Tỉnh táo với thông tin trên mạng xã hội

Việc tung tin giả ngày càng lộng hành, để “câu like”, để bôi nhọ người khác, để trục lợi, hay có dụng ý gây bất an xã hội và mưu đồ chính trị.

Thông tin về chuyện một “hot girl” là “bồ nhí” của một vị lãnh đạo tỉnh vừa khiến dư luận trên mạng xã hội dậy sóng. Thông tin này có vẻ đáng tin cậy vì người tung tin xưng là chồng của người phụ nữ trong ảnh kèm theo, và công bố những dòng tin nhắn mùi mẫn giữa vợ mình và vị lãnh đạo tỉnh mà mình vừa phát hiện, để làm bằng chứng xác thực. Nhưng chủ nhân của tấm ảnh này đã lên tiếng khẳng định chị chưa có chồng và không hề quen biết vị lãnh đạo kia. Chị bàng hoàng không hiểu sao mình lại bị “chơi khăm” đến như vậy. Sự thật được phơi bày: Để bôi nhọ cán bộ, kẻ xấu đã tự tiện lấy ảnh trên facebook cá nhân của chị này ghép với nội dung tin nhắn bịa đặt.

Tin giả và thủ thuật tung tin giả như vậy không mới, nhưng vẫn làm dư luận xôn xao. Nhiều người dùng mạng xã hội vẫn cả tin, không cảnh giác với những thông tin vô căn cứ. Do vậy việc tung tin giả ngày càng lộng hành, để “câu like”, để bôi nhọ người khác, để trục lợi, hay có dụng ý gây bất an xã hội và mưu đồ chính trị. Ngày 21-3, Sở Thông tin - Truyền thông tỉnh Bến Tre đã ra quyết định xử phạt hành chính 10 triệu đồng đối với Nguyễn Minh Chánh, chủ trang fanpage “Tin tức Bến Tre”, về hành vi tung tin giả. Số là ngày 14-3, Chánh đăng trên fanpage của mình tin ở huyện Giồng Trôm (tỉnh Bến Tre) vừa có em bé 4 tuổi bị chặt đầu. Chánh còn khẳng định có sự xác nhận của Bệnh viện Đa Khoa Nguyễn Đình Chiểu. Thực ra, theo lời khai của Chánh, tin này chỉ được nghe đồn qua một người bạn gửi tin nhắn Zalo, không kiểm chứng nên không biết là tin giả. 

Không chỉ tin giả, mà quảng cáo thuốc chữa bệnh với thông tin vô căn cứ và mạo danh cũng tràn lan trên mạng. Anh bạn bác sĩ trẻ khá tên tuổi trong ngành cơ xương khớp mà tôi quen biết đã phải kêu trời khi điện thoại của anh reo liên tục. Những người gọi đến không phải là người quen biết, mà toàn là khách hàng đặt mua thuốc chữa hôi miệng. Anh hỏi dò mới hay có ai đó đã tự tiện mượn hình ảnh, tên tuổi của anh đặt vào miệng anh lời khẳng định công dụng hiệu quả loại thuốc chữa hôi miệng mà họ đang quảng cáo rao bán trên facebook. Xem kỹ mới biết đó là những loại thuốc “sơn đông mãi võ”, không nguồn gốc, mượn tên tuổi bác sĩ và mạng xã hội để quảng bá không tốn tiền, khiến nhiều người tin sái cổ, nhảy vào like và đặt hàng. Kho dữ liệu trên mạng cung cấp rất nhiều thông tin có giá trị, vô cùng cần thiết, nhưng nhiều người thiếu tỉnh táo kiểm chứng thông tin trên mạng đã phải dở khóc dở cười vì lỡ đặt niềm tin vào những thông tin không chuẩn của “ông thầy bá đạo”. 

Những thông tin giả tràn lan trên mạng gây ra nhiều hệ lụy. Người nghe theo lời quảng cáo thuốc chữa bệnh giả lâm vào cảnh tiền mất tật mang. Người bị tung tin xuyên tạc phải mất ăn mất ngủ, phải thanh minh trước cái nhìn dò xét của nhiều người. Thông tin giả là mặt trái đang gây nhiều nhức nhối cho xã hội. Báo chí đã tốn không ít giấy mực về chuyện này. Công an vất vả vào cuộc, nhưng tin giả vẫn lộng hành. Để không trở thành nạn nhân của tin giả, bản thân người dùng mạng xã hội tự bảo vệ mình trước hết bằng cách tiếp nhận thông tin một cách thông minh và có trách nhiệm.

Tin cùng chuyên mục