Tín hiệu tích cực từ nông sản xuất khẩu

Bộ Công thương phối hợp với dự án Hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của châu Âu (EU - Mutrap) tổ chức họp bàn giải pháp duy trì và mở rộng thị trường rau quả tươi xuất khẩu của Việt Nam vào châu Âu.
Tại cuộc họp, nhiều chuyên gia kinh tế cho biết, từ đầu năm đến nay, kim ngạch xuất nhập khẩu rau quả Việt Nam có những bước tăng ngoạn mục. Tuy nhiên, doanh nghiệp nội cần nâng cao chất lượng hàng xuất khẩu để đáp ứng những rào cản kỹ thuật, tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm ngày càng khắt khe của nhiều nước trên thế giới.
Tín hiệu tích cực từ nông sản xuất khẩu ảnh 1
 Xuất siêu 1.489 triệu USD
Phân tích về kim ngạch xuất nhập khẩu hàng nông sản Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Đạt, Tổng thư ký Hiệp hội Rau củ quả Việt Nam, nhấn mạnh kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam năm 2017 ước đạt 2.642 triệu USD, tăng 44,2% so với năm 2016. Kim ngạch nhập khẩu cũng đạt 1.153 triệu USD, tăng 78,2%. Như vậy, tính chung Việt Nam đang xuất siêu mặt hàng nông sản, thực phẩm ước đạt 1.489 triệu USD. Xét kim ngạch xuất khẩu trên từng thị trường cụ thể thì thị trường châu Á vẫn là khu vực dẫn đầu khi chiếm 85,9% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, Thái Lan là nước đẩy mạnh nhập khẩu trái cây của Việt Nam, chiếm hơn 60%. Tại thị trường châu Âu, sau khi sản phẩm nông sản Việt Nam bị hạn chế nhập khẩu do lo ngại thiếu an toàn vệ sinh thực phẩm vào năm 2013, đến nay cũng đang ấm dần lên. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản Việt Nam tại thị trường này chiếm 3,8%. Còn tại thị trường các khu vực khác như Australia, Mỹ, New zealand… chiếm 6,3%. Sản phẩm rau củ chế biến chiếm tỷ lệ lớn nhất với 46,9%, còn lại là rau và trái cây tươi. 

Cùng với những tín hiệu tích cực của thị trường xuất khẩu nhưng doanh nghiệp Việt Nam cũng đang đối mặt với nhiều nguy cơ rủi ro. Ông Lê Thanh Hòa, Phó giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết ở mỗi thị trường có những rủi ro khác nhau. Cụ thể, với thị trường Mỹ, Australia, New zealand, Nhật Bản, Hàn Quốc… để có thể xuất được một loại trái cây vào thị trường này, cần phải đàm phán trung bình khoảng 3 - 8 năm. Những yếu tố nguy cơ về dịch hại phải được phân tích và đánh giá toàn diện trước khi quyết định cho sản phẩm đó được nhập vào thị trường. Riêng với thị trường châu Âu có dễ hơn, bởi doanh nghiệp chỉ cần xuất khẩu được sản phẩm vào bất kỳ nước nào trong 28 nước thuộc Liên minh châu Âu thì sẽ dễ dàng được xuất vào những nước còn lại. Ngược lại, để có thể chen chân vào thị trường này, doanh nghiệp phải đáp ứng hàng rào tiêu chuẩn dày đặc. Nếu một trong các nước thuộc liên minh châu Âu phát hiện 5 lô hàng/năm vi phạm tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm thì ngành xuất khẩu rau củ, quả Việt Nam đối mặt nguy cơ bị đóng cửa thị trường tại đây. Trường hợp này đã từng xảy ra vào năm 2013 và phải mất 5 năm sau, sản phẩm nông sản của Việt Nam mới được nới lỏng và đặt chân trở lại thị trường châu Âu. 

