Tinh giản biên chế, công tác bổ nhiệm ở Bộ GD-ĐT còn nhiều bất cập

Ngày 23-7, Tổ công tác về kiểm tra công vụ của Thủ tướng Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, Tổ trưởng Tổ công tác làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc và kiểm tra tại Bộ VH-TT-DL và Bộ GD-ĐT.

Tại Bộ VH-TT-DL, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Nguyễn Anh Tuấn cho biết, Ban Cán sự đảng, lãnh đạo Bộ VH-TT-DL xác định rõ việc chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật về kỷ luật, kỷ cương hành chính trong các cơ quan, đơn vị là nội dung quan trọng góp phần nâng cao chất lương, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ chính trị và các mặt công tác khác của cơ quan, đơn vị.

Bộ VH-TT-DL cũng đã ban hành nhiều văn bản nhằm siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; đổi mới lề lối, tác phong làm việc, tạo chuyển biến, mạnh mẽ, tích cực trong thi hành công vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong ngành.

Tinh giản biên chế, công tác bổ nhiệm ở Bộ GD-ĐT còn nhiều bất cập ảnh 1 Tổ công tác của Thủ tướng kiểm tra hoạt động công vụ tại Bộ VH-TT-DL. Ảnh: TUẤN THANH

Theo báo cáo, việc tinh giản biên chế tại Bộ VH-TT-DL đã ban hành kế hoạch thực hiện tinh giản biên chế, giai đoạn 2015-2018, đã tinh giản được 83 trường hợp, với tổng kinh phí giải quyết gần 8,5 tỷ đồng, đồng thời giảm được 1 cơ quan hành chính thuộc Bộ và 1 đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ; giảm 2 đơn vị sự nghiệp trực thuộc Cục; giảm 299 phòng và tổ chức tương đương. Dự kiến trong quý 3-2019 sẽ giảm thêm 9 đơn vị sự nghiệp công lập.

Tổ công tác cho rằng, ngành VH-TT-DL có các đối tượng viên chức đặc thù là diễn viên múa, xiếc, vận động viên thể thao… có tuổi đời rất trẻ nhưng các quy định đều phải thực hiện theo quy định chung chứ chưa có cơ chế, chính sách mang tầm luật để thực hiện mang tính đặc thù, đề nghị Bộ VH-TT-DL nghiên cứu, có đề xuất.

Tại buổi kiểm tra, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân đề nghị Bộ VH-TT-DL cần rút kinh nghiệm, ban hành thể chế kịp thời để chấn chỉnh, đảm bảo các hoạt động văn hóa lành mạnh, xuất phát từ một số vụ việc liên quan tới các lễ hội dân gian còn mang tính mê tín dị đoan.

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân đề nghị Ban Cán sự đảng, lãnh đạo Bộ VH-TT-DL chỉ đạo các cơ quan chuyên môn triển khai thực hiện tốt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và Chính phủ trong việc sắp xếp tổ chức bộ máy và công tác cán bộ; rà soát và khắc phục các trường hợp đề bạt, bổ nhiệm chưa đúng quy định theo Kết luận số 43 của Bộ Chính trị về công tác cán bộ.

Cùng với đó, rà soát các quy định theo thẩm quyền của Bộ để sửa đổi cho phù hợp với quy định của pháp luật. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra về công tác cán bộ, đảm bảo 100% các đơn vị được kiểm tra trong năm 2019.

Đề nghị lãnh đạo Bộ chỉ đạo rà soát chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của ngành, nếu cần thiết thì đề xuất Chính phủ sửa đổi Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ; đẩy mạnh tổ chức sắp xếp tinh gọn các đơn vị sự nghiệp công lập và chuyển đổi sang cơ chế tự chủ.

Cùng ngày, trong buổi làm việc, kiểm tra tại Bộ GD-ĐT, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân và các thành viên trong Tổ công tác cũng đề nghị Bộ GD-ĐT bổ sung đầy đủ số liệu các nội dung theo yêu cầu về tuyển dụng, tiếp nhận công chức, viên chức về các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ, nhất là số lượng người làm việc có mặt tính đến thời điểm hiện tại; số lượng biên chế đã tinh giản; kết quả sắp xếp tổ chức bộ máy các đơn vị hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ; số lượng lãnh đạo, quản lý được bổ nhiệm, bổ nhiệm lại các cấp và số lượng cấp phó theo quy định…

Tinh giản biên chế, công tác bổ nhiệm ở Bộ GD-ĐT còn nhiều bất cập ảnh 2 Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân kiểm tra công tác công vụ tại Bộ GD-ĐT. Ảnh: TUẤN THANH

Theo kết luận thanh tra của Thanh tra Bộ Nội vụ, Bộ GD-ĐT vẫn còn một số trường hợp lao động hợp đồng làm công tác chuyên môn; số lượng cấp phó ở một số cơ quan, đơn vị còn vượt quá số lượng theo quy định.

Việc này, Thanh tra Bộ Nội vụ đề nghị Bộ GD-ĐT báo cáo công tác tuyển dụng công chức từ năm 2016 đến nay; báo cáo việc khắc phục những hạn chế theo Kết luận số 43 của Bộ Chính trị về công tác cán bộ.

Bộ GD-ĐT cũng phải báo cáo thêm về đề án sáp nhập, giải thể các trường đại học công lập; đề án sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập; đề án sắp xếp các trường sư phạm. Báo cáo bổ sung việc thực hiện chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp sang cơ chế tự chủ chi thường xuyên, chi đầu tư. Cùng với đó, bổ sung kết quả đánh giá cán bộ, công chức, viên chức hàng năm từ 2015 trở lại đây.

Tổ công tác cũng đề nghị Bộ GD-ĐT rà soát và chấm dứt sử dụng hợp đồng lao động làm công tác chuyên môn. Báo cáo rõ việc xây dựng và phê duyệt đề án vị trí việc làm trong các đơn vị sự nghiệp công lập.

Đánh giá về việc thực hiện cải cách công vụ, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho rằng, quản lý biên chế giáo dục ở Bộ GD-ĐT còn nhiều nội dung chưa phối hợp tốt với các địa phương. Đặc biệt tinh giản biên chế và công tác bổ nhiệm còn nhiều bất cập. Về phê duyệt đề án vị trí việc làm trong các đơn vị sự nghiệp còn chậm. Chưa tham mưu trình Chính phủ về đề án sắp xếp các cơ sở giáo dục và đơn vị sự nghiệp công lập.

Do đó, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân đề nghị Ban Cán sự đảng, lãnh đạo Bộ GD-ĐT chỉ đạo quyết liệt thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương về công tác tổ chức bộ máy, tuyển dụng, quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra công vụ và phải hoàn thành việc kiểm tra 100% các đơn vị trong năm 2019. Rà soát và khắc phục các trường hợp vi phạm trong công tác cán bộ như tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm… theo Kết luận số 43 của Bộ Chính trị về công tác cán bộ.

Tin cùng chuyên mục