Tọa đàm khoa học “Theo dòng lịch sử sân khấu cải lương”

Ngày 7-12, Trường ĐH KHXH-NV TPHCM phối hợp với Hội Sân khấu TPHCM tổ chức tọa đàm khoa học “Theo dòng lịch sử sân khấu cải lương”, nhân kỷ niệm 100 năm sân khấu cải lương (1918 - 2018). 

Tọa đàm đã nhận được 14 tham luận và 6 ý kiến đóng góp, xoáy vào nội dung: cải lương Nam bộ - nhìn lại và bước tiếp; những đóng góp của thầy tuồng trong cải lương Nam bộ; sân khấu cải lương Sài Gòn vùng tạm chiếm; giải thưởng danh giá của sân khấu cải lương thời hoàng kim; đôi nét về dàn nhạc cải lương Nam bộ; đoàn cải lương Nam bộ những năm tháng trên đất Bắc; âm nhạc cải lương; để cải lương tiếp cận với công chúng trẻ; nâng cao chất lượng tổ chức biểu diễn cải lương trong đời sống hiện đại...

Tọa đàm khoa học “Theo dòng lịch sử sân khấu cải lương” ảnh 1 Một cảnh trong vở cải lương Thái hậu Dương Vân Nga
Tất cả đã phản ánh khá tổng quan một hành trình phát triển loại hình nghệ thuật cải lương, đặt trọng tâm vào hoạt động tổ chức biểu diễn và phát triển sân khấu cải lương giai đoạn 1955 - 1975, thời kỳ hoàng kim của của nghệ thuật cải lương và quá trình gìn giữ, bảo tồn và phát triển sân khấu trong thời đại mới. 

Hội thảo rất chú trọng đến các giải pháp, đề xuất, trong đó có các ý tưởng, giải pháp gắn với đời sống thực tiễn của sân khấu cải lương hôm nay như: giáo dục âm nhạc - sân khấu dân tộc trong học đường, cho công chúng; chú trọng công tác quản lý chuyên môn; tổ chức các cuộc thi, chương trình giao lưu quảng bá nghệ thuật dân tộc; tìm kiếm và kích thích tài năng trẻ phát triển, đào tạo đội ngũ tác giả, đạo diễn, diễn viên kế thừa; chính sách phát triển văn hóa nghệ thật dân tộc; sưu tầm, lưu trữ và phổ biến những bài bản mới, hay, hiệu quả trong cải lương...

Tin cùng chuyên mục