Ổn định nguồn cung xuất khẩu 

Những sản phẩm nông sản Việt Nam đang có lợi thế xuất khẩu vào thị trường thế giới là rau gia vị và trái cây tươi. Thế nhưng, những nông sản này thường mắc phải một số bệnh và tiềm ẩn nguy cơ chứa dư lượng thuốc trừ sâu vượt ngưỡng cho phép. Ông Thế Lãm, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Tư vấn xuất nhập khẩu và xúc tiến thương mại toàn cầu, bức xúc: “Rất nhiều doanh nghiệp không thể tìm nguồn hàng đảm bảo chất lượng để cung ứng cho đơn hàng xuất khẩu. Nguyên nhân do nông dân không tuân thủ quy trình sản xuất an toàn. Hiện để đảm bảo ổn định nguồn hàng xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp đã phải thiết lập trang trại trồng nông sản riêng hoặc liên kết với nông dân cùng trồng. Điều này gây khó cho doanh nghiệp nếu muốn mở rộng số lượng hàng xuất khẩu”. 

Một vấn đề khác được nhiều doanh nghiệp đưa ra là khâu quản lý chất lượng thuốc bảo vệ thực vật sản xuất, nhập khẩu và phân phối trên thị trường còn yếu. Người sản xuất muốn tuân thủ quy định an toàn vệ sinh thực phẩm nhưng sử dụng phải thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng thì cũng không thể đáp ứng tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Các hiệp hội, doanh nghiệp đã kiến nghị nhiều về việc cần thiết phải có biện pháp chế tài mạnh đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất cũng như sử dụng thuốc bảo vệ thực vật giả, không rõ nguồn gốc, nhưng đến nay những biện pháp chế tài cũng chỉ dừng lại mức phạt hành chính nên chưa đủ sức răn đe đối tượng vi phạm. 

Có thể thấy, cơ hội cho thị trường hàng nông sản Việt Nam không thiếu, nhưng để giữ và mở rộng thị phần xuất khẩu trên thị trường thế giới, Chính phủ cần thiết phải quy hoạch và phát triển các vùng sản xuất tập trung, phục vụ cho các sản phẩm chủ lực xuất khẩu. Bên cạnh đó, ông Đàm Quốc Trụ, chuyên gia tư vấn EU - Mutrap, cho rằng các cơ quan chức năng phải có chính sách thu hút đầu tư công nghệ xử lý, kiểm dịch thực vật và công nghệ bảo quản, chế biến sâu để đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu. Riêng với doanh nghiệp xuất khẩu phải đảm bảo tiêu chuẩn trồng rau trong nhà lưới, truy xuất được nguồn gốc, có chứng nhận quốc tế về kiểm định thực vật. Đặc biệt, doanh nghiệp nên tuân thủ quy trình VietGAP để giảm thiểu nguy cơ rau củ, quả, trái cây nhiễm bệnh dịch hại, duy trì giải pháp quản lý mã số nhà lưới, nhà đóng gói và hệ thống truy nguồn gốc nguyên liệu xuất nhập khẩu. Giữa nhà xuất khẩu và người sản xuất cần có sự liên kết chặt chẽ hơn trong việc đảm bảo nguyên liệu đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm của thị trường EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc... 

Không dừng lại đó, ông Ruggero Malossi, chuyên gia quốc tế dự án EU - Mutrap, nhấn mạnh thêm doanh nghiệp Việt Nam cần phải nắm bắt xu hướng mới của người tiêu dùng trên thị trường thế giới để có sự chuyển đổi sản xuất phù hợp. Hiện ngày càng nhiều người tiêu dùng thích sản phẩm được sản xuất và chế biến bằng phương pháp hữu cơ. Loại sản phẩm này thường có chi phí sản xuất cao hơn nhưng luôn được đánh giá cao và ưu tiên tiêu dùng hơn trên thị trường. Một số quốc gia đã xây dựng các quy định, điều kiện xuất khẩu đối với loại sản phẩm này. Do vậy, chủ động nắm bắt xu hướng và có lộ trình chuyển đổi sẽ giúp doanh nghiệp chủ động hơn trong hoạt động xuất khẩu thời gian tới.

Tin cùng chuyên mục