Tính an toàn và độ bảo mật thông tin trong lĩnh vực thương mại điện tử chưa đạt yêu cầu

Hiện vẫn còn những khoảng trống đáng kể về cạnh tranh trong thị trường thương mại điện tử, giá trị pháp lý của chứng từ điện tử (hợp đồng, hoá đơn điện tử). Đặc biệt, tính an toàn và độ bảo mật thông tin trong lĩnh vực này tuy đã được chú ý nhiều hơn, song vẫn chưa đáp ứng yêu cầu.

Sáng 28-11, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) tổ chức hội thảo “Phát triển thương mại điện tử trong bối cảnh mới: Yêu cầu và bước đi của Việt Nam”.

Tính an toàn và độ bảo mật thông tin trong lĩnh vực thương mại điện tử chưa đạt yêu cầu ảnh 1 Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban Chính sách vĩ mô (CIEM) báo cáo tại hội thảo 
Tại hội thảo, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban Chính sách vĩ mô (CIEM) nhận định, khung pháp lý cho thương mại điện tử đã được hình thành từ năm 2005, chủ yếu thể hiện trong 3 đạo luật: Luật Giao dịch điện tử năm 2005; Luật Thương mại năm 2005 và Luật Công nghệ thông tin năm 2006.
“Về cơ bản, chúng ta đã có các quy định về quản lý, cung cấp sử dụng dịch vụ Internet và thông tin điện tử trên Internet; quản lý tên miền; bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trong thương mại điện tử (TMĐT). Nhưng còn những khoảng trống đáng kể về cạnh tranh trong thị trườngTMĐT, giá trị pháp lý của chứng từ điện tử (hợp đồng, hoá đơn điện tử)”, ông Dương nói.
Ông Dương cũng nêu ví dụ cụ thể về hậu quả dễ nhận thấy của khoảng trống này là cuộc tranh cãi chưa có hồi kết giữa các hãng taxi truyền thống với Uber, Grab. Hoặc một vấn đề khác vốn đã làm dậy sóng các thị trường TMĐT phát triển: tính toán chi phí kinh doanh khi có sự kết hợp giữa TMĐT với thương mại truyền thống… Chính sách khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt vẫn chưa phát huy tác dụng như mong muốn, khi mà tỷ lệ thanh toán bằng tiền mặt không có sự khác biệt gì (11,87%) ở thời điểm năm 2010 và quý 2-2018.

Đáng lưu ý, chuyên gia này cũng nhận định, tính an toàn và độ bảo mật thông tin trong lĩnh vực này tuy đã được chú ý nhiều hơn, song vẫn chưa đáp ứng yêu cầu.

Theo bà Lê Thị Hà, Trưởng Phòng chính sách, Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công thương), thị trường bán lẻ trực tuyến Việt Nam có tốc độ tăng trưởng 20%/năm từ năm 2013 đến nay. Dự kiến, đến năm 2020, quy mô thị trường này ước đạt 10 tỷ USD (mua sắm trực tuyến của người dân tương đương 350 USD/năm).

Do đó, để tạo điều kiện phát triển TMĐT, cần sửa đổi Luật Thương mại năm 2005 theo hướng bổ sung một số quy định khung cơ bản về TMĐT; rà soát, nghiên cứu xây dựng nghị định mới thay thế Nghị định 52/2013/NĐ-CP, ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn phù hợp với thực tiễn phát triển. Đặc biệt, cần hoàn thiện Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực TMĐT.  

Tin cùng chuyên mục