang, nhiều người tuy không phải là đối tượng cho vay chuyên nghiệp nhưng do hám lợi với lãi suất cao nên đi vay của người thân của đối tượng cho vay tín dụng đen để cho vay lại. Đến khi các con nợ bị vỡ nợ hoặc bỏ trốn thì những người trung gian trở thành con nợ và bị các đối tượng cho vay tín dụng đen siết nợ.

Giải pháp đấu tranh với nạn tín dụng đen như thế nào, trong khi chế tài xử lý chưa tương xứng với mức độ phạm tội của loại tội phạm này? Thiếu tướng Lương Tam Quang cho biết, hiện nay Bộ công an đang tháo gỡ vướng mắc liên quan đến các hoạt động này nhất là chính sách liên quan và đang thống nhất đề xuất để làm sao xử lý nghiêm hoạt động này, hình thức và hình phạt sẽ mang tính răn đe để hoạt động này không còn tái diễn trong tương lai.

Vụ TNGT tại Long An: Trách nhiệm thuộc chủ doanh nghiệp

Liên quan tới vụ tai nạn nghiêm trọng làm 4 người chết tại Long An hôm 2-1 vừa qua, Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Giao thông (CSGT), Bộ Công an cho biết, qua vụ TNGT này, trách nhiệm của lực lượng CSGT sẽ trao đổi với Bộ Giao thông Vận tải (GT-VT) nghiên cứu đề xuất nhưng vấn đề cần giải quyết. Đại tá Bình cũng thông tin, theo quy định của Bộ Y tế và Bộ GT-VT, thi lấy bằng lái xe, lái xe phải khám sức khỏe, trong đó có kiểm tra ma túy trong máu và nước tiểu. “Hàng năm phải kiểm tra, khám sức khỏe định kỳ và đột xuất đối với lái xe. Trách nhiệm này thuộc về chủ doanh nghiệp. Đối với CSGT, khi tai nạn xảy ra thì kiểm tra nồng độ cồn và kiểm tra ma túy là điều bắt buộc. Các lực lượng chức năng sẽ xử lý mạnh, răn đe. Việc vi phạm nồng độ cồn đến mức phải xử lý hình sự sẽ báo cáo cơ quan chức năng để tính toán” lãnh đạo Cục CSGT cho biết.

Tín dụng đen đã len lỏi tới vùng cao, vùng đồng bào dân tộc ảnh 2 Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Giao thông trả lời báo chí. Ảnh ĐỖ TRUNG

Theo thống kê của Cục CSGT, năm 2018, lực lượng CSGT đã xử lý 176.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, tăng hơn 13 % so với cùng kỳ. Hiện lực lượng CSGT đang thực hiện cao điểm bảo đảm an toàn giao thông dịp tết. Trước thực trạng lưu lượng giao thông ngày một tăng, có nguy cơ tai nạn bất cứ lúc nào, vấn đề này, lãnh đạo Cục CSGT cho rằng, thống kê hiện nay cứ trên 1.000 người thì có 40 phương tiện ôtô và 600 môtô tham gia lưu thông, trong khi cơ sở vật chất chưa đảm bảo, ý thức người tham gia giao thông chưa cao, nên nguy cơ tai nạn vẫn còn lớn.

       Thông tin bắt cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Sơn là không chính xác

Cũng trong buổi họp báo của Bộ Công an, Thiếu tướng Lương Tam Quang khẳng định, vừa qua một số thông tin mạng xã hội đăng tải việc Bộ Công an khởi tố một cựu Bộ trưởng Bộ TT&TT trong vụ án xảy ra tại AVG và MobiFone là không có cơ sở. Thiếu tướng Lương Tam Quang cho biết, Bộ Công an đã có quan điểm rằng tất cả các vụ việc liên quan đều đưa lên Cổng thông tin điện tử Bộ Công an. Khi Cổng thông tin chưa đưa tin thì các thông tin ngoài mạng xã hội đều không chính xác.

Tin cùng chuyên mục