“Tinh Hoa Bắc Bộ” là tác phẩm phái sinh từ “Ngày Xưa“

Sáng ngày 20-3, sau nhiều ngày nghị án, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân TP Hà Nội ra phán quyết tranh chấp bản quyền sở hữu trí tuệ giữa Công ty truyền thông DS (DS) do đạo diễn Nguyễn Việt Tú làm giám đốc và Công ty cổ phần Tuần Châu Hà Nội (Tuần Châu). 
Đạo diễn Nguyễn Việt Tú và đại diện Công ty cổ phần Tuần Châu Hà Nội nghe phần phán quyết của toà về vụ tranh chấp
Đạo diễn Nguyễn Việt Tú và đại diện Công ty cổ phần Tuần Châu Hà Nội nghe phần phán quyết của toà về vụ tranh chấp

HĐXX sơ thẩm nhận định Đạo diễn Việt Tú là tác giả của vở diễn "Ngày Xưa"  (còn gọi là "Thuở ấy xứ Đoài") , còn Tuần Châu là chủ sở hữu kịch bản. Việc DS đăng ký quyền tác giả đối với đạo diễn Việt Tú là đúng quy định nhưng việc DS đứng tên sở hữu kịch bản là sai. Do đó, tòa chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Tuần Châu buộc phía Đạo diễn Việt Tú chuyển giao quyền sở hữu kịch bản vở diễn "Ngày Xưa", nhưng không chấp nhận yêu cầu bồi thường hơn 6 tỷ đồng do không có căn cứ.

Bên cạnh đó Tuần Châu phải trả cho DS tiền lãi chậm thanh toán, tiền lãi phát sinh theo hợp đồng tương ứng với 10% bán vé là hơn 660 triệu đồng.

“Tinh Hoa Bắc Bộ” là tác phẩm phái sinh từ “Ngày Xưa“ ảnh 1 Bày tỏ vui mừng trước phán quyết của tòa sáng nay của đạo diễn Nguyễn Việt Tú. Ảnh: ĐỖ TRUNG
Trong khi đó, sau khi kết thúc phần tuyên án, Đạo diễn Nguyễn Việt Tú cho biết, việc tòa xác định đúng bản chất vấn đề là giây phút lịch sử, không chỉ cho riêng cá nhân ông, mà cho tất cả các nghệ sĩ, để hiểu được sự sáng tạo, quyền sở hữu trí tuệ. Việc này các nghệ sĩ không chỉ gìn giữ và còn ý thức được rằng tầm quan trọng của sáng tạo đó trong sự phát triển chung của nền công nghiệp giải trí.
“Tôi đã chờ giây phút này rất lâu, tôi cảm thấy mình may mắn vì ở thời điểm này không chỉ nhiều thành phần trong xã hội, các cơ quan hành pháp đã nhận thấy tầm quan trọng của quyền sở hữu trí tuệ. Tôi cho rằng, điều quan trọng nhất với các nghệ sĩ có ước mơ trong nền công nghiệp giải trí là quyền sở hữu trí tuệ, sáng tạo, cần được tôn trọng và hiểu đúng giá trị của nó”, Đạo diễn Việt Tú nói.

Cũng theo giám đốc DS, qua sự việc này, khẳng định ông chưa bao giớ có ý định chiếm đoạt bất kỳ một quyền gì trong quyền sở hữu trí tuệ mà không thuộc về mình.

“Tôi và nhiều nghệ sĩ mong đợi, cần phải có 1 án lệ về quyền sở hữu trí tuệ. Sau sự việc này, tôi hy vọng không chỉ riêng tôi mà các nghệ sĩ, các nhà đầu tư, doanh nghiệp sẽ ý thức được tầm quan trọng của sở hữu trí tuệ trong sự phát triển chung của Việt Nam và quốc tế”, đạo diễn Việt Tú cho hay.

