Tỉnh táo chọn lọc thông tin

Báo SGGP vừa đăng bài viết "Truyền thông xã hội đối với ổn định chính trị, xã hội ở Việt Nam" của đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương. 

Bài viết này được dư luận quan tâm, nhiều bạn đọc đã gửi ý kiến phân tích, thảo luận về việc khai thác và phát huy những đặc tính ưu việt của truyền thông xã hội, đồng thời đấu tranh ngăn chặn những tác động tiêu cực khó kiểm soát từ dạng thức truyền thông mới này. Báo SGGP lần lượt đăng các ý kiến góp ý, thảo luận của bạn đọc.

TRẦN THÁI HỌC (xã An Thới, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre):

Nói không với tin giả

Trong bài viết, đồng chí Võ Văn Thưởng đã nhắc đến thực tế “Truyền thông xã hội, tin giả đã trở thành từ khóa làm nhiều người liên tưởng tới những cuộc xuống đường bạo động khiến cả châu Âu và thế giới đứng ngồi không yên suốt thời gian qua”.

Đó thực sự là một thực tế đáng lo ngại. Tin giả xuất hiện ngày càng nhiều trên những phương tiện truyền thông đại chúng mới, cụ thể là blog và mạng xã hội Facebook, Twitter... Do dễ dàng tự đăng tải thông tin để phục vụ mục đích cá nhân, nhiều người đã không ngần ngại đưa những tin sai sự thật, chắp vá câu chuyện để kích động, lôi kéo cư dân mạng đến với trang cá nhân của mình. Từ đó, làm nhiễu, sai lệch thông tin đời thực.   

Ngày 10-3-2018, trên trang Facebook có tên “Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam” đưa bài Cảnh giác với chiêu bài bảo vệ nước mắm truyền thống với những thông tin sai sự thật và nhằm phục vụ lợi ích cá nhân. Sau đó, ông Trần Thanh Lâm, Phó vụ trưởng Vụ Báo chí - Xuất bản thuộc Ban Tuyên giáo Trung ương, đã kịp thời thông báo rằng trang này là giả mạo và khẳng định ban hiện không có bất kỳ trang Facebook nào để chia sẻ thông tin.

Tỉnh táo chọn lọc thông tin ảnh 1 Nhiều người không ngần ngại đưa những tin sai sự thật, chắp vá 
câu chuyện để kích động, lôi kéo cư dân mạng. (Ảnh minh họa từ internet) 
Gần đây nhất, cơ quan chức năng đã phạt bà Nguyễn Thị Minh Nghĩa (chủ trang Facebook Đầm bầu thời trang Mami) 20 triệu đồng, do dùng hình ảnh thịt heo nhiễm sán ở Bình Dương từ năm 2018 để thông tin về dịch tả heo châu Phi, rồi kêu gọi mọi người ngưng sử dụng thịt heo và bịa đặt rằng dịch có thể lây sang người. Các động thái phản ứng nhanh với tin giả như vậy là cần thiết!

Mặc dù những tin giả đã bị cơ quan chức năng nhanh tay vào cuộc dập tắt, nhưng nó như một loại virus cực độc, lây lan nhanh không tưởng. Để tin giả không còn đất sống, mọi người nên cân nhắc trước khi xem và kiểm chứng tin từ nhiều nguồn để thẩm định độ chính xác. Tuyệt đối không share, không tag... khi còn có nghi vấn, để tránh tình trạng tin giả lan truyền chóng mặt.

Nhưng tốt nhất, mọi người nên xem tin tức từ các trang báo mạng chính thống, trang thông tin điện tử của các ban ngành đoàn thể... Bởi kẻ xấu tung tin giả không chỉ xuất phát từ việc bốc đồng, chơi nổi, nhằm mục đích thu lợi kinh tế cá nhân, mà đôi khi nguyên nhân sâu xa là chia rẽ khối đoàn kết dân tộc, gây hoang mang dư luận, chống phá Đảng và Nhà nước, cũng như làm lung lay lòng tin của nhân dân.

NGUYỄN TẤN QUỐC (phường 9, quận 5, TPHCM):

Nguy hiểm tiềm tàng từ băng nhóm online

Truyền thông xã hội là một mặt trận ngày càng phức tạp, mở rộng. Hiện nay, trên các trang mạng xã hội và trang chia sẻ giải trí xuất hiện nhiều băng nhóm theo hình thức live streams, đăng ảnh, đăng dòng trạng thái rất “đầu gấu” công khai. Thử vào những kênh của các băng nhóm online trên YouTube và Facebook, sẽ thấy có từ vài trăm ngàn đến vài triệu lượt người theo dõi. Họ làm gì mà nhiều bạn trẻ mê tít đến độ theo dõi thường xuyên như thế? Những live streams của họ đều khoe mẽ chiến tích thanh toán nhau, đòi nợ thuê, đe dọa nạn nhân, thác loạn tại vũ trường, phá hủy tài sản...

Đồng thời, họ chào hàng “khả năng” côn đồ của mình, ai có nhu cầu “xử” người nào đó cứ việc liên hệ (cho số điện thoại công khai). Thêm nữa, họ còn quảng bá việc buôn bán hàng cấm, hoạt động vay mượn tín dụng đen, cờ bạc... Những lời nói của họ thốt ra toàn là chửi thề, xúc phạm đến người khác. 

Bỏ qua chuyện họ có vi phạm pháp luật ngoài đời như họ nói trong các đoạn clip hay không (vì nếu có thì chắc cơ quan chức năng đã tóm gọn; như trường hợp Khá Bảnh - Ngô Bá Khá ở Bắc Ninh - đã bị công an bắt giữ để điều tra hành vi đánh bạc và tiếp tục mở rộng vụ án), vấn đề cần bàn ở đây là những hệ lụy tiềm tàng từ các băng nhóm online như thế này. Điều chúng ta thấy trước mắt nhất là sự suy đồi đạo đức. Nghĩ xem, họ ăn nói bỗ bã, chửi thề, đòi chém giết lung tung, vậy mà hàng trăm ngàn người vào xem rồi bình luận tung hê. Thậm chí nhiều bạn trẻ còn cắt giống kiểu tóc, xăm mình, nhảy điệu nhảy của những đối tượng này.

Cũng không ít bạn bình luận rằng xem cho vui chứ không ủng hộ cái xấu, vậy mà lại đăng ký theo dõi, like sôi nổi. Từ việc “xem cho vui” sẽ tạo ra thói quen, gây nên những hệ lụy về sau. Dù không chắc chắn nhưng việc bắt chước, ảnh hưởng là điều không thể tránh khỏi. Ở thì tương lai, có thể kéo theo hàng loạt những biến đổi tính cách trong cuộc đời của một cá nhân, khi mà các bạn giao tiếp với nhau luôn thốt ra những câu chửi thề, tính khí hung hăng, không lễ phép với người lớn tuổi, ăn mặc dị hợm. Sâu xa hơn nữa là mối nguy hại cho sự nhận thức lệch lạc ở giới trẻ, cũng như mất phương hướng trong việc tiếp nhận thông tin. 

Vì vậy, để những băng nhóm online không còn “đất diễn” thì công chúng không nên vào xem (dù là 1 clip). Phụ huynh có con nhỏ nên giám sát việc này gắt gao để tránh tâm hồn non nớt của trẻ bị tiêm nhiễm. Cơ quan chức năng cần can thiệp sớm và nghiêm để ngăn chặn cái xấu lộng hành.

Tin cùng chuyên mục