Tinh hoa Bắc bộ là tác phẩm phái sinh

TAND TP Hà Nội vừa mở phiên sơ thẩm xét xử vụ kiện tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến chương trình trình diễn thực cảnh Ngày xưa (Thuở ấy xứ Đoài) giữa Công ty CP Tuần Châu Hà Nội (thuộc Tập đoàn Tuần Châu) và đạo diễn Việt Tú.
Ngôi nhà thủy đình có trong cả vở diễn Ngày xưa và Tinh hoa Bắc bộ
Ngôi nhà thủy đình có trong cả vở diễn Ngày xưa và Tinh hoa Bắc bộ

Không thể là sáng tạo độc lập

Tại phiên xét xử, TAND TP Hà Nội đã công bố công văn phản hồi của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam với tư cách hội nghề nghiệp, được TAND TP Hà Nội yêu cầu đưa ra ý kiến chuyên môn về hai tác phẩm có tranh chấp là Tinh hoa Bắc bộ và Ngày xưa (Thuở ấy xứ Đoài).

Trên cơ sở đề nghị của TAND TP Hà Nội, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam đã thành lập Hội đồng thẩm định do NSƯT Lê Chức, Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, làm Chủ tịch cùng các thành viên gồm NSƯT, đạo diễn Trần Minh Ngọc, PGS-TS Trần Trí Trắc và PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái. Sau khi xem xét, Hội đồng thẩm định đã có văn bản phản hồi như sau:

Về ý kiến đề nghị làm rõ việc chương trình thực cảnh Tinh hoa Bắc bộ có dấu hiệu sao chép lại cách thể hiện chủ chốt của kịch bản cũng như vở diễn Ngày xưa (Thuở ấy xứ Đoài) hay không? Theo đánh giá của Hội đồng thẩm định thì chương trình Tinh hoa Bắc bộ có nhiều điểm giống nhau về cơ bản.

Cụ thể, về ý tưởng hai chương trình đều có chung một ý tưởng dàn dựng, trình diễn thực cảnh nhằm tôn vinh văn hóa truyền thống dân tộc; chỉ khác nhau ở tên gọi từng trò diễn, từng phân cảnh. Về chất liệu, hai bên đều sử dụng loại hình nghệ thuật múa rối nước kết hợp với những màn biểu diễn tập thể và cùng một địa điểm. Về kết cấu câu chuyện, nội dung của các tiết mục trong hai chương trình có nhiều điểm giống nhau, tuy nhiên tên gọi của các nhân vật có khác nhau hoặc thay bài hát dân ca này bằng bài hát dân ca khác; có nhiều phân cảnh giống nhau…

Đặc biệt, chi tiết giống nhau nhất là hai bên đều sử dụng ngôi nhà thủy đình có gắn động cơ ở trên hồ cho đình chuyển động, hai chương trình cùng một địa điểm nên không gian nghệ thuật lặp lại, các diễn viên tham gia trong hai chương trình cũng giống nhau về số lượng tương đương, kể cả đạo cụ biểu diễn cũng không khác nhau là mấy… Từ thực tế so sánh, Hội đồng thẩm định kết luận, nhận thấy hai chương trình giống nhau về căn bản từ ý tưởng, chất liệu, kết cấu đến địa điểm, trang phục, đạo cụ…

Với việc sử dụng gần như toàn bộ diễn viên, trang phục, đạo cụ, thiết kế ánh sáng, âm thanh vốn được dựng, thiết kế dành riêng cho vở diễn có trước là Ngày xưa, Hội đồng thẩm định cho rằng Tinh hoa Bắc bộ không được coi là sáng tạo độc lập mà chỉ có thể coi là vở diễn phái sinh. Hội đồng thẩm định cũng khẳng định, trong thực tế của nghệ thuật biểu diễn chưa xảy ra trường hợp nào như vậy mà được coi là sáng tạo độc lập.