Trước đó, liên quan tới vụ  tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ này, trong phiên xử ngày 14-3 vừa qua, 2 bên đã tranh luận gay gắt về những bằng chứng xác định bản quyền trong vở thực cảnh "Ngày xưa".
Tại tòa hôm đó, đại diện Hội Nghệ sĩ sân khấu có công văn về việc cho ý kiến chuyên môn đối với 2 vở diễn thực cảnh "Ngày xưa" (còn gọi là "Thuở ấy xứ Đoài") và “Tinh hoa Bắc Bộ”.
Theo ý kiến của Hội Nghệ sĩ sân khấu, “Tinh hoa Bắc Bộ” là tác phẩm phái sinh của “Thuở ấy xứ Đoài”.
Hội này cũng cho biết là đã thành lập hội đồng thẩm định, và nhận thấy chương trình có nhiều điểm giống nhau, cả 2 vở đều có ý tưởng chung dàn dựng cảnh nhằm tôn vinh vẻ đẹp làng quê.
Câu chuyện, nội dung, kết cấu có điểm giống nhau, chỉ khác tên gọi, bài hát, nhiều phân cảnh giống nhau. Hội này nhận thấy 2 chương trình đều giống nhau ý tưởng, trang phục, đạo cụ.
“Trường hợp "Tinh hoa Bắc Bộ" có sau mà sử dụng gần như toàn bộ diễn viên, trang phục vốn được sử dụng cho “Thuở ấy xứ Đoài” thì “Tinh hoa Bắc Bộ” không được coi là sáng tạo nghệ thuật mà chỉ coi là vở diễn “phái sinh”. Thực tế biểu diễn chưa xảy ra trường hợp nào như sự việc này mà được coi là sáng tạo nghệ thuật” - đại diện Hội Nghệ sĩ sân khấu nêu. 
Viện Kiểm sát thì nêu quan điểm cho rằng tác phẩm “Ngày xưa" là kết quả của việc thực hiện hợp đồng số 0111 giữa Công ty Tuần Châu và DS. Tuần Châu chỉ hỗ trợ đạo diễn Việt Tú sáng tạo, do đó Tuần Châu không được công nhận là tác giả, ông Tú là tác giả duy nhất.
“Tinh Hoa Bắc Bộ” là tác phẩm phái sinh từ “Ngày Xưa“ ảnh 2 Đạo diễn Nguyễn Việt Tú cho biết, từ sự việc lần này cần thấy được cần thiết phải bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Ảnh: ĐỖ TRUNG
Trong diễn biến vụ kiện, Tuần Châu cho biết, đã ký hợp đồng hơn 7,4 tỷ đồng với DS nhận thực hiện tư vấn, thiết kế kỹ thuật, dàn dựng vở diễn có tên “Thuở ấy xứ Đoài” tại khu du lịch Tuần Châu Hà Nội (huyện Quốc Oai, TP Hà Nội).
Theo hợp đồng, DS có nhiệm vụ tiếp cận và tìm hiểu quy mô dự án theo yêu cầu của chủ đầu tư, thiết kế hạ tầng biểu diễn, đưa ra các giải pháp biểu diễn cho dự án, tổ chức hoạt động biểu diễn, đào tạo diễn viên, thiết kế kịch bản, nội dung biểu diễn. Tuần Châu khẳng định đã đầu tư xây dựng kịch bản vở diễn, thanh toán cho đạo diễn Nguyễn Việt Tú hơn 7 tỷ đồng và chi gần 6 tỷ đồng cho việc biểu diễn trong năm 2017 nên có quyền sở hữu. Do vậy, việc đạo diễn Nguyễn Việt Tú tự ý đăng ký bảo hộ quyền tác giả với tác phẩm tại Cục Bản quyền; khai thác trái phép nhãn hiệu “Thuở ấy xứ Đoài” là không đúng quy định. Do đó, phía Tuần Châu yêu cầu đạo diễn Nguyễn Việt Tú trả lại quyền sở hữu quyền tác giả; chấm dứt quảng cáo, giới thiệu và thực hiện các quyền sở hữu trí tuệ khác với vở kịch này. Bên cạnh đó, Tuần Châu đòi DS bồi thường hơn 6 tỷ đồng là chi phí thuê người làm vở diễn thay thế và thuê luật sư.
Trong khi đó, đạo diễn Nguyễn Việt Tú khẳng định, cáo buộc trên mang tính áp đặt, và cho rằng hầu hết các luận điểm không có chứng cứ thuyết phục. 
Từ vụ kiện này, đạo diễn Nguyễn Việt Tú khẳng định: "Tôi chỉ có 1 thông điệp rằng, chừng nào chúng ta còn chấp nhận việc những sáng tạo còn chưa được tôn trọng thì chừng đó tất cả những sáng tạo của giới nghệ sĩ sẽ không được tôn trọng, không được thừa nhận, như thế giấc mơ vươn ra biển lớn, hội nhập quốc tế sẽ không thực hiện được và đó là điều xa vời. Nếu phía Tuần Châu không có những động thái kiện tụng vô nghĩa thì tôi khẳng định sẽ không có động thái pháp lý tiếp theo”.

Tin cùng chuyên mục