Tình dân tộc, nghĩa đồng bào

Đoàn từ thiện Tự Lập (TPHCM) vừa có 2 đêm cuối tuần thức trắng khi đi cứu trợ đồng bào dân tộc Rắc Lây ở xã miền núi Phước Tân (huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận). Đường xa, để tranh thủ thời gian, xe chạy suốt đêm. 
Trao quà cứu trợ đồng bào dân tộc Rắc Lây ở xã Phước Tân
Trao quà cứu trợ đồng bào dân tộc Rắc Lây ở xã Phước Tân
Sự hỗ trợ có ý nghĩa
Đến sáng, ghé một ngôi chùa ở thành phố Phan Rang - Tháp Chàm ăn vội tô bún chay, đoàn lại lên đường về xã Phước Tân. Đường đất đỏ, qua 3 ngày mưa dầm, nước lũ, lại thêm đang bị đào xới để lắp đặt đường ống cấp nước nên có nhiều đoạn lầy lội, nhiều lúc tưởng chừng phải bỏ dở hành trình vì xe sa lầy. Các thanh niên trong đoàn và người dân địa phương phải cặm cụi đi nhặt từng viên đá để lấp các vũng bùn cho xe băng qua.
Trong đoàn có nhiều người cao tuổi nhưng chẳng ai quản ngại khó khăn, vất vả. Họ nhiệt thành góp sức với lòng nhân ái, mong muốn chia sẻ với đồng bào nghèo ở vùng đất khó này. Tham gia chuyến đi, trong số những người thiện nguyện còn có 8 bác sĩ, 8 y tá đang công tác tại các bệnh viện Trưng Vương, An Bình, Triều An (TPHCM) đi khám bệnh, phát thuốc giúp người nghèo. 
Khi xe đến Trường Tiểu học Phước Tân, đoàn thấy đã có rất đông người dân và học trò ở địa phương tụ tập chờ. Việc trao quà diễn ra trật tự, chu đáo. 350 hộ nghèo được nhận cứu trợ, mỗi phần gồm 17 mặt hàng, trị giá 500.000 đồng/phần. Các bác sĩ lập phòng khám bệnh dã chiến và khám liên tục đến tận trưa muộn mới hết bệnh nhân. 
Nhìn những gương mặt sạm nắng, khắc khổ và vóc dáng gầy còm, lam lũ của người dân nghèo xã Phước Tân, mọi người trong đoàn từ thiện đều xúc động, biết rằng những phần quà mình mang đến trao tận tay thực sự có ý nghĩa của tình dân tộc, nghĩa đồng bào. Người Rắc Lây ở nơi đất cằn sỏi đá, cần cù trồng bắp, trồng khoai mì nhưng chẳng đủ ăn, nên đường, sữa, cá hộp, nước tương, bánh kẹo... đều là những nhu yếu phẩm mà họ không thể mua. Nhiều phụ nữ ở đây cho biết do nghèo khó và chợ rất xa, nên gia đình quanh năm không đi chợ. 
Trong sân chơi của trường, các em nhỏ đang chơi leo trèo, đu trên xích đu làm bằng những lốp ô tô phế liệu. Các em cho biết đã đến đây từ rất sớm, mong được tặng tập, viết, vì chưa có đủ dù đã vào năm học mới. Thầy Nguyễn Minh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phước Tân, kể: “Do nghèo khó nên đồng bào dân tộc ở đây chưa lo cho con học đến nơi đến chốn. Chính quyền xã và nhà trường rất quan tâm việc vận động, chăm lo để các trẻ em trong độ tuổi đi học được đến trường. Có 22 học sinh của trường vừa tốt nghiệp tiểu học, vào học lớp 6 tại trường trung học cơ sở xa hơn 10 cây số; lo các em không thể tiếp tục việc học, nhà trường đi xin được 20 xe đạp để tặng học sinh”.  
Tấm tình chân thành sẻ chia
Trưởng đoàn là bà Nguyễn Thị Hà (ở phường 9, quận 10, TPHCM) 72 tuổi, đã suốt nửa đời tận tụy tổ chức đoàn từ thiện đến nhiều địa phương vùng cao, vùng sâu để giúp đỡ người dân bị thiên tai, nghèo khó. Các thành viên trong Đoàn từ thiện Tự Lập cho biết, đến nay đoàn đã hỗ trợ xây tổng cộng 50 cây cầu và 50 nhà tình thương ở vùng sâu, vùng xa. Cảm kích tấm lòng hào hiệp và tin ở đức độ, uy tín của bà Hà, ngày càng có nhiều người đóng góp kinh phí và công sức tham gia Đoàn từ thiện Tự Lập. Bà Hà kể: “36 năm trước, tôi bệnh nặng, bác sĩ không định bệnh được. Trong tình cảnh nguy nan, chông chênh ấy, tôi được an ủi, động viên, giúp gượng lại và vượt qua bệnh tật, nên càng biết trân trọng cuộc sống, càng biết quý tình người. Từ đó, tôi tâm niệm ra sức làm từ thiện để giúp đỡ những người gặp cảnh hoạn nạn, gian truân”. 
Bà Trương Ngoạc Châu, người phụ trách nhóm bác sĩ, y tá tham gia đoàn từ thiện, cho biết: “Khi hay đoàn tổ chức chuyến đi cứu trợ, các bác sĩ, y tá tình nguyện dành ngày nghỉ cuối tuần để đi khám bệnh, phát thuốc giúp đồng bào nghèo”. Tấm lòng của những người thầy thuốc nhân hậu và nhiệt tình tham gia hoạt động xã hội như vậy thật đáng quý. 
Sau khi xong việc trao quà cứu trợ và khám bệnh, phát thuốc, tưởng là đã có thể lên xe trở về, nhưng một trong 4 chiếc xe ca chở đoàn từ thiện đã bị sa lầy, nghiêng đến mức sắp lật, không sao thoát ra được. Anh Pi Năng Ngọc, Chủ tịch UBND xã Phước Tân, điều xe máy cày, rồi xe ben tới cứu hộ. Nhiều thanh niên địa phương cũng tận tình giúp đẩy xe. Mãi 4 giờ sau xe mới thoát ra được chỗ đường lầy. Sau hành trình đi và về gần 800km, khi mọi người về đến nhà đã gần 2 giờ sáng. Gặp sự cố như vậy lại càng thêm hiểu và cảm kích tấm lòng của các thành viên trong đoàn. Họ không chỉ nhiệt thành đóng góp tiền của, công sức để giúp những người nghèo khó, hoạn nạn mà còn chấp nhận cả những khó khăn, vất vả trong chuyến đi làm từ thiện với tấm tình chân thành sẻ chia, đầy nhân ái.

Tin cùng chuyên mục