Nhập nhèm sáng tạo và đạo nhái

Vở Thuở ấy xứ Đoài (có tên khác là Ngày Xưa) được đạo diễn Việt Tú công diễn tháng 6-2016 tại Quốc Oai, Hà Nội. Đến tháng 10-2017, vở Tinh hoa Bắc Bộ do đạo diễn Hoàng Nhật Nam dàn dựng ra mắt trên đúng địa điểm trước đó đã diễn ra vở Thuở ấy xứ Đoài. Tháng 3-2018, đại diện Công ty CP Tuần Châu Hà Nội cho biết, TAND TP Hà Nội đã thụ lý đơn kiện của đạo diễn Việt Tú, đòi bồi thường số tiền hơn 6 tỷ đồng. Luật sư của Công ty CP Tuần Châu Hà Nội cáo buộc đạo diễn Việt Tú vi phạm nhiều nguyên tắc thỏa thuận hợp đồng giữa hai bên, cụ thể là cố tình xâm phạm, chiếm đoạt quyền sở hữu khi tự ý đăng ký bảo hộ quyền tác giả đối với kịch bản vở diễn.

Ngay sau đó, đạo diễn Hoàng Nhật Nam cũng gửi đơn kiện đạo diễn Việt Tú khi đồng nghiệp phát ngôn trên báo chí cho rằng, vở thực cảnh Tinh hoa Bắc bộ do anh dàn dựng là một tác phẩm “phái sinh”, “đạo nhái” từ vở Thuở ấy xứ Đoài.

Phía đạo diễn Việt Tú phủ nhận việc vi phạm hợp đồng về quyền công bố tác phẩm. Anh khẳng định không có vở thực cảnh nào trên thế giới lại được dàn dựng trên nền không gian của một vở trước đó. Tháng 5-2018, TAND TP Hà Nội đã thụ lý đơn khởi kiện của đạo diễn Việt Tú phản tố Công ty CP Tuần Châu Hà Nội, yêu cầu doanh nghiệp này và Sen Vàng (bên có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan) chấm dứt hành vi xâm phạm quyền tác giả đối với kịch bản Thuở ấy xứ Đoài và trả nợ, bồi thường thiệt hại tổng cộng 7,2 tỷ đồng.

Tại phiên xử ngày 14-3, đại diện VKSND TP Hà Nội cho rằng, vở diễn Ngày xưa là kết quả của việc thực hiện hợp đồng giữa Công ty CP Tuần Châu Hà Nội và Công ty DS. Phía Tuần Châu không trực tiếp sáng tạo sản phẩm hay một phần tác phẩm nên ông Việt Tú là tác giả vở diễn. Nhà đầu tư nắm quyền sở hữu. Việc phía bị đơn đăng ký quyền tác giả cho đạo diễn Việt Tú là phù hợp, nhưng cùng mang tên công ty là trái quy định.

Theo đại diện VKSND TP Hà Nội, việc Công ty CP Tuần Châu Hà Nội thuê đơn vị khác dàn dựng vở diễn thay thế không đủ cơ sở cho thấy đạo diễn Việt Tú vi phạm hợp đồng. Đây là lựa chọn của Công ty CP Tuần Châu Hà Nội nên không có căn cứ buộc Công ty DS bồi thường 5,9 tỷ đồng.

Tuy nhiên, Công ty CP Tuần Châu Hà Nội là chủ sở hữu vở diễn nên có quyền làm tác phẩm phái sinh, không liên quan đến Công ty DS. Ngoài ra, VKSND TP Hà Nội cho rằng cần xem xét các khoản lãi phát sinh mà Công ty CP Tuần Châu Hà Nội phải trả cho đạo diễn Việt Tú. Riêng khoản 6,3 tỷ đồng tính theo doanh thu 10% vở Tinh hoa Bắc bộ là không có căn cứ, kiểm sát viên đề nghị tòa không chấp nhận yêu cầu bồi thường của Công ty DS.

Tòa sẽ tuyên án vào ngày 20-3 tới đây.

Tin cùng chuyên mục